Bản tin Biển Đông ngày 12/03/2018.
Tàu chiến HMS Sutherland của Anh cập cảng Sydney, Úc, chuẩn bị cho hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
Ngày 9/3, hãng ABC News cho biết tàu chiến HMS Sutherland của Anh đã cập cảng Sydney, Úc trước khi triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông vào tuần tới. Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã lên án chuyến hải trình của tàu HMS Sutherland. Tư lệnh Andrew Canale cho biết ông đã sẵn sàng cho bất cứ khả năng nào, khẳng định hoạt động tự do hàng hải của Anh sẽ tuân thủ một cách đầy đủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông từ chối không tiết lộ rằng liệu tàu HMS Sutherland có đi vào khu vực 12 hải lý khu vực tranh chấp hoặc một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, như cách Mỹ đã làm hay không. ABC News cho biết, chuyến hải trình lần này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong một cuộc phỏng vấn với ABC đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 2 cùng với tuyên bố nêu tầm quan trọng của việc khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và nhấn mạnh Hải quân Anh sẽ bảo vệ các quyền này để phục vụ cho vận tải quốc tế cùng với hải quân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết Trung Quốc không yêu cầu Philippines đánh đổi tài nguyên để đổi lấy các khoản vay
Ngày 10/3, Inquirer đưa tin, liên quan đến một bài báo của học giả Trung Quốc trên tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng các khoản vay mà Trung Quốc dành cho các quốc gia, trong đó có Philippines, thường “đi kèm” với các hợp đồng cho vay có sử dụng một số tài nguyên thiên nhiên nhất định để “thế chấp”, ngày 9/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cam đoan rằng các khoản vay Trung Quốc dành cho Philippines là “vô điều kiện” và sẽ “không bao giờ động chạm đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông”. Cụ thể, ông Cảnh Sảng cho hay một vài nội dung trong các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc thực tế cũng có yêu cầu bên vay phải sử dụng một số “tín nhiệm quốc gia” nhất định làm thế chấp, theo như thực tiễn quốc tế nhưng nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không và sẽ không bao giờ yêu cầu các bên liên quan phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên để thế chấp trong các hợp đồng vay”. Bên cạnh đó, ông khẳng định bài viết nói trên chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân chứ không thể hiện lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng khẳng định rằng, Trung Quốc có lợi ích trong việc giải quyết thích đáng vấn đề Biển Đông song nước này “sẽ không gắn vấn đề tranh chấp trên biển với các dự án hợp tác kinh tế và thương mại song phương”.
Quan chức quốc phòng ASEAN khẳng định mong muốn thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông
Ngày 11/3, hãng Rappler đưa tin, trong một tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN ngày 8/3/2018 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông đồng thời kêu gọi các quốc gia cần giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế tại khu vực này và tránh các động thái “có thể làm phức tạp tình hình”. Quan chức cấp cao các nước ASEAN đặc biệt nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cũng như sự cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau và kiềm chế trong các hoạt động và tránh những hành động có thể làm phức tạp tình hình “
Việc Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch Tập Cận Bình gây thêm lo ngại về vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Ngày 11/3, Rappler đưa tin, liên quan đến sự kiện ngày 10/3/2018 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã bãi bỏ giới hạn đối với nhiệm kỳ của Chủ tịch Trung Quốc, ông Aaron Jed Rabena, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đối ngoại “Con đường Châu Á – Thái Bình Dương vì sự Tiến bộ” cho rằng với sự thay đổi lớn này thì trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn của họ ở Biển Đông, sẽ tiếp tục những gì đã làm nhằm củng cố lập trường ở khu vực. Ông Rabena cho rằng, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông được thực hiện dựa trên một loạt các ý định chiến lược trong khu vực, bao gồm những tính toán về quân sự, kinh tế và khoa học có tính đến tầm quan trọng của Biển Đông đối vớ nước này về địa chính trị, an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Thêm vào đó, ông cũng cho hay, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng gắn với tham vọng của nước này là nhằm “trở thành cường quốc về khoa học và công nghệ” vào năm 2049. Khi được hỏi rằng Philippines nên làm gì để Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, ông Rabena cho rằng với Trung Quốc thì không nên hiểu “sự tuân thủ” đơn thuần theo nghĩa đen vì Trung Quốc vẫn có thể được xem là đã “tuân thủ” nếu “để yên” cho tình hình Biển Đông được hòa bình, ổn định và không có căng thẳng; với Philippines, chỉ cần đó là việc ngư dân và tàu thuyền của nước này được đảm bảo quyền tiếp cận các vùng biển thì Trung Quốc cũng đã được xem là tuân thủ Phán quyết.