Tuesday, April 30, 2024
Trang chủBiển nóngVì sao “sát thủ tàu ngầm” của Nhật được quan tâm?

Vì sao “sát thủ tàu ngầm” của Nhật được quan tâm?

Ra mắt vào tháng 6 vừa qua, máy bay tuần tra trên biển P-1 của Nhật được cho là sẽ tạo sự chuyển biến trong các chính sách và quyết định quân sự của Mỹ cũng như các quốc gia Phương Tây.

Máy bay P-1 của Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Trong bối cảnh quan ngại về các tàu ngầm hiện đại của Nga đang gia tăng, máy bay tuần tra trên biển đời mới nhất của Nhật Bản đang ngày càng thu hút sự quan tâm không chỉ từ phía Mỹ – đồng minh quan trọng của nước này, mà còn từ phía châu Âu.

Được sản xuất bởi Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki nhằm phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), P-1 là dòng máy bay tuần tra chống tàu ngầm đầu tiên được sản xuất trong nước.

P-1 có nhiệm vụ phát ra cảnh báo và tiến hành hoạt động giám sát trên biển. Máy bay tuần tra này được mệnh danh là “sát thủ tàu ngầm” nhờ khả năng phát hiện và tấn công những tàu ngầm mà mắt thường không dò thấy được.

Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật hiện đang sở hữu 10 chiếc P-1 được triển khai tại căn cứ không quân Atsugi thuộc tỉnh Kanagawa. Cho tới nay, các máy bay này đã được tiến hành bay thử nghiệm. Theo kế hoạch thì những lần bay thử toàn diện sẽ tiếp tục được tiến hành trong suốt năm tài khóa (từ 31/3/2015 đến 1/4/2016).

Mỗi chiếc máy bay P-1 có giá vào khoảng 163 triệu USD. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang dự định mỗi năm sẽ mua 5 chiếc bắt đầu từ năm 2018 và dần dần sẽ triển khai tổng cộng 70 chiếc.

Máy bay tuần tra P-1 được Lực lượng phòng vệ trên biển lần đầu tiên công bố trên truyền thông vào ngày 25/6, được nâng cấp và cải tiến hơn so với dòng máy bay P-3 – đây là dòng máy tuần tra trên biển chủ lực của Nhật vào thời điểm hiện tại.

P-1 có màn hình rađa màu giúp phát hiện và theo di chuyển của tàu khả nghi dõi dễ dàng hơn. Ngoài ra, loại máy bay này có thiết bị “sonobuoy” dùng để thu thập dữ liệu âm, định vị tàu ngầm, mang lại hiệu suất cao hơn so với P-3.

Mặt khác, P-3 là máy bay cánh quạt trong khi P-1 là dòng máy bay phản lực, có vận tốc nhanh hơn dòng P-3 tối đa 30%. Phạm vi hoạt động của P-1 là 8.000 km, trong khi P-3 vào khoảng 6.600 km.

Mỹ mong đợi điều gì từ phía Nhật Bản?

Quân đội Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động giám sát trên Biển Đông khi cho bay máy bay tuần tra trên biển P-8, để đáp trả lại những động thái xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc trên vùng đất tái khẳng định chủ quyền.

Tuy nhiên về lâu dài, để có thể tiếp tục những hoạt động giám sát này không phải là một việc đơn giản khi Mỹ hiện không có căn cứ thường trực nào trên Biển Đông.

Chỉ ra rằng Mỹ và Nhật Bản đều có những mối quan tâm chung tại Biển Đông và biển Hoa Đông, một nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ hi vọng quân đội nước này và Lực lượng phòng vệ của Nhật sẽ kết hợp lại tại khu vực Biển Đông.

Cho đến nay, Lực lượng phòng vệ của Nhật vẫn chưa tham gia vào hoạt động giám sát trên Biển Đông do khu vực này cách căn cứ quân sự gần nhất tại Naha, Okinawa tới 2.000 km

Một viên chức cấp cao của Lực lượng phòng vệ Nhật cho biết: “Máy bay của chúng tôi có thể di chuyển thường xuyên giữa Naha và Biển Đông, nhưng sẽ khó khăn nếu muốn duy trì trong một thời gian đủ dài để tiến hành hoạt động giám sát”.

Phía Mỹ nhận định rằng việc công bố P-1 sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình hiện tại. Trong khi đó, một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho hay: “Quân đội Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra bất kì yêu cầu cụ thể nào đối với nước này, liên quan đến hoạt động cảng báo và giám sát trên Biển Đông”.

Vậy Mỹ đang mong chờ điều gì từ phía Nhật? Cựu nhân viên cao cấp của chính phủ Mỹ cho rằng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nên hợp tác và đảm nhiệm một phần hoạt động cảnh báo và giám sát của quân đội Mỹ tại biển Hoa Đông, điều này cho phép Mỹ tăng cường hoạt động của mình tại Biển Đông.

Máy bay P-1 cũng thu hút sự chú ý của các nước châu Âu. Trong buổi họp “2+1” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng do Nhật Bản và Anh tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 1 tại London, P-1 trở thành một điểm chính trong cuộc thảo luận.

Theo trang Quốc phòng DoD Buzz của Mỹ, Anh cũng bày tỏ mối quan tâm trong việc mua các máy bay tuần tra, xuất phát từ tình hình quan hệ giữa Nga và Phương Tây đang xấu đi.

Một nguồn tin ngoại giao tại châu Âu cho hay: “Mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây ngày càng “ảm đạm” xung quanh khủng hoảng tại Ukraine, thì các hoạt động quân sự của Nga tại biên giới với các nước châu Âu ngày càng mạnh hơn.”

Nguồn tin này cũng cho hay: “Tại vùng biển lân cận Vương quốc Anh và các nước Bắc Âu, động thái của tàu ngầm khả nghi của Nga đang gia tăng”.

Trong bối cảnh đó, có khả năng đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Anh nghiêm túc nỗ lực thiết lập năng lực tuần tra chống tàu ngầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới