Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐàm luậnTàu sân bay của TQ và những tham vọng

Tàu sân bay của TQ và những tham vọng

Theo báo cáo phân tích của Geopolitical Futures ngày 26/5, cách đây hơn 2 tuần, tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đã rời cảng Đại Liên và tiến hành chạy thử. Tàu sân bay lớp 001A (Type 001A) – có khả năng sẽ được phiên chế chính thức trong 2 năm tới .

Tàu này không có quá nhiều cải tiến bước ngoặt so với tàu Liêu Ninh, nó được dựa trên thiết kế lỗi thời nên có những điểm hạn chế cố hữu. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn là Trung Quốc hoàn toàn tự lực đóng tàu này, dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục đóng mới thêm nhiều tàu sân bay nữa. Đây là bước tiến không nhỏ, một tín hiệu cho thấy tham vọng bành trướng hải quân của Trung Quốc.

 Các tàu sân bay của Trung Quốc có nhiều hạn chế. Cả tàu Liêu Ninh lẫn tàu Type 001A đều sử dụng các động cơ diesel thông thường, dẫn đến hạn chế về tốc độ và tuổi thọ so với các tàu sân bay chạy bằng hệ thống lò phản ứng hạt nhân hiện đại của Mỹ và Pháp. Cả 2 tàu đều không có kích thước lớn, khi Type 001A chỉ có khả năng mang theo 32-36 máy bay tiêm kích đa nhiệm (cùng với hơn 10 chiếc trực thăng), thua xa siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ với sức chứa khoảng 90 máy bay cánh cố định hoặc cánh xoay. Liêu Ninh và Type 001A sử dụng hệ thống cất cánh nhảy cầu (STOBAR) cho các máy bay, thua xa hệ thống ống phóng tiêu chuẩn được ứng dụng trên các tàu sân bay hiện đại. Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian để làm chủ những công nghệ tàu sân bay tiên tiến. Chi phí cũng sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đơn giản chỉ sao chép hay cải tiến các thiết kế từ thời Liên Xô. 

 Một vấn đề khác mà Trung Quốc gặp phải là việc chế tạo một tàu sân bay có khả năng mang theo nhiều máy bay tấn công khác hẳn với việc sở hữu một cụ tàu tấn công bao gồm một tàu sân bay và cả loạt tàu ngầm, tàu nổi như tàu khu trục, tàu hành trình, hậu cần cùng với sức mạnh đường không đến từ tên lửa phòng không, sức mạnh chống ngầm, cảnh báo sớm, chế áp điện tử.  

Năng lực tác chiến chống ngầm của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa tàu sân bay dễ trở thành mục tiêu tấn công của ngư lôi đối phương. Tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc sở hữu được cho là chỉ ngang với mức thực lực của Mỹ ở thập kỉ 1980.

Khác với tiêm kích đa năng mới nhất, mạnh nhất F-35 của Mỹ, mẫu tiêm kích hàng đầu J-20 của Trung Quốc không phù hợp với tàu sân bay. Bắc Kinh cũng không có kinh nghiệm trong việc kết hợp những bộ phận cấu thành phức tạp này thành một nhóm tàu tấn công thống nhất. Trên thực tế, huấn luyện và kinh nghiệm luôn là yếu tố bất lợi đối với Trung Quốc trong tất cả các chiến dịch tác chiến biển xa. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc mới chỉ hoàn tất các khóa huấn luyện phi công nội địa chuyên lái tiêm kích J-15 được trang bị trên tàu sân bay hồi năm 2015.

Cuối cùng, đó là vấn đề về hậu cần. Tầm tác chiến của Trung Quốc sẽ phải vượt xa các căn cứ chủ chốt vốn đặt nặng trọng tâm vào tác chiến trên bộ. Với số lượng tàu chiến chạy bằng năng lượng nguyên tử ít ỏi, Trung Quốc sẽ luôn phải đau đầu với hoạt động tiếp liệu. 

Nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì được đường hướng phát triển hải quân như hiện nay hay không, một khi tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những thập kỉ tới và gây ra những khó khăn về ngân sách mới. Trung Quốc cũng đang phải đối diện với vấn đề không liên quan khác về khả năng đóng tàu mới và tốt hơn. 

Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc trong việc chế tạo các tàu chiến mới với tốc độ “chóng mặt” cũng như khả năng bắt kịp công nghệ mũi nhọn nói lên nhiều điều. Số lượng tàu chiến được Trung Quốc đóng mới trong 3 năm qua lớn hơn bất kì tổng số tàu chiến có trong biên chế hải quân của bất kì quốc gia châu Âu nào, trừ Pháp. Trong thời gian này, Trung Quốc từ chỗ không có một tàu khu trục nào đã sở hữu 37 chiếc. Theo Lầu Năm Góc, đến năm 2020, Trung Quốc có thể sở hữu tới 69-78 tàu ngầm, vượt xa con số 31 chiếc (hầu hết là loại cũ hoặc mua lại từ nước ngoài) thời điểm cách đây 1 thập kỉ. Theo báo cáo của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc hiện có tổng cộng hơn 300 tàu chiến các loại, gồm tàu tấn công mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra tên lửa – lớn nhất ở châu Á.

 Bắc Kinh đương nhiên nhận thức được những điểm bất cập nêu trên, đồng thời cũng đã ưu tiên phát triển các lực lượng khác bên cạnh tàu sân bay. Vậy tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng tàu sân bay? Trước hết, đó là tham vọng chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc vượt khỏi hai vùng biển này. Đơn cử như phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu đều được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và đây cũng là tuyến đường nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu từ Trung Đông. Hệ quả là, để tránh bị phụ thuộc vào cung đường ở Biển Đông và Eo biển Malacca, Trung Quốc đang phát triển các hạ tầng xuất khẩu và nhập khẩu ở nhiều nước ven biển Ấn Độ Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với phát triển năng lực hàng hải, các căn cứ cơ sở, mạng lưới hậu cần cần thiết để luôn giữ cho các hành lang này mở trong trường hợp xảy ra xung đột ở phía Đông Trung Quốc. Học thuyết hải quân Trung Quốc hiện nay hướng tới duy trì hiện diện tàu sân bay thường trực ở Ấn Độ Dương. 

Trung Quốc sẽ có lợi ích lớn hơn trong những chiến dịch tác chiến kiểu này khi hướng quan tâm ưu tiên ra bên ngoài, nhất là tại những khu vực mà Bắc Kinh cho rằng Mỹ không hào hứng ngăn chặn Trung Quốc và trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách chứng tỏ trước các nước láng giềng rằng Bắc Kinh có thể cung cấp các lợi ích an ninh khu vực tương tự như vai trò của Mỹ hiện nay. Ở cấp độ tối thiểu, tàu sân bay Trung Quốc là biểu tượng danh tiếng quốc gia. Bắc Kinh có động cơ chính trị khi muốn người dân trong nước quen với ý niệm Đảng Cộng sản đang biến Trung Quốc thành siêu cường.

Cuối cùng, Bắc Kinh dường như cho rằng sức ép về chính trị và ngân sách có thể đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập, tạo cơ hội để Trung Quốc nổi lên thành một cường quốc áp đảo ở Tây Thái Bình Dương mà không cần tốn một viên đạn. Lợi ích tàu sân bay đem lại cho Trung Quốc có lẽ được mô tả chuẩn xác nhất dưới góc độ là một nỗ lực để giữ các lựa chọn mở. Trung Quốc không thể toàn quyền quyết định đâu là mẫu cường quốc hải quân mà nước này sẽ hướng tới, có quá nhiều nhân tố nằm ngoài vòng kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn sẵn sàng đẩy ảnh hưởng hải quân ra bên ngoài khi xuất hiện cánh cửa mở. 

RELATED ARTICLES

Tin mới