Chỉ khi nào Trung Quốc tôn trọng cam kết của mình hoặc tuân theo những cam kết đa phương và quy định của luật pháp quốc tế thì họ mới có thể được coi là một nước có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Sức mạnh và trách nhiệm
Trong báo cáo về công tác Chính phủ tại Quốc hội tháng 3/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hai lần nhắc đến việc Trung Quốc trở thành “nước có trách nhiệm”, khẳng định Trung Quốc đóng vai trò xây dựng vào các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp cho hòa bình và phát triển của thế giới, và Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình và ổn định, công lý, thượng tôn kiến trúc đa phương, phản đối bảo hộ dưới mọi hình thức và tham gia vào quản trị toàn cầu cùng có lợi và bao trùm.
Phát biểu của Lý Khắc Cường xuất phát từ thực tế là sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng, có thể tham gia chia sẻ và gánh vác nhiều hơn các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là trong lúc sức mạnh tổng thể của Mỹ tiếp tục suy giảm.
Viện Nghiên cứu Lowy của Úc tháng 4/2018 đã công bố đánh giá về so sánh sức mạnh của 25 các quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương đến 2030 dựa trên 114 chỉ số cân đo sức mạnh. Trong đó, Viện Lowy dự đoán Mỹ vẫn là cường quốc lớn nhất thế giới với chỉ số điểm trung bình đạt 85,5/100, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai nhưng chỉ thấp hơn Mỹ 10 điểm và khoảng cách còn thu hẹp lại (75,5/100). Nước thứ ba và thứ tư với chỉ số điểm cách biệt khá lớn so với Trung Quốc lần lượt là Nhật Bản (chỉ số điểm 42,1/100)và Ấn Độ (41,5/100).
Mỹ chủ yếu cao hơn Trung Quốc về sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự tổng thể của Mỹ đạt 94,6/100, cao hơn Trung Quốc 24,7 điểm (69,9/100); trong khi các mạng lưới quân sự của Mỹ đạt 89,6/100, cao hơn Trung Quốc 74,9 điểm (24,7/100). Sức ảnh hưởng của văn hóa kiểu Mỹ cũng cao hơn Trung Quốc với chỉ số tương ứng 93,9/100 so với 49,5/100, vì văn hóa Trung Quốc thiên về truyền thống.
Một số chỉ số của Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc, nhưng khoảng cách không đáng kể. Ví dụ, sức tự cường của Mỹ đạt 91,4/100 trong khi Trung Quốc đạt 85,9/100; khoảng cách về tài nguyên kinh tế của Mỹ đạt 91,7/100 so với Trung Quốc là 91,3/100.
Trong khi đó, một số chỉ số cho thấy Trung Quốc vượt trên Mỹ. Ví dụ, chỉ số về quan hệ kinh tế của Trung Quốc đạt 94,9/100, cao hơn Mỹ 30,4 điểm (64,5/100), hơn Nhật Bản 37,8 điểm (57,1/100), và hơn Singapore 50,4 điểm (54,5/100); xu hướng phát triển tương lai của Trung Quốc đạt 83/100, hơn Mỹ 23 điểm (60/100); thậm chí ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc cũng cao hơn Mỹ 6,6 điểm, với chỉ số tương ứng là 89,4/100 và 83,8/100.
Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trong bản báo cáo về chính sách của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương tháng 1/2016 (tựa đề Tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương 2025: Năng lực, hiện diện và đối tác), cũng đưa ra dự đoán tương tự. CSIS cho rằng Mỹ vẫn là cường quốc số 1, nhưng sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên. Ảnh hưởng về kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tăng dẫn đến sự chuyển dịch lớn về phân bổ quyền lực toàn cầu. Trung Quốc có thể trở thành cường quốc sau vài thập kỷ và là thách thức chiến lược chính của Mỹ ở khu vực.
CSIS cũng cho rằng Trung Quốc có thể đạt đến đích này nếu như giới chức chóp bu của Trung Quốc vượt qua được các thách thức đang phải đối mặt ở cả trong nước và ngoài nước. Trung Quốc phải tiên lượng được tình hình và linh hoạt ứng phó với những diễn biến thay đổi liên tục trên bàn cờ địa chính trị khu vực. Trung Quốc phải đảm bảo sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của mình một cách bền vững, năng suất và chất lượng lao động cao và giữ sự phát triển hòa bình theo đúng nghĩa, ổn định chính trị nội bộ, vai trò lãnh đạo của Đảng, hài hòa các mối quan hệ với các nước láng giềng và cam kết với hệ thống quốc tế ở khu vực dựa trên luật lệ…
Vươn ra toàn cầu
Dựa trên sức mạnh ngày một tăng, giới chức Trung Quốc ngày càng muốn tham gia vào các công việc toàn cầu để thể hiện vai trò gánh vác và giành sự ủng hộ của các nước. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc thể hiện vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu đến mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy tự do hóa thương mại, xúc tiến triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trung Quốc khoe khoang “Vành đai và Con đường” là đại dự án “cùng thắng”. Thành công của sáng kiến đóng góp vào tăng trưởng dài hạn cho cả Trung Quốc và tất cả các nước tham gia vào sáng kiến này, và lan tỏa ra toàn thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền Trump theo đuổi cách tiếp cận bảo hộ, coi Mỹ là trên hết, tập trung vào song phương trong đó Mỹ ở trên thế mạnh, Trung Quốc tích cực thúc đẩy tự do hóa, đa phương hóa và khu vực hóa. Trung Quốc tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn vốn đầu tư không kèm theo điều kiện tiên quyết nào và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước liên quan.
Có trách nhiệm hay không?
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc vẫn là kẻ chính gây ra bất ổn, phương hại đến hòa bình và phát triển ở khu vực, đi ngược lại công lý.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là vỏ bọc kín đáo để Trung Quốc che đậy ý định sâu xa. Trung Quốc muốn các nước tập trung vào phát triển kinh tế, tạo tình hình hòa dịu để lặng lẽ thống trị toàn bộ Biển Đông. Nghiên cứu năm 2016 của CSIS kể trên chỉ ra rằng đến năm 2030, Trung Quốc có các nhóm tàu chiến đa dụng có thể dàn trận ở khu vực chỉ trong nửa ngày. Dù mục tiêu của Trung Quốc là chiếm lãnh thổ hay đàm phán chia sẻ tài nguyên với các bên yêu sách khác, Biển Đông sẽ trở thành là “ao nhà” của Trung Quốc giống như vịnh Mexico và Ca-ri-bê trong tầm kiểm soát tuyệt đối của Mỹ.
Mới đây, hãng tin CNBC của Mỹ tháng 4/2018 đưa tin cho biết Trung Quốc đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và đất đối không tầm xa HQ-9B ra thực thể do họ chiếm đóng, cải tạo và xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập. Đây là bước mới của Trung Quốc sau khi xây dựng các cơ sở lưỡng dụng trên các thực thể này.
Steven Stashwick trên tờ Diplomat cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa YJ-12B và HQ-9B ra Trường Sa là hành động “quân sự hóa”. Hành động này đi ngược lại lời cam kết của Tập Cận Bình năm 2015 rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng rằng hành động này là phòng ngự, nhưng YJ-12B và HQ-9B có tầm bắn xa lần lượt là 295 hải lý và 160 hải lý thì không đơn thuần là phòng ngự. Hai loại tên lửa này không chỉ sử dụng để phòng vệ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát xây dựng, mà còn có thể nhằm mục đích kiểm soát vùng biển và khoảng không rộng lớn ở Biển Đông. Theo tính toán của CSIS, tên lửa YJ-12B có thể vươn tới lãnh thổ của Philippines và vào gần bờ biển Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc có thể hoàn toàn kiểm soát phần phía Nam của Biển Đông, bất cứ tàu thuyền và máy bay nào đi qua khu vực này đều cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.
Hành động triển khai tên lửa ra Trường Sa của Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng DOC, cụ thể là Điều 5. Được ký năm 2002, DOC là văn kiện chính trị quan trọng giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm điều chỉnh hành vi của các bên, tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa YJ-12B và HQ-9B rõ ràng là hành động đơn phương khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại về trạng thái hòa bình mong manh ở Biển Đông và vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, gồm hiệp thương hữu nghị, đàm phán giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982.
Như vậy, Trung Quốc chưa thể được coi là một nước lớn có trách nhiệm. Chỉ đến khi nào Trung Quốc tôn trọng cam kết của mình hoặc tuân theo những cam kết đa phương và quy định của luật pháp quốc tế thì mới có thể coi là một nước có trách nhiệm trên trường quốc tế.