Trong bối cảnh chính quyền Mỹ cân nhắc “gây chiến” với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết những gì Tổng thống Donald Trump gọi là tình trạng bất cân bằng thương mại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn đầu một phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp nước này sang Bắc Kinh, bàn về cơ hội làm ăn và trao đổi ý kiến về cách đối phó với cách tiếp cận cứng rắn của Washington.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa có chuyến thăm Trung Quốc – Ảnh: AP
Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, còn Đức đang cố gắng lấy đi vị trí thứ 2 từ tay Mỹ. Do đó, một cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ có tác động lớn với nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, của Berlin. Và trong khi Washington đe dọa áp thuế với hàng Trung Quốc lẫn hàng EU, bà Merkel trong chuyến công du Bắc Kinh đã nhận được thông điệp khác biệt.
Khi tiếp phái đoàn Đức ngày 24.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: “Tôi hoan nghênh doanh nhân Đức đến Trung Quốc đầu tư. Cánh cửa của Trung Quốc sẽ rộng mở và sẽ mở hơn nữa”.
Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Berlin. Chiều ngược lại, những công ty Đức luôn là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Trung Quốc, nơi có nhu cầu cao với ô tô và máy móc công nghệ cao. Triển vọng hai nước bắt tay hợp tác (chính thức lẫn phi chính thức) đối phó chính sách thương mại của ông Trump sẽ là mối e ngại lớn của Mỹ.
Nhà phân tích kinh tế Ferdinand Dudenhoeffer của Đại học Duisburg-Essen nhận định do lo ngại tính khó đoán của Tổng thống Mỹ, mục đích chính trong chuyến công du Bắc Kinh của Thủ tướng Merkel là tăng cường hợp tác kinh tế Đức – Trung và phòng ngừa những rủi ro mà chính quyền Washington đem lại cho doanh nghiệp Đức.
Theo nhà phân tích: “Nước Đức và công ty Đức sẽ hướng về Trung Quốc. Hợp tác và hiểu biết giữa hai nước sẽ tốt lên, và tôi cho rằng việc này sẽ khiến Mỹ dần bị cô lập”.
Đức và Trung Quốc đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, điều khiến cả hai lọt vào “tầm ngắm” của Tổng thống Trump. Ngoài ra, Berlin – Bắc Kinh cũng đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quan trọng khác, như thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Không những vậy, Đức và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế rộng lớn tại thị trường Mỹ. Nhiều công ty Đức có khoản đầu tư lớn tại Mỹ, và hàng hóa sản xuất tại đây lại xuất sang Trung Quốc. Ví dụ tiêu biểu chính là nhà máy gia công tại bang South Carolina của hãng ô tô BMW.
Ô tô Đức sản xuất tại Mỹ chiếm đến khoảng 25% tổng lượng xe chở người mà Mỹ xuất khẩu. Mỹ cũng là nước tiêu thụ ô tô lớn thứ hai của Đức, sau Trung Quốc.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING-DiBa nhận định: “Đức có thể bị thiệt hại từ xung đột thương mại Mỹ – Trung nhiều hơn từ động thái Mỹ áp thuế nhôm – thép”.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington và Bắc Kinh nhất trí tạm hoãn “chiến tranh thương mại”. Washington đồng ý từ bỏ đe dọa áp thuế hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh cam kết nhập thêm nhiều sản phẩm nông sản và năng lượng Mỹ, giảm thuế cho ô tô nhập khẩu từ 25% xuống còn 15%.
Tuy nhiên, triển vọng căng thẳng được giải quyết bị đe dọa khi Tổng thống Trump cho biết ông không hài lòng với thỏa thuận vừa đạt được. Lãnh đạo Mỹ ngày 22.5 tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh tìm mọi cách cắt giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại với nước này, bằng không thì sẽ không có thỏa thuận nào nữa.
Một ngày sau, Tổng thống Trump chỉ thị Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra với xe hơi và xe tải nhập khẩu, động thái có thể khiến thuế đánh vào các mặt hàng này có thể tăng trong tương lai.
Các nhà sản xuất ô tô Đức đang chuẩn bị để đối phó. Theo Bernhard Mattes, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô (VDA): “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ, và lo ngại với tình hình hiện tại”.