Vào tháng 4 năm ngoái, nhiều đoạn viết kịch liệt chỉ trích Triều Tiên xuất hiện trên khắp các mạng xã hội Trung Quốc, trong khi lãnh đạo nước này ủng hộ Mỹ triển khai các biện pháp thắt chặt trừng phạt Triều Tiên. Chỉ hơn 1 năm sau đó, Bắc Kinh khiến Bình Nhưỡng thay đổi, giúp củng cố mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một cường quốc châu Á.
Đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ hai chỉ trong vòng 40 ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần này gửi lời chúc cho niềm đam mê mới của ông Kim: phát triển kinh tế. Ngoài ra, theo tin của hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua, hai nhà lãnh đạo này đồng ý rằng bất kỳ bước đi nào của Triều Tiên nhằm dỡ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân sẽ được thực hiện bằng “các biện pháp từng bước và đồng bộ” để “cuối cùng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo”.
Cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa ông Tập và nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng gây nhiều ngạc nhiên cho truyền thông phương Tây sau khi có nhiều bài viết cho rằng Trung Quốc bị gạt ra rìa trong cơn lốc ngoại giao bắt đầu từ khi ông Kim cử đoàn sang dự Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay.
Nhưng Trung Quốc có vẻ đã đảo ngược tình thế này từ tháng 3 khi họ mời được ông Kim lần đầu tiên rời khỏi đất nước để sang Bắc Kinh gặp ông Tập. Những diễn biến ngoại giao chóng mặt tiếp nối với cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 4.
Thứ 3 tuần này, trong cuộc gặp tại thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc, ông Tập nhắc lại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ đối tác Triều Tiên, vào thời điểm ông Kim chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh khác vào ngày 12/6 tại Singapore với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong các phát biểu, ông Tập gọi ông Kim là “đồng chí Chủ tịch”, nhấn mạnh rằng cả hai nước đều theo mô hình xã hội chủ nghĩa và nhiều lần nói đến quan hệ nồng ấm giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Triều Tiên.
Xinhua còn mô tả chuyến thăm của ông Kim lần này theo cách tạo cảm giác như đại diện một nước nhỏ sang thăm tỏ lòng kính trọng với một nước lớn, và ông Kim tìm kiếm sự ủng hộ cho chương trình phát triển kinh tế mà ông hy vọng sẽ trở thành trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo của Triều Tiên.
Cần trong vòng tay
Theo giới quan sát, ông Tập hiểu rằng việc ông Kim nỗ lực đối thoại với ông Trump và ông Moon là nhằm giảm bớt phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Trung Quốc chiếm hơn 80% thương mại của Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên phần lớn năng lượng mà nước này sử dụng, và các công ty ở Trung Quốc vẫn góp phần duy trì nền kinh tế Triều Tiên trong mấy chục năm qua. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc sử dụng đòn bẩy này để ép Triều Tiên kiềm chế tham vọng hạt nhân, giới quan sát nhận định.
Nhiều báo cáo quốc tế nói rằng,dưới thời chính quyền George W. Bush và Barack Obama, các công ty Trung Quốc ngó lơ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Nhưng chính quyền Trump đã thành công trong việc tìm kiếm ủng hộ của Trung Quốc để bóp nghẹt kinh tế Triều Tiên. Những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo có vẻ đã đóng vai trò trong việc đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán.
Các nhà phân tích nhận định, giờ đây Trung Quốc có vẻ đang “xoay trục” trở lại phía Bình Nhưỡng. Lý do rất đơn giản. Việc Triều Tiên tiếp tục mô hình xã hội chủ nghĩa giống của Trung Quốc có tầm quan trọng chiến lược đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc khi nước này tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Xinhua dẫn lời ông Tập nói với ông Kim trong cuộc gặp vừa qua: “Quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên là tài sản quý đối với cả hai nước. Đó là một nguyên tắc không đổi và là lựa chọn đúng duy nhất đối với cả hai quốc gia để phát triển quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên hữu nghị và hợp tác”.
Theo báo Hong Kong South China Morning Post, ông Tập đến Đại Liên lần này để dự lễ chạy thử tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, một dấu hiệu nữa cho thấy ý định mở rộng sức mạnh của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng một bán đảo Triều Tiên thống nhất là điều gây lo ngại ở Bắc Kinh. Nghĩa là một bán đảo có thể nằm dưới quyền quản lý của một chính phủ dân chủ sẽ tác động lớn lên 2,3 triệu người Triều Tiên sống gần biên giới với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lo ngại về triển vọng Bình Nhưỡng sẽ có quan hệ tốt với Hàn Quốc và có thể với cả Mỹ. Ông Tập cần Triều Tiên ở trong đội của mình, và cuộc gặp ở Đại Liên cho thấy Trung Quốc đang đứng ngồi không yên khi ông Kim đang chìa tay về phía nước láng giềng ở phía nam và Mỹ, giới quan sát nhận định.
Thương lái Triều Tiên muốn bán than giá rẻ sang Trung Quốc
Một số thương lái Triều Tiên đang đề nghị bán than với giá rẻ cho người Trung Quốc và lượng than này được chất tại các cảng của Triều Tiên với hy vọng những tiến triển ngoại giao gần đây có thể dẫn đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, Reuters dẫn lời 3 thương lái Trung Quốc đưa tin hôm qua.
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc không nhập khẩu than từ Triều Tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, sau khi Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than ra nước ngoài. Năm 2016, Trung Quốc mua 22,5 triệu tấn than từ Triều Tiên, với trị giá gần 2 tỷ USD. Các thương lái Trung Quốc nói rằng những lời đề nghị mua than tăng mạnh sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến thăm bất ngờ đến Bắc Kinh vào tháng 3 vừa qua.“Ngày ông Kim Jong-un thăm Bắc Kinh, tôi được một thương lái Triều Tiên tiếp cận để hỏi tôi có muốn mua kho than ở cảng Nampo hay không”, một người buôn than ở miền bắc Trung Quốc nói với Reuters. Nampo là một cảng ở bờ biển phía tây Triều Tiên.
Người bán than Triều Tiên này cho biết ông ấy có một số lượng than antraxit muốn bán với giá 30-40 USD/tấn, chỉ bằng 1/4 giá loại than tương tự ở Trung Quốc. Hai thương lái Trung Quốc khác xác nhận mức giá này. Giá than Triều Tiên thậm chí còn xuống thấp hơn vào dịp Tết năm nay, xuống mức chưa đến 15 USD/tấn, một thương lái khác ở vùng đông bắc Trung Quốc cho biết. Các thương lái Trung Quốc nói rằng họ chưa mua than của Triều Tiên nhưng đã biết được thông tin về các kho than và hy vọng các biện pháp cấm vận sắp được nới lỏng.