Thứ Ba (22/5), Trung Quốc chính thức kết án doanh nhân Tây Tạng Tashi Wangchuk tội “kích động ly khai” khi ông ủng hộ trường học Tây Tạng dạy tiếng Tây Tạng. Vụ việc được truyền thông quốc tế theo dõi gắt gao, theo Reuters.
Liang Xiaojun, luật sư của ông Tashi Wangchuk cho biết ông bị kết án 5 năm tù giam, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bày tỏ “thất vọng sâu sắc” với phán quyết của Trung Quốc, cho rằng ông Tashi “chỉ đang thực hiện quyền tự do ngôn luận căn bản khi kêu gọi chính quyền quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào việc dạy và học tiếng Tây Tạng trên đất Tây Tạng”.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc phóng thích Tashi Wangchuk ngay lập tức cũng như bảo vệ sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của người dân Tây Tạng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói.
Trong một video đăng tải trên Thời báo New York vào tháng 1/2016, ông Tashi Wangchuk chia sẻ những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bảo vệ quyền cơ bản là người Tây Tạng được dạy tiếng mẹ đẻ ở trường học.
Tây Tạng từng là một quốc gia độc lập, cho đến khi bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1950 với lý do “giải phóng hòa bình, mang thịnh vượng và tự do tới một xã hội lạc hậu và phong kiến, giải phóng một triệu người khỏi áp bức”. Từ đó đến nay, những gì người dân Tây Tạng nhận lại chỉ là hàng triệu cái chết bí ẩn, giám sát liên tục, bóp ngẹt tự do, chi phối đời sống, tín ngưỡng, người dân được giáo dục tin Đảng hơn cả tin thần, Phật.
Trong phiên xử hồi tháng Giêng tại tỉnh Thanh Hải, miền bắc Trung Quốc, tòa án lấy video của Thời báo New York nói trên làm bằng chứng buộc tội ông Tashi kích động chủ nghĩa ly khai đối lập.
Ông Liang viết trên Twitter – mạng xã hội vốn bị Trung Quốc cấm – rằng ông không thể trả lời phỏng vấn của truyền thông ngoại quốc vì phòng luật của ông đã bị cơ quan pháp lý Trung Quốc đưa vào tầm ngắm liên tục mấy năm nay, nhưng ông tin tưởng chắc chắn ông Tashi vô tội.
Tại Geneva, 21/2/2018: Một nhóm chuyên gia Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại trước vụ việc và yêu cầu Trung Quốc lập tức phóng thích ông Tashi Wangchuk. (Ảnh: Tibet)
Trung Quốc vẫn liên tục khẳng định bảo vệ quyền của mọi nền văn hóa thiểu số, mọi dân tộc thiểu số được hưởng quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ và tiếng nói riêng theo Hiến Pháp. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền khẳng định nhà nước chủ trương phổ biến tiếng Quan Thoại nhằm xói mòn ngôn ngữ thiểu số đơn cử như tiếng Tây Tạng, và rằng Bắc Kinh căn bản đang cưỡng chế đồng hóa văn hóa.
Ông Joshua Rosenzweig, Giám Đốc Nghiên cứu Đông Á thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói phán quyết và bản án trên là sự bất công “trắng trợn”.
Mấy năm qua, nhiều cuộc biểu tình mang tính chất rời rạc liên tục nổ ra trên đất Tây Tạng phản đối chế độ cai trị của chính quyền Trung Quốc, nghiêm trọng nhất là thời điểm năm 2008 ngay trước Thế vận hội Bắc Kinh.
Bắc Kinh cáo buộc nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, là phần tử phản động nguy hiểm âm mưu chia tách một phần tư lãnh thổ Trung Quốc. Đạt Lai Lạt Ma từng được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989, nhiều năm sau khi ông rời Tây Tạng và lưu vong sang Ấn Độ vào năm 1959. Đạt Lai Lạt Ma phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định điều ông mong mỏi chỉ là những quyền lợi lớn lao hơn, gồm có tự do tôn giáo và tự trị, cho người Tây Tạng.