Giới chuyên gia Trung Quốc không khỏi lo lắng trước sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ ở Biển Đông và cho rằng Bắc Kinh cần đưa thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay, tàu hải cảnh ra vùng biển chiến lược.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc các tàu sân bay Mỹ thường xuyên hiện diện ở Biển Đông trong năm nay có thể làm bùng phát căng thẳng trong khu vực cũng như ảnh hưởng xấu tới quan hệ Trung – Mỹ.
Trong khi đó, truyền thông Philippines mới đưa tin một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã xuất hiện gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 25/2.
Cụ thể, theo tờ Philstar, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã có mặt ở Biển Đông từ ngày 23/2 và hoạt động gần quần đảo Trường Sa hôm 25/2.
“Đây là một hoạt động bình thường theo kế hoạch. Hải quân Mỹ là lực lượng hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của hải quân Mỹ là nhằm đảm bảo các vùng biển duy trì hoạt động mở”, Philstar dẫn lời phát ngôn viên hải quân Mỹ, Trung úy Tim Hawkins.
Cũng theo ông Hawkins, 90% hoạt động thương mại đường biển của thế giới đi qua Biển Đông và để đảm bảo các tuyến đường thương mại biển được thông thoáng, “cần một người luôn hiện diện ở đây”.
Tuy nhiên, chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, Giáo sư Li Haidong tại Viện Nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, “sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông cùng với chiến lược an ninh quốc gia mới được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc là ‘một đối thủ cạnh tranh quyền lực’, thì trong năm nay, Biển Đông sẽ chứng kiến thêm nhiều hành động mang tính khiêu chiến cùng với các chuyến thăm của tàu sân bay và máy bay Mỹ”.
Ông Li cũng dự báo trong năm nay, mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ còn căng thẳng hơn. Trong đó, vấn đề gây căng thẳng không chỉ còn giới hạn ở những tranh chấp trên Biển Đông mà còn xuất phát từ việc Mỹ đang tìm cách đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ.
Sự xuất hiện của tàu sân bay USS Carl Vinson gần quần đảo Trường Sa hôm 25/2 là lần thứ hai trong tháng tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông.
Trước đó, vào ngày 14/2, tàu USS Carl Vinson cũng đã thực hiện hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Song Bắc Kinh lại xem đây là động thái nhằm gửi lời cảnh cáo trực tiếp tới Trung Quốc, quốc gia vẫn ngang nhiên xâm phạm chủ quyền và xây dựng trái phép hàng loạt công trình phục vụ mục đích quân sự ở vùng biển chiến lược.
Giới chuyên gia Trung Quốc còn cáo buộc mục tiêu duy trì ưu thế ở châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ có thể gây ảnh hướng tới thế ổn định của khu vực.
“Trung Quốc nên đưa thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay, tàu hải cảnh ra Biển Đông để đối phó với Mỹ”, ông Chen lập luận.
Trong khi đó, vào ngày 5/2, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho hay lực lượng tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại thông tin trên, vào ngày 6/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói, “Trung Quốc tôn trọng sự tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối bất cứ quốc gia nào đe dọa và gây ảnh hưởng tới chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia của Trung Quốc và các nước ven biển khác dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không”.