Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóng"Gạc Ma 1988 - Không thể nào quên" qua lời kể của...

“Gạc Ma 1988 – Không thể nào quên” qua lời kể của một nhân chứng sống

Khi chiến sự Gạc Ma 1988 nổ ra, tôi đang làm việc dưới máy tàu HQ-604 thì bị tàu TQ bắn chìm, may mắn sao lúc nước biển ập vào lại đẩy tôi ra ngoài cùng với những quả bí ngô.

Con tàu HQ 604 lên đường ra Gạc Ma và đã chìm vào lòng biển trong trận chiến ngày 14/03/1988. Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 125.

“Vòng tròn Bất tử” Gạc Ma 1988

Trong cuộc hải chiến chiếm đảo Gạc Ma 1988, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) ngày 14/03/1988, Hải quân Trung Quốc đã giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân của ta, đồng thời bắt 9 chiến sĩ Hải quân khác đưa về biệt giam.

Mãi tới năm 1991 phía Trung Quốc mới chịu trao trả cho Việt Nam, trong đó có Lê Văn Thoa, tại thời điểm đó anh bị một vết thương trên đầu (bên thái dương trái), vết thương vai trái và cụt 1/3 ngón tay chỏ phải.

Nhiều năm qua Lê Văn Thoa phải nỗ lực vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, nhưng thường xuyên được đồng đội của anh đến thăm gia đình, động viên. Biết các  anh đang chuẩn bị ra Đà Nẵng, rồi quay về Phú Yên cùng đồng đội họp mặt tưởng niệm 30 năm ngày đồng đội của các anh hy sinh tại Trường Sa.

Tại căn nhà của gia đình anh với diện tích đất chỉ có 27 mét vuông (số 5D, Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn, Bình Định), Thoa nghẹn ngào chia sẻ: “Ngày ấy tôi là thợ máy nhận được lệnh tăng cường ra Trường Sa làm nhiệm vụ trên tàu HQ – 604.

Rạng sáng ngày 14-3/1988 chiến sự nổ ra tôi đang làm việc dưới máy tàu, khi bị Hải quân TQ bắn chìm, may mắn sao khi nước biển ập vào trong tàu lại đẩy tôi ra ngoài cùng với những quả bí ngô, tôi vội ôm được 2 quả bí (thực phẩm trong tàu HQ-604), rồi cứ thế lênh đênh trên biển suốt cả ngày.

Chiều tối cùng ngày tàu Trung Quốc lại xâm phạm gần đảo Gạc Ma của ta và phát hiện tôi trên biển, liền dùng gậy dài móc kéo tôi lên tàu. Khi lên tàu đã thấy nhiều đồng động tôi bị bắt và bị trói tay và tôi kịp nhìn thấy anh Hùng cùng Lữ đoàn 125 hải quân, quê ở Thanh Hóa cũng bị bắt.

Suốt gần 4 năm bị biệt giam tại một nhà tù ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, được trở về với Tổ quốc và gia đình tôi mừng vui khôn tả, lúc đó lãnh đạo đơn vị (Lữ đoàn 125 hải quân) đã cho tôi cơ hội được tiếp tục cống hiến và rèn luyện trong môi trường Quân đội.

Đồng thời Quân chủng Hải quân đã quan tâm đưa đi giám định y khoa, kết quả thương tật chỉ là 11%. Cũng vì nguyện vọng muốn tiếp tục được phục vụ trong quân đội, nên tôi đã “không khai” mình bị cụt 1/3 ngón tay và các vết thương khác trên cơ thể từng bị chảy máu (thái dương và vai)”.

Vật lộn mưu sinh và cái kết đẹp

Cuối năm 1996 Lê Văn Thoa ra quân với quân hàm trung úy. Trở về với đời thường anh từng chạy xe ôm mưu sinh nhiều năm tại TP.HCM, cuối cùng anh trở về thành phố Quy Nhơn sinh sống với cha mẹ.

Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Văn Tho, hiện sinh sống gần gia đình anh Thoa cho biết: “Trở về địa phương, Thoa rất tích cực tham gia công tác xã hội, 10 năm liền làm Tổ trưởng dân phố. Do có những tháng năm cống hiến trong quân đội, Thoa đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang…

Gần đây trong nỗi nhọc nhằn mưu sinh chăm sóc cha mẹ già đã 73 tuổi, vợ và 3 con nhỏ (trong đó 2 con học mầm non), Lê Văn Thoa thấy thường xuyên xuất hiện cơn đau đầu, nhức vai.

Vì vậy, đồng đội đã khuyên anh nên đi khám và xét nghiệm lại các vết thương, kết quả phát hiện: Có dị vật kim loại ở phần mềm vai và ở cạnh xương thái dương trái. Được Quân chủng Hải quân giúp đỡ chuyển bộ hồ sơ gốc, anh Thoa mang lên Sở Thương binh – Lao động Bình Định trình bày nguyện vọng và được giám định lại các thương tật.

Với kết quả 29%, Thoa chính thức được hưởng chế độ thương binh cuối năm 2017 vừa qua.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, 74 tuổi, ở TP. Nha Trang, nguyên Chỉ huy trưởng Cụm 2 đảo Sinh Tồn – Trường Sa (bao gồm các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn, Huy Gơ…) chia sẻ:

“Ngày đó, trong số 9 chiến chiến sĩ của ta bị TQ bắt (ngày 14-3/1988), đến nay đã chết 5 người, hiện chỉ còn có 4 người. Tôi đã đến nhà thăm Lê Văn Thoa và biết rõ về hoàn cảnh gia đình, thương tật của Thoa.

Là người con đất võ Tây Sơn (Bình Định), sống thẳng thắn, trung thực… bây giờ tất bật mưu sinh, với tình yêu biển đảo tha thiết, anh đã đặt tên quán phở tại nhà là Phở Gạc Ma – Trường Sa. Mới đây, Thoa đã được hưởng chế độ, chính sách, chúng tôi rất mừng…

Đây cũng là sự thể hiện chính sách hậu phương thiết thực, đảm bảo không bỏ sót người có công, đồng thời là nguồn cổ vũ động viên tinh thần những cựu binh Trường Sa chúng tôi nói chung và bản thân cựu binh Lê Văn Thoa nói riêng”…

RELATED ARTICLES

Tin mới