Manila có thể sẽ phản đối Trung Quốc sau khi có tin Bắc Kinh để hai máy bay quân sự hiện diện trên hòn đảo nhân tạo ở biển Đông, ngoại trưởng Philippines tuyên bố.
Trung Quốc tăng cường xây dựng trên Đá Vành Khăn
Hiện đang có những quan ngại về việc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Báo Philippine Daily Inquirer trong hôm thứ Tư 18/4 công bố các hình ảnh cho thấy hai phi cơ vận tải của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đường băng ở Đá Vành khăn, nơi Bắc Kinh thời gian qua đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, và cũng là nơi Manila tuyên bố chủ quyền.
Đá Vành khăn, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, đã do Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995.
Tuy vậy, đây vẫn là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Địa điểm này có tên quốc tế là Mischief Reef, còn Philippines gọi là Đá Panganiban trong lúc Trung Quốc gọi là Mỹ Tế tiêu.
Đây cũng là đảo nhân tạo nằm sát nhất, trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, và là một trong bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa với các cơ sở quân sự.
Báo Philippines nói rằng các hình ảnh về hai chiếc Xian Y-7 dài từ 20m đến 50m được chụp hồi tháng Giêng năm nay, tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.
Không rõ đây có phải là lần đầu tiên các phi cơ quân sự đáp xuống Đá Vành khăn hay không, cũng không rõ hai phi cơ trên đã đáp xuống được bao lâu tính đến thời điểm chụp ảnh.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên rằng bên quốc phòng và quân đội đã được yêu cầu xác nhận về sự hiện diện của các phi cơ quân sự Trung Quốc, sau đó, Manila sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích.
“Gửi lời phản đối là một trong những biện pháp ngoại giao đang được cân nhắc, sau khi chúng tôi có xác nhận từ Bộ Quốc phòng,” ông Cayetano nói.
“Khi các phương tiện nước ngoài đi vào khu vực mà chúng tôi tin là thuộc phần lãnh thổ của mình, chúng tôi gửi ra cho họ các thông điệp với nội dung ‘quý vị đang đi vào không phận Philippines, đang đi vào vùng biển của Philippines, hay nội dung tương tự,” ông ngoại trưởng nói tại cuộc họp báo.
“Vì vậy, hiện Bộ Ngoại giao đang áp dụng mọi hành động ngoại giao cần thiết để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình, và để thông báo cho họ biết việc chúng tôi muốn đưa các thực thể trên biển trở lại nguyên trạng ban đầu.”
Ông Cayetano cho biết thêm rằng Philippines đã đề nghị các bên có tuyên bố chủ quyền ở khu vực hãy ‘cài số lùi’ đối với việc tăng cường quốc phòng ở Quần đảo Trường Sa.
Tuy vậy, trang Rappler bình luận rằng chính phủ Tổng thống Duterte sẽ không công khai bất kỳ phản đối nào.
Theo trang này, chính phủ hiện nay của Philippines muốn bày tỏ lo ngại với Trung Quốc trong phạm vi riêng tư với hy vọng “quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh sẽ chuyển thành lợi ích kinh tế”.
Thái độ này khác với cách của chính phủ Aquino trước đây thường muốn công khai các phản đối trước Bắc Kinh.
Báo Inquirer đưa ra những hình ảnh mà họ nói là được chụp vào ngày 6/1/2018 do nguồn ẩn danh cung cấp, cho thấy có vẻ như có hai máy bay vận tải Xian Y-7 đậu trên đường băng.
Quân đội Philippines từ chối bình luận, Reuters nói, và cả Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cùng quân đội nước này cũng chưa đưa ra bình luận gì.
Trước đây, Trung Quốc đã từng cho một máy bay dân sự đáp xuống Đá Vành khăn vào ngày 13/7/2016, chỉ một ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.
Trong năm 2016, Trung Quốc cũng từng cho một phi cơ dân sự đáp xuống Đá Chữ thập, một trong bảy đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa, mà theo Bắc Kinh nói là để tới đưa ba công nhân bị bệnh về đảo Hải Nam điều trị, theo báo Inquirer.