Hiện nay, quan hệ Trung – Nhật đang có xu hướng cải thiện, tạo cơ sở cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Trung – Nhật – Hàn vào tháng 5/2018, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe đang thăm Mỹ…
Ngày 16/4/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Kaixian.
Gần đây, quan hệ Trung – Nhật có nhiều dấu hiệu cải thiện, thể hiện rất rõ qua chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 15 – 17/4/2018 của ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
Ngày 15/4, ông Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. Ông Vương Nghị cho biết quan hệ Trung – Nhật có xu hướng cải thiện, đồng thời tồn tại một số nhân tố phức tạp, nhạy cảm.
Ông Vương đề nghị hai bên không ngừng củng cố và thúc đẩy xu thế cải thiện quan hệ này, làm cho quan hệ hai nước nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo bình thường, mở ra triển vọng mới cho phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ Trung – Nhật.
Nhìn vào nội dung hội đàm sẽ thấy, sự cải thiện quan hệ Trung – Nhật hiện nay rõ ràng có liên quan đến việc hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Trung – Nhật – Hàn tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 5/2018.
Căn cứ vào trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, Đối thoại cấp cao kinh tế Trung – Nhật lần thứ 4 được tổ chức ở Tokyo Nhật Bản vào ngày 16/4/2018, với sự chủ trì của ông Vương Nghị cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. Đây là lần đầu tiên tái khởi động đối thoại kinh tế của cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản trong gần 8 năm qua.
Các loại dấu hiệu cho thấy, trong thời điểm tròn 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị Trung – Nhật, quan hệ hai nước Trung – Nhật chào đón bước ngoặt ấm lên.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 16/4 bình luận, có 3 động thái đang làm ấm lên quan hệ Trung – Nhật: Một là thái độ của chính quyền Shinzo Abe đối với vấn đề Trung Quốc ngày càng tích cực, đặc biệt là chuyển sang đánh giá tích cực đối với sáng kiến “Vành đai, con đường”, bày tỏ ý nguyện tham gia.
Hai là thương mại Trung – Nhật bắt đầu dừng giảm, quay đầu tăng lên từ năm 2017. Ba là hai nước triển khai đàm phán về cơ chế liên lạc trên biển, trên không để ngăn chặn xảy ra những va chạm bất ngờ, sắp đạt được thỏa thuận.
Theo bài viết, những năm qua, quan hệ Trung – Nhật tồn tại nhiều vấn đề với nguyên nhân cốt lõi là Nhật Bản không thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2017, GDP của Trung Quốc đã gấp trên 2,5 Nhật Bản… Điều này thúc đẩy Nhật Bản rất tích cực trong việc tiến hành ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách làm này của Nhật Bản ít có hiệu quả.
Đối với Trung Quốc, chuyển hóa một nước Nhật Bản hầu như công khai đối lập thành một nước láng giềng hợp tác hữu nghị sẽ có “trăm lợi”, chứ không có bất cứ “hại” gì – tờ Thời báo Hoàn Cầu nhận định.
Xây dựng lại quan hệ Trung – Nhật có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, có tác động tích cực đối với hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc không thể làm thay đổi quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, nhưng hoàn toàn có khả năng làm suy yếu tính “tấn công” của đồng minh đối với Trung Quốc từ hướng Nhật Bản. Đây là sự thay đổi đáng để xã hội Trung Quốc thúc đẩy thông qua làm dịu mâu thuẫn Trung – Nhật.
Theo đánh giá của cựu tổng biên tập tạp chí “Quan sát Trung Quốc” của hãng tin Kyodo Nhật Bản, về danh nghĩa, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị là để mở đường cho chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5/2018 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Nhưng, mục đích lớn hơn của Trung Quốc là triển khai chiến lược ngoại giao, tiến hành phân hóa quan hệ Nhật – Mỹ trước khi Thủ tướng Nhật Bản tiến hành chuyến thăm Mỹ từ ngày 17 – 20/4/2018.
Ngoài ra, ngày 11/4, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phục Đán Trung Quốc đã công bố báo cáo nghiên cứu “Quan hệ Trung – Nhật 2017: Bước ngoặt trong đối đầu chiến lược”, chỉ ra quan hệ Trung – Nhật năm 2018 vừa có cơ hội, vừa gặp thách thức.
Trước hết, quan hệ Trung – Nhật – Mỹ có thể tồn tại biến số mới, quan hệ Trung – Nhật bị ảnh hưởng bởi quan hệ Trung – Mỹ.
Thứ hai, Nhật Bản thúc đẩy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác quân sự với các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông và Âu – Mỹ, cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ Trung – Nhật.
Thứ ba, các hành động tích cực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa bình của chính quyền Shinzo Abe chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng phức tạp đến quan hệ Trung – Nhật đang cải thiện hiện nay.