Mặc dù từng được dự đoán sẽ nhận tàu hộ vệ Pohang từ Hàn Quốc trước Việt Nam, nhưng thực tế cho đến nay chiếc chiến hạm này vẫn chưa cập cảng Philippines.
Tàu 18 đang được đại tu và nâng cấp tại Nhà máy X46 – Cục Kỹ thuật Hải quân. Ảnh: QPVN được Max Defense Philippines dẫn lại.
Như đã thông tin trước đó, phía Hàn Quốc thông báo viện trợ cho Hải quân Việt Nam và Philippines mỗi nước 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang Flight III đã rút ra khỏi thành phần trực chiến của hạm đội.
Trong đó Việt Nam sẽ nhận tàu Gimcheon (PCC-761) còn Philippines được nhận chiếc Chungju (PCC-762). Mặc dù đều đã trên 30 năm sử dụng nhưng đây vẫn là sự bổ sung đáng kể cho lực lượng chiến đấu của hai quốc gia Đông Nam Á này.
Mới đây nhất, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đăng tải phóng sự trong đó có cảnh tàu Gimcheon (giờ đây đã mang số hiệu mới là 18) đang trong quá trình đại tu, sửa chữa lớn trước khi bàn giao cho Vùng 2 Hải quân, và rất nhanh những hình ảnh trên đã đến với diễn đàn quân sự Max Defense Philippines của phía bạn.
Max Defense Philippines cho rằng dựa trên hình ảnh có thể thấy con tàu đang được Việt Nam tân trang và nó có thể sở hữu tính năng kỹ chiến thuật ưu việt sau khi quá trình này kết thúc, mặc dù việc cài đặt cảm biến cũng như vũ khí mới hiện vẫn đang tồn tại ở dạng câu hỏi.
Sau khi bình luận về chiến hạm của Việt Nam thì phía Philippines “cám cảnh” và than vãn rằng họ dự kiến sẽ nhận con tàu chị em với chiếc tàu hộ vệ Pohang trên nhưng thời điểm Hàn Quốc bàn giao cho Manila vẫn chưa được ấn định.
Nguyên nhân của sự chậm trễ trên có thể nằm ở khía cạnh giải ngân, do năng lực ngành đóng tàu của Philippines có hạn nên họ không thể tự làm mà phải thuê Hàn Quốc sửa chữa lại con tàu cho mình, khi tiền chưa chuyển đi thì dĩ nhiên là Philippines vẫn còn phải tiếp tục chờ đợi.
Phần ý kiến phía dưới, rất nhiều bình luận của cư dân mạng Philippines tỏ ý chán nản về sự chậm trễ khiến hải quân nước này chưa thể đưa vào trang bị chiếc chiến hạm mới nhằm bảo vệ tốt hơn chủ quyền trên biển.
Một số bình luận khác lại phê phán ngành công nghiệp quốc phòng nước này, đó là tại sao không thể làm được công việc như Việt Nam đang thực hiện, cho dù Philippines là một quốc gia biển về lý thuyết phải có năng lực đóng tàu tốt.
Thậm chí còn có ý kiến khác theo kiểu “con cáo và chùm nho” cho rằng không cần quá quan tâm tới một con tàu đã trên 30 năm tuổi, nhưng ngay lập tức bị phản bác rằng hãy nhìn lại thực lực Hải quân Philippines hiện nay vẫn phải vận hành nhiều chiến hạm tuổi đời đã trên 50 năm.