Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBãi thử hạt nhân của Triều Tiên đã sập tan tành

Bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đã sập tan tành

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho hay ngọn núi cao 2.100m tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã sập đổ tan tành sau vụ thử hạt nhân lần 6 và đây có thể là nguyên nhân khiến Triều Tiên tuyên bố đóng cửa bãi thử.

Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 25-4 cho biết bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã đổ sập do sức công phá lớn của vụ thử hạt nhân lần 6 và hiện có nguy cơ khiến Trung Quốc cùng các quốc gia lân cận bị phơi nhiễm phóng xạ.

Thông tin này đã được 2 nhóm nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu vấn đề xác nhận.

Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, vụ sập đổ sau 5 vụ thử hạt nhân có thể là lý do khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Sáu tuần trước (20-4) tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời đóng bãi thử Punggye-ri.

Năm trong số tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã được tiến hành dưới núi Mantap ở bãi thử Punggye-ri, thuộc huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, tây bắc Triều Tiên. Bãi thử này nằm cách biên giới Trung Quốc chỉ 80km.

 

Một đội nghiên cứu dẫn đầu là ông Wen Lian Xing – một nhà địa chất tại Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc (USTC) ở tỉnh An Huy, đã kết luận rằng vụ sập đổ bãi thử Punggye-ri diễn ra sau vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên bên trong một đường hầm sâu 700m dưới núi Mantap hồi tháng 9-2017.

Vụ thử đã khiến ngọn núi đổ sập và nền đất không còn ổn định để có thể tiến hành thêm các vụ nổ hạt nhân khác. Các nhà nghiên cứu lo ngại bụi phóng xạ có thể rò rỉ ra khỏi các hầm sau khi ngọn núi bị đổ sập.

“Cần tiếp tục giám sát khả năng rò rỉ các chất phóng xạ do vụ sập đổ gây ra” – nhóm nghiên cứu của ông Wen trong một tuyên bố cho biết. Các phát hiện này sẽ được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters – một tạp chí của Liên đoàn Địa – Vật lý Mỹ (AGU) – vào tháng 5 tới.

Bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đã sập tan tành - Ảnh 2.
Vị trí của bãi thử Punggye-ri trên bản đồ – Ảnh: AFP

Triều Tiên xem ngọn núi Mantap là một địa điểm lý tưởng để tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất nhờ vào độ cao của nó. Ngọn núi này cao hơn 2.100m so với mực nước biển với địa vật dày và dốc thoai thoải, có khả năng chống chịu các thiệt hại về cấu trúc.

Bề mặt của ngọn núi này không cho thấy bị hư hại sau 4 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất trước năm 2017.

Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên vào ngày 3-9 năm ngoái ước tính có sức công phá lên tới 100 kitoton, mạnh gấp 7 lần so với quả bom hạt nhân thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.

Theo thông tin đăng trên trang web của nhóm ông Wen, vụ thử hạt nhân đã phá vỡ nhiều khối đá xung quanh và tạo ra một hố trống với đường kính 200m.

Sóng xung kích đã xé toạc các lớp đá và khiến một phần đá nằm cách đỉnh núi chưa tới 0,5km sạt lở nghiêm trọng. Lớp đá này đã rơi xuống hố trống do vụ nổ gây ra và có thể nhìn thấy từ các hình ảnh vệ tinh.

Ông Wen đi đến kết luận ngọn núi đã đổ sập sau khi phân tích dữ liệu thu thập được từ gần 2.000 trạm quan trắc địa chấn.

Một nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu là ông Liu Jun Qing tại Cơ quan địa chấn Trung Quốc (CEA) ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm cũng đưa ra các kết luận tương tự với nhóm của ông Wen.

“Vụ sập đổ núi lần đầu tiên đã được ghi nhận tại bãi thử của Triều Tiên” – nghiên cứu của nhóm ông Liu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters hồi tháng trước.

Ông nói rằng vụ thử hạt nhân không chỉ gây hư hại cho một phần đỉnh của ngọn núi mà còn tạo ra một “ống khói” mà có khả năng cho phép phóng xạ bay ra không khí từ trung tâm vụ nổ.

Zhao Lian Feng, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học trái đất thuộc Học viện khoa học Trung Quốc (CAS) ở Bắc Kinh đánh giá hai nghiên cứu trên cho thấy “bãi thử đã bị hư hại” ngoài khả năng phục hồi.

Các đồn đoán về việc bãi thử Punggye-ri bị hư hại nặng bắt đầu nổi lên khi ông Lee Doh Sik, một nhà địa chất hàng đầu của Triều Tiên, có chuyến thăm tại cơ quan của ông Zhao khoảng hai tuần ngay sau vụ thử hạt nhân lần 6 của Bình Nhưỡng.

Bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đã sập tan tành - Ảnh 3.
Chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua của ông Kim Jong Un (ngồi trên xe cùng vợ) đã đẩy đến những quyết định quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Triều Tiên – Ảnh: REUTERS

Mặc dù mục đích chuyến đi của ông Lee không được tiết lộ nhưng hai ngày sau đó, Bình Nhưỡng công bố sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt trên dưới mặt đất.

Hu Xing Dou, một học giả chuyên về Triều Tiên ở Bắc Kinh, phỏng đoán rất có khả năng Bình Nhưỡng đã nhận cảnh báo mạnh mẽ từ Bắc Kinh vào thời điểm trên.

“Vụ thử lần 6 không chỉ gây hư hại địa điểm mà còn làm tăng nguy cơ phun trào của ngọn núi Trường Bạch, một ngọn núi lửa lớn còn hoạt động ở biên giới Trung Triều” – ông Hu nói.

Vị chuyên gia đánh giá chính tổn thất trên có thể đã gây ảnh hưởng tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Cho đến nay chúng tôi chưa phát hiện mật độ phóng xạ tăng bất thường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát khu vực xung quanh bằng các thiết bị nhạy nhất và phân tích dữ liệu trong các phòng thí nghiệm hiện đại” – giáo sư Guo Qiu Ju tại Đại học Peking cho biết.

Ông Zhao Guo Dong, một chuyên gia về hạt nhân của chính phủ Trung Quốc tại Đại học Nam Trung Hoa, thì nói rằng chính phủ Triều Tiên nên cho phép các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và những nước khác tiếp cận bãi thử Punggye-ri và đánh giá mức độ hư hại.

RELATED ARTICLES

Tin mới