Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển

TQ thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển

Tàu sân bay này bắt đầu được đóng vào tháng 11-2013, được hạ thủy vào tháng 4-2017 và kể từ đó đến nay được lắp đặt các trang thiết bị, thử nghiệm và khắc phục các sự cố trước khi chạy thử trên biển.

Theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc, sáng 13-5, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước đã rời xưởng đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc để chạy thử trên biển, “chủ yếu để kiểm tra và kiểm chứng độ tin cậy và tính ổn định của các hệ thống cơ khí và các thiết bị khác”.

Cách đây đúng một tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt tại Đại Liên trong chuyến đi được nói là nhằm quyết định cho việc thử nghiệm của tàu sân bay tự đóng này và sau đó ông cũng đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong hai ngày 7 và 8-5.

Các nguồn tin cho biết hoạt động chạy thử trên biển chủ yếu để kiểm tra sức bền và sự ổn định của hệ thống điện cũng như các thiết bị khác trên tàu sân bay được gọi là tàu “Type 001A”. Điều đáng chú ý là tàu này chưa được đặt tên chính thức.

Kênh truyền hình CCTV của nhà nước Trung Quốc đưa tin tàu sân bay này đã rời cảng vào lúc 6h45 (giờ địa phương).

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển - Ảnh 2.

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đã rời xưởng đóng tàu Đại Liên sáng 13-5 để thử nghiệm trên biển lớn – Ảnh: REUTERS

 

Tàu sân bay này bắt đầu được đóng vào tháng 11-2013, được hạ thủy vào tháng 4-2017 và kể từ đó đến nay được lắp đặt các trang thiết bị, thử nghiệm và khắc phục các sự cố trước khi chạy thử trên biển.

Chính phủ Trung Quốc cho biết thiết kế của tàu sân bay mới này dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của quốc gia, tàu Liêu Ninh. Tàu Liêu Ninh là tàu cũ, mua của Ukraine vào năm 1998 và được tái trang bị tại Trung Quốc.

Tàu này mạnh cỡ nào?

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc hiện được xem là một biến thể tiên tiến hơn dựa trên các tàu lớp Đô đốc Kuznetsov (là loại tàu mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và chỉnh trang thành tàu Liêu Ninh đang sử dụng hiện nay).

Điều này đồng nghĩa với việc hai tàu sân bay Type 001A và Liêu Ninh của Trung Quốc đều có thiết kế bề ngoài tương tự nhau.

Tuy nhiên, giới chuyên gia hải quân đánh giá dàn kỹ sư cùng các nhà thiết kế đã nghiên cứu những công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Mỹ cũng như của Liên Xô để tích hợp vào chiếc hàng không mẫu hạm mới này.

Xét về điểm chung, cả hai tàu sân bay đều có kích thước hạng trung với lượng choán nước khoảng từ 60.000 – 65.000 tấn. Tàu Liêu Ninh và Type 001A đều sử dụng hệ thống phóng máy bay truyền thống. Đồng thời, cả hai tàu sân bay đều có đường băng ngắn với thiết kế nhảy cầu.

Tuy nhiên, xét về điểm khác biệt, Type 001A lại được thiết kế để hoạt động trong vai trò chiến lược tương tự các tàu sân bay của Mỹ.

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển - Ảnh 3.

Trực thăng chiến đấu Changhe Z-18 thực hiện cất cánh và hạ cánh sau 5 phút từ tàu sân bay mới – Ảnh chụp màn hình

Khi hoạt động trên biển xanh, hàng không mẫu hạm này sẽ được hộ tống bởi các khinh hạm, khu trục hạm cùng nhiều tàu chiến khác. Một nhóm tác chiến tàu sân bay như vậy sẽ có khả năng theo dõi và tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển và trên không.

Trong khi đó, các tàu lớp Đô đốc Kuznetsov nguyên bản được thiết kế là một “tuần dương hạm chở máy bay hạng nặng”, được trang bị nhiều hỏa lực so với các tàu sân bay, gồm hệ thống tên lửa hành trình diệt hạm và đất đối không uy lực.

Hơn nữa, các tàu lớp Đô đốc Kuznetsov hoạt động mà không có sự hộ tống, đồng thời có thể yểm trợ các tàu chiến khác.

Trong khi đường băng kiểu nhảy cầu trên tàu sân bay Type 001A có phần mũi dốc lên 12 độ thì của tàu sân bay Liêu Ninh là 14 độ.

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển - Ảnh 4.

Phần mũi tàu sân bay nội dịa của Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Ông Lý Khiết – chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh – cho biết phần mũi dốc lên 12 độ của Type 001A sẽ giúp các chiến đấu cơ giảm được đoạn đường cất cánh, tiết kiệm năng lượng, tăng trọng tải vũ khí, đồng thời giúp làm dài cấu trúc con tàu.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết khu vực tháp đảo (trung tâm điều khiển tàu) trên boong tàu sân bay Type 001A có nhiều hơn tàu sân bay Liêu Ninh một tầng.

Tuy nhiên, ông Lý cho biết diện tích boong tàu bị chiếm bởi phần tháp đảo đã giảm khoảng 10%, giúp cho phép tàu sân bay Type 001A có thể chứa được nhiều hơn trực thăng cùng các máy bay cảnh báo sớm.

Chuyên gia Lý Khiết nhấn mạnh 4 máy phóng vũ khí đã được loại bỏ khỏi khu vực boong phía sau. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều không gian hơn cho các máy bay.

Theo chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác, chiếc hàng không mẫu hạm Type 001A có sức chứa tối đa 35 chiến đấu cơ J-15. Trong khi đó, con số này của tàu sân bay Liêu Ninh là 24.

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự đóng trên biển - Ảnh 5.

Tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc trong lần hạ thủy tại Đại Liên tháng 4-2017 – Ảnh: REUTERS

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn các chuyên gia nói rằng Trung Quốc cần ít nhất sáu tàu sân bay.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng tàu sân bay này có thể sẵn sàng hoạt động khoảng 2 năm nữa sau khi trải qua nhiều cuộc thử nghiệm. Hiện tại Trung Quốc có một tàu sân bay là tàu Liêu Ninh được đưa vào phục vụ năm 2012.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc đóng thành công một tàu sân bay “nội địa” như vậy là nỗ lực hàng chục năm qua của Trung Quốc và nó sẽ mang tính thách thức với ưu thế quân sự trên biển gần như tuyệt đối trong nhiều năm qua của Mỹ.

Mỹ hiện có 10 tàu sân bay đang hoạt động và có kế hoạch đóng thêm hai tàu nữa vì Tổng thống Donald Trump muốn gia tăng sức mạnh cho quân đội Mỹ mà ông nói đã bị lạc hậu nhiều năm qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới