Các phương tiện cơ giới Nga hiện đại nhất tham chiến ở Chechnya đã phải chịu những tổn thất nặng nề, 200 xe các loại bị phá hủy ở thủ phủ Grozny, trong đó có nhiều xe tăng T-80.
Một chiếc xe tăng T-80 của Nga bị lật trên đường hành quân.
Xe tăng T-80 là một ví dụ sinh động về việc từ phòng thiết kế đến thực chiến khác nhau như thế nào. Là một biểu tượng sức mạnh của Lục quân Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, những chiếc xe tăng T-80 đã phải chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất và sau đó không bao giờ có thể khôi phục lại danh tiếng của mình.
Uy danh một thủa
T-80 là chiếc xe tăng chiến đấu cuối cùng được thiết kế và sản xuất dưới thời Liên Xô. Đây là chiếc xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ tuabin khí, giúp xe có thể cơ động với tốc độ tối đa 70km/giờ. Do vậy, chiếc T-80 trở thành một trong những chiếc xe tăng có tốc độ nhanh nhất được sản xuất trong những năm 1980.
Xe tăng T-80 là một phiên bản cải tiến từ dòng tăng có tính cách mạng T-64. Nhiều thiết kế trên T-64 sau này trở thành tiêu chuẩn cho những thiết kế tăng chủ lực trên toàn thế giới như pháo nòng trơn; giáp phức hợp composite hay hệ thống nạp đạn pháo tự động đã giúp giảm kíp xe từ 4 xuống còn 3 thành viên.
Phiên bản T-64A sản xuất loạt đầu tiên được trang bị một pháo nòng trơn Rapier 2A46 125 mm, mẫu pháo này trở nên phổ biến đến mức nó được lắp đặt trên tất cả các xe tăng Nga đến tận những chiếc T-90 gần đây. Do hội tụ nhiều công nghệ mới, nên giá thành của những chiếc T-64 cũng rất đắt, chúng không được trang bị đại trà và xuất khẩu.
Bên cạnh những thiết kế mới mẻ, thì những chiếc T-64 cũng bộc lộ những điểm yếu đó là động cơ 5TDF hoạt động không ổn định; hệ thống treo không như kỳ vọng, thường xuyên phải sửa chữa. Hệ thống nạp đạn tự động cũng hay phát sinh trục trặc, do vậy quân đội Liên Xô lúc bấy giờ phải thành lập các đội sửa chữa lưu động, phục vụ các đơn vị được trang bị xe tăng T-64.
Để giải quyết vấn đề tồn tại từ thực tiễn, đầu năm 1970 các nhà thiết kế Liên Xô bắt tay nâng cấp chiếc T-64 lên một phiên bản mới với tên gọi T-80.
Khắc phục những điểm yếu của động cơ 5TDF trên T-64, chiếc T-80 được lắp động cơ turbine khí mà trước kia chỉ lắp trên máy bay trực thăng. Động cơ turbine khí có ưu điểm là cho công suất cực mạnh với một khối lượng và kích thước nhỏ gọn: chỉ số công suất riêng (mã lực/kg) của loại động cơ này lớn gấp hàng chục lần động cơ diesel.
Động cơ có thể dễ dàng khởi động trong điều kiện thời tiết băng giá khắc nghiệt ở nước Nga mà không cần phải sấy nóng như các loại động cơ đốt trong khác.
Điểm yếu của động cơ tuabin khí đó là tiêu hao nhiều nhiên liệu và nhạy cảm hơn với bụi bẩn dễ dẫn đến hỏng hóc. Bên cạnh đó là độ bền của động cơ không cao (chỉ khoảng 500 giờ hoạt động). Do vậy động cơ cần thường xuyên phải bảo dưỡng, thay thế, tạo gánh nặng bảo đảm hậu cần – kỹ thuật cho những đơn vị xe tăng T-80.
Năm 1978, chiếc T-80A được nâng cấp lên T-80B, đây được xem là loại xe tăng hiện đại và chất lượng cao nhất ở phía Đông khi đó; do đó hầu hết T-80B được đưa đến những nơi có nguy cơ xảy ra xung đột cao nhất, đó là lực lượng quân đội Liên Xô đóng quân ở Cộng hòa dân chủ Đức và những quân khu phía Tây.
Giới quân sự rất có hứng thú đối với T-80, trong các cuộc tập trận chiến lược theo kịch bản “Chiến tranh tổng lực”, người ta cho rằng chiếc T-80B có thể tới bờ biển Đại Tây Dương trong 5 ngày nếu không hết nhiên liệu.
Tính cơ động cao của T-80 không chỉ xuất hiện một lần. Nổi bật là trường hợp trong một cuộc diễn tập của cụm quân Liên Xô tại Đức, T-80 đã thể hiện sự cơ động trên đường cao tốc gần Berlin khi vượt qua cả các xe du lịch.
Với những ưu thế nổi bật và thiết kế được cho là tiên tiến, đương nhiên những chiếc T-80 trở thành biểu tượng sức mạnh của của Lục quân Liên Xô, làm giới quân sự phương Tây cũng phải e ngại. Đã có tổng cộng 4.839 chiếc T-80 với mọi biến thể được chế tạo, đủ tạo nên sức mạnh hủy diệt trong một cuộc chiến tổng lực trên chiến trường châu Âu.
Nhưng thực tế, những chiếc T-80 chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến thực sự để kiểm tra khả năng chiến đấu.
Uy danh bị hủy hoại
Tháng 12/1994 Chính phủ ở Chechnya tự tuyên bố độc lập, ly khai khỏi nước Nga. Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin ra lệnh cho quân đội dùng sức mạnh quân sự tiến công vào thủ phủ Grozny của Chechnya để đập tan âm mưu ly khai. Với ưu thế về vũ khí và quân số, nhưng cuộc tiến công của lực lượng vũ trang Nga vào thành phố Grozny bị thất bại nặng nề
Các xe tăng Nga hiện đại nhất khi đó là T-80B và T-80BV tham chiến trong lực lượng xung kích đã phải chịu những tổn thất nặng nề, 200 xe tăng và xe thiết giáp các loại đã bị phá hủy ở thủ phủ Grozny; trong đó có nhiều xe tăng T-80.
Đánh giá về nguyên nhân thất bại của quân đội Nga trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất cho thấy: Kỹ năng chiến đấu tốt của quân ly khai Chechnya và việc sử dụng chiến thuật bất hợp lý, cộng với tâm lý chủ quan, khinh địch của quân đội Nga mới chính là nguyên nhân thất bại của cuộc chiến.
Tuy nhiên những chiếc T-80 khi tham gia thực chiến đã bộc lộ những điểm yếu trong thiết kế. Trước hết là hệ thống nạp đạn tự động: đạn được bố trí vòng quanh tháp pháo ở vị trí thẳng đứng; khi xe bị trúng đạn sẽ gây ra nổ đạn trong xe; có những trường hợp, đạn trong xe nổ đã thổi tung tháp pháo.
Vỏ giáp của T-80 cũng không được như tính toán của các nhà thiết kế, minh chứng là chỉ với hỏa lực vác vai từ súng chống tăng RPG-7V và RPG-18 đã xuyên thủng giáp ở những nơi được cho là bảo vệ tốt nhất như tháp pháo, bán cầu trước của xe.
Giống như các mẫu tăng Liên Xô trước đây, khẩu pháo tăng của T-80 cũng không được thiết kế để bắn được những góc bắn cao (góc tà dương) và góc bắn thấp (góc tà âm). Xe tăng không thể tiêu diệt được những mục tiêu trên các nhà cao tầng hoặc trong tầng hầm, cống thoát nước của thủ phủ Grozny.
Nhưng công bằng đánh giá, lý do tổn thất của xe tăng T-80 trong cuộc chiến này nhiều nhất vẫn phải là do con người; sau khi Liên Xô sụp đổ, việc huấn luyện chiến đấu trong quân đội Nga bị buông lỏng (trong đó có các kíp xe tăng). Cùng với đó là công tác chuẩn bị chiến đấu hời hợt, kèm tâm lý chủ quan, khinh địch.
Nhiều chiếc T-80 tham chiến đã không được trang bị giáp phản ứng nổ, thậm chí binh lính còn đem thuốc nổ ở những tấm giáp để bán kiếm tiền vì khi đó tiền lương của họ quá ít ỏi; do vậy những tấm giáp phản ứng nổ chỉ là những hộp sắt rỗng và trở nên vô ích.
Điểm đáng chú ý tiếp theo là trong những điều kiện này, xe tăng T-72 đã chứng minh khả năng sống sót cao hơn T-80 một chút, nếu cùng bị trúng đạn hai bên thành xe, do đạn pháo của T-72 nằm sâu dưới sàn xe, phần trên của bánh chịu lực trong trường hợp này thực hiện vai trò diềm chắn chống đạn xuyên lõm.
Các chỉ huy chiến trường Nga đã đổ lỗi thất bại do nguyên nhân từ vũ khí, trong đó có nguyên nhân chính là những chiếc T-80 đã không phát huy được vai trò như kỳ vọng. Tuy nhiên họ cố tình quên mất những kinh nghiệm chiến đấu trong điều kiện đô thị của Thế chiến thứ hai.
Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ có các đơn vị lực lượng đặc biệt và quân đội Liên Xô đồn trú tại Berlin mới được huấn luyện sâu về cách đánh trong môi trường đô thị. Việc chuẩn bị vội vàng, cộng với tâm lý chủ quan, đánh giá thấp đối thủ.
Trong khi đó những chiến binh ly khai Chechnya phần lớn trải qua cuộc chiến tại Afghanistan nên dày dạn kinh nghiệm chiến đấu; và họ biết cách phải làm thế nào để biến những xe tăng, xe bọc thép Nga thành những lò thiêu di động.
Bên cạnh đó, tuy Liên Xô (trước kia) và Nga (ngày nay) tuy sở hữu nhiều dòng xe tăng như T-64, T-72 (A và B), T-80 (BV, U và UD) và T-90 (phiên bản nâng cấp của T-72BU)…nhưng tất cả các loại xe tăng này đều sử dụng chung một loại pháo 125 mm 2A46M, cùng loại đạn và cả loại tên lửa chống tăng phóng qua nòng.
Chúng chỉ khác nhau về khung gầm, động cơ và hệ thống kiểm soát hỏa lực. Điều này chắc chắn sẽ không đem đến nhiều sự khác biệt trong chiến đấu, trong khi đó chi phí tài chính cũng như việc cung cấp phụ tùng quá lớn.
Việc những chiếc T-80 có giá thành đắt hơn nhưng tính năng cũng không hề vượt trội so với những chiếc xe tăng T-72, nên dễ hiểu là Nga sẽ chọn những chiếc T-72 để tiếp tục có mặt trong biên chế quân đội mình trong một thời gian dài nữa.
Nga đã không sử dụng T-80 trong cuộc chiến Chechnya lần hai (1999-2000) cũng như trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia vào năm 2008. Trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng không thấy xe tăng T-80 tham chiến trong phe quân nổi dậy thân Nga.
Mặc dù có những đề nghị cải tiến, nâng cấp nhưng T-80 không còn giữ được vai trò vốn có trong quá khứ và cũng không tìm được đối tác xuất khẩu (mặc dù sau này Nga chào bán cả dây chuyền sản xuất T-80).
Lần đầu tiên những chiếc T-80 tham gia chiến đấu, nhưng uy danh đã bị vùi lấp; và chính cuộc chiến tại Chechnya đã hủy hoại thanh danh của dòng tăng và nó không bao giờ có thể lấy lại được.