Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiÁc mộng đụng độ Trung Quốc - Ấn Độ trên Biển Đông

Ác mộng đụng độ Trung Quốc – Ấn Độ trên Biển Đông

Tình hình Biển Đông rõ ràng có liên hệ đến lợi ích chiến lược của Ấn Độ trong khi New Delhi luôn giữ khoảng cách an toàn trong các vấn đề tranh chấp, như ở Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Tác giả Darshana Baruah đến từ Quỹ nghiên cứu người quan sát (Ấn Độ) đã phân tích sự thay đổi chiến lược của New Delhi đối với vấn đề Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương trên trang The Strategist.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã thay đổi chính sách “hướng Đông” sang “hành động ở phía Đông”, trực tiếp đưa ra ý kiến về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ đã ký thỏa thuận tầm nhìn chung với Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như đàm phán với các quốc gia trong khu vực để tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải.

Chính phủ của ông Modi cho rằng Biển Đông là yếu tố quan trọng đối với mối quan hệ giữa New Delhi và phương Đông, bao gồm cả thương mại và chiến lược. Để củng cố mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ đã xây dựng hình ảnh là một quốc gia góp phần củng cố an ninh trong khu vực.

Trong những bình luận về Biển Đông, Ấn Độ đã trực tiếp bày tỏ mối quan ngại hơn là nói bóng gió xung quanh vấn đề. New Delhi đã nói ràng về những yếu tố tiềm năng khiến cho an ninh khu vực trở nên bất ổn qua các Tuyên bố chung với Mỹ, Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng định Ấn Độ-ASEAN năm 2014.

Vai trò mới của ấn độ trong an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương đã phản ánh sự sẵn sàng của New Delhi trong việc gạt bỏ những chính sách cứng nhắc khi cần thiết. Trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy và hướng đến Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã nhận ra rằng nước này cần phải hợp tác với những quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và an ninh.

Tuy nhiên, người khổng lồ ở châu Á như Ấn Độ luôn lựa chọn bước đi thận trọng cùng Trung Quốc trong các vấn đề chiến lược ở khu vực. Ông Modi hiểu rõ những thách thức và lợi ích giữa Ấn Độ và Trung Quốc và bước đi thận trọng với Bắc Kinh sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

    Ác mộng đụng độ có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Biển Đông? - Ảnh 2

Sự thận trọng của Ấn Độ đã thể hiện qua cách mà nước này nâng cao quan điểm an ninh trong khu vực. Ngay sau khi có những bình luận về Biển Đông, Ấn Độ đã bày tỏ thái độ xoa dịu. New Delhi không đưa ra quan điểm sau khi máy bay trinh sát Mỹ tuần tra quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Ấn Độ trong quá khứ từng trải qua những bài học trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc quan tâm đến Ấn Độ Dương. Trên thực tế, Bắc Kinh gần đây đã cảnh báo Ấn Độ về việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác dầu khí và khí đốt ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng duy trì mối quan hệ kinh tế với Pakistan, người hàng xóm của Ấn Độ. Một trong những động thái cảnh báo của Bắc Kinh là việc các tàu ngầm Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng Pakistan hồi tháng Năm và Sri Lanka vào cuối năm ngoái.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là điều hoàn toàn hiện hữu. Nếu như quan hệ Trung-Ấn không được kiểm soát chặt chẽ, những xung đột trong an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và Biển Đông là có thể xảy ra, theo tác giả Darshana Baruah.

Thông điệp của Trung Quốc hết sức rõ ràng. Bắc Kinh muốn trở thành một cường quốc trong việc duy trì sự hiện diện trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ấn Độ dường như đã mắc phải sai lầm chiến lược khi không gửi bộ trưởng quốc phòng đến tham dự Đối thoại Shangri-La 2015 diễn ra tại Singapore hồi tháng Năm. Đối thoại đã nêu lên những thách thức trong việc duy trì an ninh khu vực.

    Ác mộng đụng độ có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Biển Đông? - Ảnh 3

Tàu ngầm Trung Quốc gần đây đã cập cảng Pakistan, quốc gia láng giềng với Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Ấn Độ ngày nay đã chủ động tiến lên phía trước bằng việc tập trung vào xây dựng và củng cố quan hệ song phương với ASEAN. New Delhi đã nhận ra sự cần thiết của việc đàm phán đa phương và xây dựng mô hình như vậy ở khu vực Thái Bình Dương.

Thủ tướng Modi đã đề cập đến việc khôi phục lại cuộc tập trận Qad, diễn tập MALABAR với Nhật Bản sau 8 năm. Ấn Độ và Australia cũng sẽ tham gia tập trận quân sự chung vào tháng 10 tới. New Delhi bày tỏ mối quan tâm đến việc tăng cường quan hệ hải quân với Indonesia. Ấn Độ cũng đã tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng ba bên với Nhật Bản và Australia vào tháng trước.

Ác mộng đụng độ có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Biển Đông? - Ảnh 4

Tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ

Tác giả Darshana Baruah cho rằng chia sẻ trách nhiệm là cách tốt nhất để Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Việc quá cẩn trọng cũng có thể ảnh hưởng đến “hình ảnh của một quốc gia góp phần cải thiện an ninh” mà Ấn Độ mong muốn.

Ấn Độ nên tiếp tục phối hợp với các quốc gia khác và đóng góp nhiều hơn vào cấu trúc an ninh trong khu vực. Để làm được điều này, New Delhi cần phải có các hành động thường xuyên và công khai hơn, bao gồm cả ý nghĩa biểu tượng và thực chất.

Như vậy, việc có thể xảy ra cơn ác mộng khi Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ quân sự trên Biển Đông hay không sẽ vẫn còn là bài toán khó đoán bởi tất cả các bên đều tính toán, cân nhắc ảnh hưởng của nó đến lợi ích và sự phát triển của chính mình.

Một cuộc chiến chỉ có thể xảy ra khi một bên đơn phương làm tổn hại lợi ích, lực lượng của bên còn lại hoặc của một liên minh có hiệp đồng và ý chí chặt chẽ.

RELATED ARTICLES

Tin mới