Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngVấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)-...

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)- Kỳ 3

Nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX, quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Trong đợt hoạt động nói trên, Trung Quốc đã thành lập một Bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải và họ thường xuyên duy trì 20 tàu các loại ở khu vực quần đảo Trường Sa. Họ đẩy mạnh các hoạt động ngăn cản, phong tỏa, khiêu khích trắng trợn bằng vũ lực đối với các tàu vận tải Việt Nam để kiếm cớ gây xung đột vũ trang, dẫn đến sự kiện nghiêm trọng ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Để biện hộ cho sự kiện này, Trung Quốc nói rằng: họ buộc phải “phản kích để tự vệ”. Theo cách nói đó nghĩa là hải quân Việt Nam là kẻ tấn công, còn hải quân Trung Quốc là kẻ phòng thủ, tự vệ.

Trận “phản kích để tự vệ” đó được sách báo Trung Quốc mô tả như sau:

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến đấu trên biển Nam Trung Quốc. Cuộc chiến đấu này mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 28 phút, nhưng nó đã làm cả thế giới quan tâm theo dõi.

Trong khoảnh khắc, trên biển Nam trời đất tối sầm, tiếng pháo đùng đùng, bốn bề tiếng súng râm ran.

“Trong tiếng pháo đùng đùng, tàu vận tải (số 604) của hải quân Việt Nam chở đầy lính bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ (số 505) và một tàu vận tải khác (số 605) đã bị bắn trọng thương, kéo theo đám cháy và cột khói đen ngòm, chuồn thẳng. Tàu đổ bộ (số 505) bị chìm trên đường về, còn tàu đổ bộ (số 605) thì mắc cạn.

Cuộc chiến đấu không cân sức trên biển vẻn vẹn chỉ diễn ra có 28 phút đã kết thúc với thất bại thảm hại của quân Việt Nam, kết quả một tàu bị chìm tại chỗ, hai tàu bị thương, chết và bị thương hơn 20 tên, mất tích 74 tên. Còn phía Trung Quốc chỉ có một số nhân viên khảo sát và một số nhân viên khác trên đảo bị thương, ngoài ra không bị tổn thất gì, đây là một trận chiến trên biển đánh gọn và đẹp mắt” (Sa Lực- Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992).

Điều cần nói thêm là, lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Trường Sa năm 1988 có phải “thuần túy là hoạt động khoa học” như họ nói không?

Chính các tác giả Trung Quốc viết rằng: “Cùng với sự diễn biến ngày càng gay gắt và xấu đi trong mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền Nam Sa giữa Trung Quốc- Việt Nam để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Tổ quốc, hải quân Trung Quốc đã có sự cố gắng to lớn, đã xây dựng một đội quân tác chiến trên biển và trên đất liền trang bị thêm tàu cứu hộ viễn dương kiểu mới, xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh hiện đại…Việc chúng ta giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo nào đó ở Nam Sa bị nhà cầm quyền Việt Nam xâm chiếm là trách nhiệm không thể thoái thác” (Sa Lực- Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992).

Rõ ràng, cái gọi là tiến hành khảo sát để “lắp đặt trang bị khảo sát khoa học” theo yêu cầu của tổ chức văn hóa, giáo dục khoa học Liên hợp quốc là bức màn che đậy cho việc thực hiện chủ trương “tiến xuống Nam Sa” của Trung Quốc. Đúng như một tờ báo Mỹ đã nhận xét: “Các cuộc thao diễn hải quân của Trung Quốc ở biển Đông đang hỗ trợ cho những ý kiến khẳng định của những người lãnh đạo các nước Đông-Nam Á là Bắc Kinh có những mục đích bá quyền ở khu vực” (Theo báo Người hướng dẫn khoa học đạo Ki-tô (Mỹ), ngày 16-3-1988). Trung Quốc đã không thể tìm ra những chứng cứ để chứng minh được rằng, Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo này từ bao giờ và đã có những hành động thực tế nào để thực hiện việc quản lý thật sự hai quần đảo. Vì vậy, phía Trung Quốc chỉ khăng khăng một cách đơn giản và độc đoán: “Chính phủ các triều đại Trung Quốc đã liên tục thực hiện quyền cai quản hai quần đảo đó” (Theo Văn kiện Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa, ngày 30-1-1980).

Trong quyển Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894, ghi chú rõ: “Điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18 độ 13′ ” (Minh sử). Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ , bản đồ tỉnh Quảng Đông xuất bản năm 1897 cũng ghi: ” Điểm cực nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18 độ 09′ 10” “. Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong tập bản đồ mang tên Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những bản đồ ấy đều khẳng định cho đến thế kỷ XX lãnh thổ Trung Quốc không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tác giả Sa Lực-Mân Lực đã cố dẫn ra một vài chi tiết lặt vặt, bằng cách cắt xén, sắp xếp tư liệu để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc.

Bằng chứng mà Sa Lực- Mân Lực dẫn ra vừa mơ hồ về nội dung, vừa không thống nhất về thời điểm lịch sử. Lúc thì họ nói từ đời nhà Đường, lúc thì họ nói từ đời Bắc Tống, các triều đại Trung Quốc đã “thi hành quyền quản lý” hai quần đảo này? Qua các sách sử Trung Quốc như Đường Thư, Dư địa kỷ thắng, Vũ Kinh tổng yếu, Quảng Đông thống chí, người ta không thấy chép việc sáp nhập các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đảo Hải Nam.

Sự kiện viên Thái giám nhà Minh, Trịnh Hòa bảy lần sang Tây Dương chép trong Minh sử chỉ là những chuyến “đi sứ” của một sứ thần, hoàn toàn không liên quan gì đến hai quần đảo ở biển Đông. Tuyến đường biển mà Trịnh Hòa đã đi là tuyến đường ven theo bờ đại lục Trung Quốc, bờ biển đảo Hải Nam, bờ biển miền Trung Việt Nam rồi đi xuống phía Nam.

Cần nói thêm, Sa Lực- Mân Lực đã viết rằng, đoàn thuyền của Trịnh Hòa đã “nhiều lần thả neo nghỉ ngơi tại đây” (tức là tại Tây Sa và Nam Sa). Điều đó chứng tỏ các tác giả không hiểu biết gì về các quần đảo này. Thực ra, đó chỉ là các quần đảo san hô, chằng chịt những bãi cạn và đá ngầm, chỉ có thuyền nhỏ có thể ra vào được, còn thuyền lớn vào đó không bị đắm cũng mắc cạn. Đoàn thuyền của Trịnh Hòa (viên Thái giám nhà Minh được vua Minh bảy lần sai đi sứ các nước Đông-Nam Á và Nam Á) “gồm 200 chiếc thuyền, trong đó có 60 chiếc dài 148 mét, rộng 60 mét” (Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, Nxb Bắc Kinh-Thượng Hải, 9-1990) sao có thể “thả neo” ở Tây Sa và Nam Sa được?

Không có chủ quyền trong lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc làm sao có thể nói mình có quyền “giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo” thuộc quần đảo này? Những việc làm của Trung Quốc đối với quần đảo này từ những năm từ 1930 đến nay, không có khả năng biện minh theo luật pháp quốc tế.

Lý lẽ và hành động trên của Trung Quốc khiến cho dư luận quốc tế lo ngại và cảnh giác. Trong bài Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối ( Bary Wain, Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối , báo Asien wall Street (Hồng Kông) 15-4-1994). Tác giả Bary Wain vạch rõ: ” Bằng những lý do chẳng ai biết rõ ra sao (nguyên văn là: bằng những lý lẽ mà không thể hiểu rõ ngay được đối với người trên sao Hỏa đáp xuống). Trung Quốc nói rằng, nhóm đảo ấy là lãnh thổ thiêng liêng của họ”. Về những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển Đông, cũng bài báo trên đã nhận xét: “…lập trường của Trung Quốc không chỉ là vô lý mà còn là lố bịch nữa”.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới