Washington đang kêu gọi giảm 100 tỉ USD trong mức thâm hụt thương mại kỷ lục 375 tỉ USD với Bắc Kinh.
Container hàng hóa tại một cảng ở tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Giới chức Trung Quốc và Mỹ dự kiến nhóm họp tại Bắc Kinh trong 2 ngày 3 và 4-5 nhằm nỗ lực thu hẹp khoảng cách về vấn đề thương mại. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên có thể tìm được tiếng nói chung để xuống thang căng thẳng.
Phái đoàn hùng hậu
Thông điệp được giới truyền thông nước chủ nhà gửi đến phái đoàn Mỹ trước thềm cuộc gặp là rõ ràng: Đừng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng mọi yêu cầu.
“Tốt hơn hết là Washington không nên nghĩ rằng đe dọa chiến tranh thương mại có thể buộc Bắc Kinh đáp ứng bất kỳ điều gì mà phái đoàn Mỹ đưa ra. Cuộc đối thoại sắp tới phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và phái đoàn Mỹ phải đến với sự chân thành” – tờ Global Times ngày 2-5 cảnh báo.
Trong phái đoàn cấp cao Mỹ đến Bắc Kinh có Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow.
“Thành phần phái đoàn Mỹ cho thấy Washington xem trọng quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Hy vọng điều này cũng được thể hiện ở sự linh hoạt của phái đoàn Mỹ trong quá trình thương thảo. Trung Quốc sẽ không từ bỏ những nguyên tắc của mình bất chấp sức ép” – tờ Global Times khẳng định.
Còn theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), tiếp đón phái đoàn Mỹ dự kiến có cả Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn và Phó Thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập.
Hội đàm Mỹ – Trung diễn ra trong lúc căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang những tháng gần đây, trong đó có đe dọa đánh thêm thuế đối với sản phẩm của nhau.
Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích tập quán thương mại “không công bằng” của Trung Quốc và cáo buộc điều này làm nghiêm trọng hơn tình trạng mất cân bằng thương mại song phương. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn chỉ trích Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty Mỹ.
Trước khi đến Bắc Kinh, ông Ross không quên nhắc lại phàn nàn của Mỹ khi cho rằng “những tập quán xấu” dẫn đến thâm hụt thương mại kỷ lục của Mỹ với Trung Quốc. Theo ông Ross, mức thuế đánh vào số hàng hóa nhập khẩu trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc – nhiều khả năng có hiệu lực vào tháng tới – có thể cung cấp đòn bẩy cần thiết để phái đoàn Mỹ thuyết phục Bắc Kinh nhượng bộ.
Biện pháp đánh thuế này xuất phát từ cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào những chính sách của Trung Quốc, theo đó ép công ty nước ngoài chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho đối tác đại lục trong các liên doanh.
Ngoài ra, Trung Quốc còn là mục tiêu của quyết định áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ sau khi chính quyền ông Trump hôm 1-5 tiếp tục tạm hoãn áp dụng mức thuế này đối với các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, Mexico, Canada…
“Cho và nhận”
Cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, giới chức Mỹ đang kêu gọi giảm 100 tỉ USD trong mức thâm hụt thương mại kỷ lục 375 tỉ USD với Trung Quốc, cũng như yêu cầu Bắc Kinh giảm thuế nhập khẩu ô tô và mở cửa thị trường hơn nữa.
Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, phía Trung Quốc nhiều khả năng không chấp nhận, thậm chí không chịu bàn đến, đòi hỏi giảm thâm hụt thương mại nêu trên tại các cuộc gặp ở Bắc Kinh. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định hai bên sẽ tìm cách giải thích về lập trường của mình và nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao để tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại.
“Mỹ không muốn chiến tranh thương mại và chuyến đi là cơ hội để chính quyền ông Trump nói rõ hơn về những nỗi lo của họ cũng như những gì Trung Quốc cần làm để xử lý chúng. Tôi cũng tin Bắc Kinh không muốn chiến tranh nhưng họ dường như cho rằng mình không làm gì sai. Vì thế, cuộc gặp là cơ hội để Trung Quốc hiểu rõ hơn về những quan ngại của Mỹ” – ông Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định với tờ South China Morning Post.
Còn theo nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu Nicholas Platt, cái khó ở đây là làm sao có những thay đổi mà không tạo cảm giác có một bên nhượng bộ bên còn lại.
Trung Quốc trong vài tuần qua đã nhắc lại cam kết mở cửa nền kinh tế, bao gồm nới lỏng quy định về đầu tư cho các công ty ô tô nước ngoài và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, bài xã luận mới đây của tờ China Daily nhấn mạnh những động thái này không nhằm xoa dịu Mỹ. Thay vào đó, bài viết cho rằng Trung Quốc mở cửa vì điều này cần thiết cho sự phát triển và Mỹ nên sẵn sàng “cho và nhận” trong các cuộc đàm phán sắp tới.