Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhanh hơn, mạnh hơn, to hơn: Công nghệ quân sự TQ đang...

Nhanh hơn, mạnh hơn, to hơn: Công nghệ quân sự TQ đang hù dọa ai?

Thời gian gần đây, tiến triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quân sự đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, nhất là những nước có cạnh tranh sức mạnh trực tiếp.

Trung Quốc phóng vệ tinh định vị Bắc Đẩu lên quỹ đạo. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hiện đang tập trung phát triển rất nhiều các dự án quân sự công nghệ cao nhằm khẳng định vị thế của một cường quốc đang trỗi dậy. Những tiến triển của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ quân sự đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các quốc gia trên thế giới, nhất là những nước cạnh tranh sức mạnh trực tiếp.

Ngày 14/2/2018, Đô đốc Harry Harris – Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các nghị sĩ nước này về những động thái phát triển quân sự mạnh mẽ gần đây của Bắc Kinh, và cho rằng Trung Quốc có thể sẽ “sớm thách thức Mỹ trên gần như tất cả các mặt trận”.

Ông Harry Harris đặc biệt nhấn mạnh tới những đầu tư của Trung Quốc cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và tên lửa siêu thanh, đồng thời cảnh báo: “Nếu không duy trì được tốc lực phát triển, Mỹ sẽ rất khó cạnh tranh với Trung Quốc trên các chiến trường trong tương lai”.

Vậy đâu là những dự án quân sự công nghệ cao mà Trung Quốc đang theo đuổi khiến Mỹ phải lo ngại?

Tàu sân bay

Năm 2017, Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay tự đóng nội địa đầu tiên của mình. Nước này hiện đang bắt đầu đóng mới chiếc thứ hai và dự kiến sẽ trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) – một bước cải tiến lớn so với kiểu phóng nhảy cầu (ski-jump) hiện tại.

Muốn hoạt động hiệu quả, các tàu sân bay phải cần tới sự hỗ trợ của máy bay do thám để phát hiện mối đe dọa, qua đó giúp kiểm soát được các chiến dịch trên không. Do đó, Trung Quốc đang đầu tư phát triển chiếc máy bay cảnh báo sớm trên không đầu tiên có tên gọi Shaanxi KJ-600 nhằm biên chế cho các tàu sân bay trong tương lai.

Để tương thích với hệ thống phóng điện từ, KJ-600 sẽ được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) giúp phát hiện máy bay đối phương từ khoảng cách xa, thậm chí là cả các tiêm kích tàng hình như F-35 mà Mỹ triển khai tới Nhật Bản hồi năm ngoái.

Pháo ray điện từ

Cuối tháng 1/2018 xuất hiện các hình ảnh cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp đặt một hệ thống pháo ray điện từ (electromagnetic railgun) trên một chiếc tàu chiến neo đậu ở nhà máy đóng tàu thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Dù Quân đội Trung Quốc chọn cách giữ im lặng nhưng thông tin trên được rất nhiều nhà quan sát quân sự đồng thuận xác nhận, và nếu đúng như thế thì Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên lắp đặt một vũ khí như vậy cho tàu chiến.

Hải quân Mỹ từng thử nghiệm các pháo ray điện từ nhưng bắn từ đất liền với đầu đạn đạt tới vận tốc 7.800 km/h và bay xa khoảng 185 km.

Ý tưởng chế tạo những loại súng như vậy nhằm mục đích sử dụng sức mạnh từ trường để phóng đầu đạn bay nhanh hơn và xa hơn khả năng của các hệ thống hiện tại.

Do không cần tới thuốc phóng nên trong cùng một không gian có thể tích trữ được số lượng đầu đạn lớn hơn, khiến pháo ray điện từ trở thành vũ khí lý tưởng cho cả các chiến dịch đổ bộ và chiến đấu trên biển.

Tên lửa siêu thanh

Tên lửa siêu thanh được coi là vũ khí có sức xuyên phá lớn nên cũng giống như Nga và Mỹ, Trung Quốc đang tập trung nỗ lực phát triển.

Theo Tạp chí The Diplomat, tháng 11/2017 Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo DF-17 mang theo thiết bị phóng lướt siêu thanh (HGV).

HGV được thiết kế tinh xảo, có khả năng mang theo cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, di chuyển với tốc độ siêu nhanh. Nó cũng có thể tự dẫn đường, phóng lướt tới mục tiêu chỉ định. HGV khiến hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trở nên lỗi thời. DF-17 có thể được Trung Quốc đưa vào trang bị từ năm 2020.

Do thám biển sâu

Tháng 1/2018, South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đã cho triển khai một mạng lưới do thám dưới biển gồm các phao nổi, tàu mặt nước, vệ tinh và thiết bị phóng ngầm dưới nước.

Hệ thống này được sử dụng để thu thập thông tin về môi trường biển như nhiệt độ và độ mặn của nước – những yếu tố tác động chủ yếu tới tốc độ và hướng truyền sóng âm.

Do các tàu ngầm thường sử dụng sonar để theo dõi và định vị tàu đối phương nên hệ thống kể trên của Trung Quốc có khả năng rất cao được ứng dụng cho các mục đích quân sự.

UAV dạng bầy đàn

Trung Quốc cũng đang nghiên cứu sử dụng “bầy đàn” các máy bay không người lái (UAV) như một biện pháp tấn công mới. Tháng 12/2017, Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc đã tiến hành một thử nghiệm với sự tham gia của vài chục chiếc UAV cỡ nhỏ để thực hiện một nhiệm vụ do thám mô phỏng.

Những thử nghiệm trong tương lai có thể sẽ liên quan tới hàng trăm chiếc UAV do tiềm năng ứng dụng kiểu bầy đàn này là rất lớn. Mang theo các thiết bị chế áp điện tử, chúng có thể được Trung Quốc sử dụng để gây nhiễu và chế áp hệ thống phòng không của đối phương trước khi tiến hành một chiến dịch quy mô phức tạp hơn.

Khung xương trợ lực

Tháng 2/2018, Norinco – hãng chế tạo xe thiết giáp nhà nước Trung Quốc đã giới thiệu mẫu khung xương trợ lực (exoskeleton) thế hệ hai nhằm trang bị cho các lực lượng bộ binh của nước này.

Khi mặc các khung xương bó sát người chạy bằng pin, một người lính có thể mang theo tới 45 kg vũ khí và trang thiết bị cá nhân. So với phiên bản giới thiệu năm 2015, mẫu cải tiến lần này có khuôn suôn thẳng hơn, pin tốt hơn và các cần chuyển động khí, thủy lực mạnh hơn.

Chưa hết, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc còn trình diễn với các lãnh đạo hải quân nước này một bộ khung xương trợ lực do họ tự phát triển nhằm mục đích hỗ trợ cho các chiến dịch trên biển, mà trước hết giúp đưa được khối lượng lớn hàng hóa lên tàu và máy bay.

RELATED ARTICLES

Tin mới