Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThảm sát Thiên An Môn – 29 năm bưng bít

Thảm sát Thiên An Môn – 29 năm bưng bít

Ngày 4/6 năm nay đánh dấu 29 năm vụ thảm sát của chính quyền Trung Quốc đối với hơn 10.000 người tay không tấc sắt tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Trong khi người dân cả thế giới hàng năm đều tổ chức các sự kiện tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, thì ở Trung Hoa lục địa, sự kiện này hoàn toàn không được nhắc đến.

Đây là một trong những đề tài cấm kỵ và những cụm từ liên quan đến vụ thảm sát đều bị “xóa” triệt để, cả trên truyền thông, mạng xã hội hay đời sống thường ngày.

Sự kiện đẫm máu

Cách đây 29 năm, để dập tắt cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ và chống tham nhũng của hàng trăm ngàn sinh viên và trí thức, chính quyền Bắc Kinh quyết định dùng xe tăng, thiết giáp và súng ống để tàn sát người dân

0 giờ ngày 3/6/1989, quân đội đang đóng ở ngoại ô được lệnh tiến vào thành phố. Những người lính này được thông báo rằng Bắc Kinh có một cuộc bạo động, nhiều người lính đã bị bắt cóc và giết chết; quảng trường Thiên An Môn hiện đang bị chiếm giữ bởi những kẻ bạo loạn phản cách mạng và cần phải bị tiêu diệt…

Sau này những người lính mới hiểu rằng đấy chỉ là thông tin bịa đặt, nhiều người vì điều này mà cho đến ngày nay vẫn còn bị dằn vặt trong nước mắt.

Tổng số binh lính được điều vào Bắc Kinh để càn quét Thiên An Môn khoảng 300.000 người, theo Wikipedia. Quân đoàn 38, 63 và 28 từ phía Tây; Quân đoàn dù 15, Quân đoàn 20, 26 và 54 từ phía Nam; Quân đoàn 39 và Sư đoàn 1 từ phía Đông; Quân đoàn 40 và 64 từ phía Bắc, theo Wikipedia.

22 giờ 30, gần cầu Mộc Tê Địa, khoảng 10.000 người chặn một đoàn xe tải quân đội lại. Quân lính bất thình lình bắn vào đám đông, hàng trăm người dân và sinh viên đã gục xuống trong vũng máu.

Tank ManTrong hình chụp nổi tiếng này, một người biểu tình đơn độc, “Người biểu tình vô danh”, đứng chặn một đoàn xe tăng tại Bắc Kinh trong hơn nửa giờ ngày 5/6/1989. (Ảnh: Thiên An Môn)

Theo Wikipedia, quân đội sử dụng đạn nở – 1 trong 5 loại đạn bị luật pháp quốc tế cấm sử dụng trong chiến tranh – để bắn vào thường dân. Song Xiaoming, một kỹ thuật viên hàng không vũ trụ 32 tuổi, được biết đến là người đầu tiên bị giết chết trong sự kiện này.

1 giờ sáng ngày 4/6/1989, quân đội được trang bị súng hạng nặng cùng xe tải quân dụng và xe tăng xông vào quảng trường Thiên An Môn từ mọi hướng, đồng loạt nổ súng.

Nhiều người trúng đạn ngã xuống trong vũng máu, tiếng xe tăng gầm lên nghiền nát tất cả. Quảng trường Thiên An Môn ngập trong máu, hàng ngàn sinh viên đã bị giết hại.

Theo hồ sơ giải mật của Mỹ năm 2014, quân đội Trung Quốc cho xe tăng và binh lính đi trước thảm sát, rồi cho máy ủi đi sau gom thi thể lại hỏa thiêu, sau đó dùng xe bồn xịt nước rửa sạch mọi dấu vết.

Con số thương vong

Theo cảnh sát Bắc Kinh, dân thường bị giết tại thành phố bao gồm các giáo sư đại học, nhân viên kỹ thuật, cán bộ, công nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, công nhân đã nghỉ hưu, sinh viên và học sinh, nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 9 tuổi.

Tuy nhiên, số người chết và mức độ đổ máu trong sự kiện Thiên An Môn cho đến nay vẫn chưa thống nhất. Bắc Kinh luôn tìm cách ngăn chặn các thảo luận về sự kiện cũng như nghiên cứu về chủ đề này, nên rất khó xác minh các con số. Điều này dẫn đến sự khác biệt lớn trong các ước tính giữa các nguồn khác nhau.

tankMột chiếc xe tăng chiến đấu Type 59 được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Cách mạng Nhân dân Trung Hoa ở phía tây Bắc Kinh. Vào ngày 3/6/1989, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã triển khai xe tăng Loại 59 trong cuộc đàn áp. (Ảnh: Wikipedia)

Ngay các công bố của Bắc Kinh cũng mâu thuẫn nhau. Tại cuộc họp báo của Hội đồng Nhà nước vào ngày 6/6, phát ngôn viên Yuan Mu nói “thống kê sơ bộ” của chính phủ cho thấy khoảng 300 dân thường và binh sĩ đã chết, trong đó có 23 sinh viên từ các trường đại học ở Bắc Kinh, cùng với một số người mà ông mô tả là “những kẻ nổi loạn”. Yuan cũng cho biết khoảng 5.000 binh sĩ và cảnh sát cùng với 2.000 thường dân bị thương.

Đến ngày 19/6, con số thương vong công bố đã giảm xuống. Bí thư Đảng ủy Bắc Kinh Li Ximing báo cáo với Bộ Chính trị rằng số tử vong chính phủ đã xác nhận là 241, gồm 218 thường dân (trong đó có 36 học sinh), 10 quân nhân và 13 cảnh sát vũ trang, cùng với 7.000 người bị thương.

Thậm chí, đến ngày 28/7/1989, tại một cuộc họp chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc với giới chức quân sự nước ngoài, Chính ủy Quân đoàn 38 Li Zhiyun tuyên bố hoàn toàn không có ai bị giết tại Thiên An Môn!

tankXe bọc thép Type 63 được triển khai tại Bắc Kinh năm 1989. (Ảnh: Wikipedia)

Theo hồ sơ mật của Hoa Kỳ được giải mật vào năm 2014, ước tính đã có 10.454 người chết và 40.000 người bị thương. Con số này được tình báo Mỹ tập hợp từ các thông tin nội bộ Trung Quốc thu được từ trụ sở chính phủ ở Trung Nam Hải.

Trong các hồ sơ mật của chính phủ Anh được công khai vào tháng 12 năm 2017, Alan Ewen Donald, Đại sứ Vương quốc Anh tại Trung Quốc từ 1988 đến 1991, đã báo cáo vào năm 1989 rằng một thành viên của Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ước tính số người chết dân sự là 10.000.

Các ước tính khác về số người chết cũng cao hơn nhiều so với số liệu được chính phủ công bố. Nicholas D. Kristof, lúc đó là Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của tờ New York Times, viết vào ngày 21/6 “có vẻ như đáng tin rằng khoảng một chục binh sĩ và cảnh sát đã bị giết, cùng với 400 đến 800 thường dân”.

Thiên An Môn

Những hình ảnh thương vong trong vụ thảm sát Thiên An Môn.

Trong một bài báo năm 1990, tạp chí Time nói rằng Hội chữ thập đỏ Trung Quốc đã đưa ra con số 2.600 người chết vào sáng ngày 4/6. Ước tính của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói số tử vong vào khoảng vài trăm và gần 1.000. Các ước tính của Khối Xô viết thì cho tổng cộng khoảng 10.000 người chết.

Wu Renhua thuộc Liên minh Dân chủ Trung Quốc, một nhóm hải ngoại cổ súy cải cách dân chủ ở Trung Quốc, nói rằng ông chỉ có thể xác minh chỉ có 7 người chết trong số các nhân viên quân sự có thể được tính là những người “bị giết bằng hành động” của những người biểu tình.

Nỗ lực tẩy não

Tin tức về vụ thảm sát Thiên An Môn đã gây chấn động toàn thế giới vào thời đó, Trung Quốc đã bị lên án và chỉ trích gay gắt. Các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí với Bắc Kinh.

Nhưng đáp lại, chính phủ Trung Quốc một mực lên án các cuộc biểu tình là một cuộc nổi dậy phản cách mạng, đồng thời chỉ trích các quốc gia khác ‘can thiệp nội bộ”.

Sau cuộc đàn áp, chính phủ đã tiến hành bắt giữ rất nhiều người biểu tình và người ủng hộ, đàn áp các cuộc biểu tình khác ở Trung Quốc, trục xuất các nhà báo nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ các sự kiện trên báo chí trong nước. Cảnh sát và lực lượng an ninh nội bộ đã được tăng cường. Các viên chức được coi là đồng cảm với các cuộc biểu tình đã bị hạ cấp hoặc thanh trừng.

Trong những năm tháng sau đó và cho đến tận bây giờ, chính phủ Trung Quốc luôn tìm mọi cách để ngăn dân chúng tiếp cận thông tin về sự kiện Thiên An Môn, cũng như tìm cách xóa bỏ ký ức sự kiện đẫm máu này ra khỏi người dân.

Trong cuốn sách mang tên Cộng hoà Nhân dân Lãng Quên (The People’s Republic of Amnesia), nhà báo Louisa Lim đã mô tả cách thức chính quyền Trung Quốc tiến hành tẩy não người dân về cuộc đàn áp.

Quá trình này bắt đầu bằng chiến dịch tuyên truyền rầm rộ rằng sự kiện ngày 4/6 là một cuộc nổi dậy phản cách mạng và là một âm mưu của phương Tây nhằm chống lại Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục xóa nhòa cuộc thảm sát bằng việc thu hút sự chú ý của công chúng đến những điều mà phương Tây từng gây ra cho người Trung Quốc trong quá khứ.

tank

Quân đội được cho đã dùng xe tăng xông thẳng vào đám đông người biểu tình.

Họ cũng dùng đến các chính sách hung hăng với các nước láng giềng để kích động tinh thần dân tộc, nhằm xao nhãng sự chú ý của dân chúng trong các ngày kỷ niệm Thiên An Môn. Điển hình là việc kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 4/2014, khi sắp tới kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn.

Song song đó, Thiên An Môn là một trong những đề tài cấm kỵ và những cụm từ liên quan đến vụ thảm sát đều bị “xóa” triệt để, cả trên truyền thông, mạng xã hội hay đời sống thường ngày.

Sau sự kiện, các quan chức đã cấm các bộ phim và sách gây tranh cãi, đóng cửa nhiều tờ báo. Việc truy cập internet và truyền thông về chủ đề này bị kiểm duyệt gắt gao. Theo Wikipedia, trong vòng một năm, 12% tờ báo, 8% nhà xuất bản, 13% tạp chí khoa học xã hội và hơn 150 bộ phim bị cấm hoặc đóng cửa. Chính phủ cũng thông báo đã thu giữ 32 triệu cuốn sách lậu và 2,4 triệu băng video và audio.

TQ

Cuốn sách “Cộng hòa Nhân dân Lãng quên” của nhà báo Louisa Lim. (Ảnh: Amazon)

Lập trường chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với sự kiện là cần thiết sử dụng vũ lực để kiểm soát ‘rối loạn chính trị’ nhằm đảm bảo sự ổn định cần thiết cho thịnh vượng kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau này, bao gồm cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã nhắc lại điều này khi được báo chí nước ngoài đặt câu hỏi.

“Ký ức công chúng” về các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn đã bị chính quyền dẹp sạch từ năm 1989. Các phương tiện in có chứa tham chiếu đến các cuộc biểu tình phải phù hợp với phiên bản về sự kiện của chính phủ.

Các tìm kiếm trên internet về ‘ngày 4/6’ hoặc ‘Quảng trường Thiên An Môn’ ở Trung Quốc trả về kết quả kiểm duyệt hoặc dẫn đến kết nối máy chủ tạm thời bị cắt đứt. Kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội nghiêm ngặt hơn trong các ngày kỷ niệm; thậm chí các tham chiếu gián tiếp đến các cuộc biểu tình thường bị xóa trong vòng vài giờ.

Nỗ lực đe dọa và tẩy não của Bắc Kinh tỏ ra rất hiệu quả. Nhà báo Rob Gifford của The Independent cho rằng nhiều người trẻ sinh sau năm 1980 không quen thuộc với các sự kiện và rất thờ ơ về chính trị. Thanh niên ở Trung Quốc thường không biết về các sự kiện, về các biểu tượng như người đàn ông chặn xe tăng, hoặc về tầm quan trọng của ngày 4/6.

Trong khi đó, theo Wikipedia tiếng Anh, những người biết về sự kiện Thiên An Môn lại không muốn nói về các cuộc biểu tình vì lo ngại hậu quả tiềm tàng. Một số người trí thức lớn tuổi không còn khao khát thay đổi chính trị và thay vào đó tập trung vào các vấn đề kinh tế.

Một báo cáo xuất bản tháng 6/2016 của tờ Foreign Policy thậm chí cho biết giới trẻ tinh hoa Trung Quốc ngày nay xem sự kiện Thiên An Môn chỉ là “chuyện của năm 1989”, không liên quan tới hiện tại. “Cẩn trọng với bất cứ điều gì dính líu tới chính trị, giới trẻ tinh hoa ở Trung Quốc đang giúp chính phủ loại bỏ vụ thảm sát Thiên An Môn ra khỏi ký ức”, báo cáo viết.

Báo cáo khái quát giới trẻ Trung Quốc ngày nay bằng 2 đặc điểm chính: Thận trọng và tham vọng. Báo cáo dẫn lời Cui, một kiểm toán viên trẻ làm việc cho công ty kiểm toán Ernst & Young, cho rằng ngày kỷ niệm Thiên An Môn là  “không liên quan trực tiếp đến tôi hoặc cuộc sống của tôi. Tôi không biết bất kỳ người trẻ nào quanh tôi quan tâm đến ngày kỷ niệm ngày 4/6”.

 “Ai muốn mạo hiểm để mất đi tất cả những gì chúng tôi đã đạt được cho một giấc mộng mơ hồ?”, Cui giải thích.

Sự nổi lên của Giang Trạch Dân

Sau cuộc đàn áp, chính phủ đã tiến hành bắt giữ rất nhiều người biểu tình và những người ủng hộ, đàn áp các cuộc biểu tình khác ở Trung Quốc, trục xuất các nhà báo nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ các sự kiện trên báo chí trong nước.

Cảnh sát và lực lượng an ninh nội bộ đã được tăng cường. Các viên chức được coi là đồng cảm với các cuộc biểu tình đã bị hạ cấp hoặc thanh trừng.

Lãnh đạo Đảng đã trục xuất Tổng Bí thư Triệu Tử Dương khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (PSC). Hồ Khơi Lập (Hu Qili), một thành viên khác của PSC đã phản đối vũ lực, cũng bị loại khỏi ủy ban. Một nhà lãnh đạo Trung Quốc cải cách khác, Vạn Lý (Wan Li), cũng bị quản thúc tại gia. Một số đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài phải tuyên bố tị nạn chính trị.

Triệu Tử Dương

Ông Triệu Tử Dương bị cách chức Tổng bí thư và giam lỏng tới cuối đời vì “thông cảm” với phong trào sinh viên.

Bào Đồng, trợ lý của Triệu Tử Dương, là quan chức cấp cao nhất bị chính thức kết tội với cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình năm 1989. Ông bị kết án vào năm 1992 về “tiết lộ bí mật nhà nước và tuyên truyền chống cách mạng”, chịu 7 năm tù giam.

Để thanh trừng những đảng viên đồng cảm với người biểu tình Thiên An Môn, lãnh đạo đảng đã khởi xướng một chương trình cải tổ kéo dài 1 năm rưỡi để “đối xử chặt chẽ với những người nội bộ đảng có xu hướng nghiêm túc đối với tự do hóa tư sản”.

Bốn triệu người được báo cáo đã bị điều tra về vai trò của họ trong các cuộc biểu tình. Hơn 30.000 cán bộ ĐCSTQ đã được triển khai để đánh giá ‘độ tin cậy chính trị’ của hơn 1 triệu quan chức chính phủ.

Chính quyền đã bắt giữ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước. Một số bị bắt vào ban ngày khi họ đi bộ trên đường; những người khác đã bị bắt vào ban đêm. Nhiều người bị bỏ tù hoặc bị gửi đến các trại lao động, nơi họ không được thăm nuôi và phải sống trong phòng giam đông đúc với các tội phạm giết người và hiếp dâm, và tra tấn không phải là hiếm.

Giang Trạch Dân, khi đó là Bí thư Đảng ủy Thượng Hải, được thăng chức lên Tổng Bí thư ĐCSTQ thay cho Triệu Tử Dương. Theo Wikipedia, ông Giang “ghi điểm” vì đã nhanh nhảu đình bản tờ báo Kinh tế Thế giới ở Thượng Hải, một tờ báo ủng hộ cải cách. “Tội” của tờ báo là đăng bài viết tưởng nhớ Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, một lãnh đạo ủng hộ cải cách.

Giang TRạch Dân

Giang Trạch Dân bước lên đỉnh quyền lực nhờ tắm máu người dân Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn.

Nhật ký Lý Bằng viết, trong đêm xảy sự kiện Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân ở ngay gần Thiên An Môn để chỉ huy “chiến trường”. Cuốn Nhật ký còn chỉ ra, ngày 3/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã phê chuẩn phương án đàn áp phong trào vào tối hôm đó, ông Giang “trú tại lầu 4 tòa nhà của lực lượng Cảnh vệ, có thể quan sát mọi động thái tại Quảng trường Thiên An Môn qua cửa sổ”.

Sau sự kiện Thiên An Môn, người Mỹ mới biết rằng khi thực hiện lệnh giới nghiêm vào ngày 20/5 tại Bắc Kinh, ông Giang đã được ông Đặng Tiểu Bình hứa sẽ cho lên thay ông Triệu Tử Dương.

Tháng 1/2011, nhà đấu tranh nhân quyền Ngụy Kinh Sinh sống lưu vong ở ngoài Trung Quốc đại lục đã có bài viết tiết lộ, nhiều người không biết, trước sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Giang Trạch Dân đã được xem như Tổng Bí thư, vì thế mới có thể vào thành Bắc Kinh chỉ huy cuộc tàn sát.

Vào năm 2002, khi ông Giang mãn nhiệm kỳ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã đưa ra một số quy định cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có quy định là “không được lật lại vụ án tại Quảng trường Thiên An Môn.” Nguyên nhân của Quy định này là vì chính ông ta là nhân vật chủ mưu và cũng là kẻ giành được lợi ích nhiều nhất.

Ngựa quen đường cũ, 10 năm sau Giang Trạch Dân lại đại khai sát giới

Hưởng lợi lớn từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, trong khi vẫn có thể an nhiên tự tại, nên 10 năm sau ông Giang một lần nữa mở một chiến dịch “tắm máu” khác để củng cố quyền lực của mình.

Trước đó, từ năm 1992 có một môn khí công được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc, gọi là Pháp Luân Công. Ngoài 5 bài tập nhẹ nhàng, môn tập này yêu cầu học viên phải đề cao tâm tính dựa theo 3 nguyên lý đạo đức Chân, Thiện và Nhẫn.

Sau khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tập nhanh chóng được người dân yêu thích nhờ những cải biến phi thường về sức khoẻ và tinh thần. Số liệu thống kê của nhà nước vào năm 1999 cho biết có khoảng 70 triệu người tập Pháp Luân Công, trong khi ước tính của các học viên là 100 triệu người.

Pháp Luân Công

Học viên Pháp Luân Công tại New York, Mỹ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc đàn áp ở Trung Quốc (Ảnh: The Epoch Times)

Sự phát triển thần tốc này khiến họ Giang lo sợ lẫn đố kỵ, nên quyết tâm diệt trừ cho bằng được.

Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân chính thức phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, và duy trì đến ngày nay với một loạt các hình thức bức hại: Bắt bớ, tra tấn, cưỡng bức lao động…

Khó tin hơn, chiến dịch này phát triển đến mức độ tàn ác chưa từng có: Mổ cướp nội tạng của các học viên để bán cho những người có nhu cầu cấy ghép.

Và cũng cùng phương cách như đã làm với Thiên An Môn, chính quyền Trung Quốc tiến hành một cuộc tẩy não toàn quốc để xoá sạch cảm tình của người dân và ký ức về những trường hợp khỏi bệnh thần kỳ nhờ tập Pháp Luân Công.

Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát tuyên truyền rằng Pháp Luân Công là tà giáo, có thế lực nước ngoài hậu thuẫn nhằm chống lại người Trung Quốc, v.v.

Cũng như sự kiện Thiên An Môn, những cụm từ liên quan đến Pháp Luân Công là các từ khóa bị kiểm duyệt hàng đầu ở Trung Quốc.

Và cũng như sự kiện Thiên An Môn, chiến dịch tẩy não chống lại Pháp Luân Công đã phát huy tác dụng.

Nhiều người tin vào lời tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công. Lực lượng an ninh không ghê tay khi tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Các bác sỹ không cảm thấy tội lỗi khi mổ lấy nội tạng của các học viên và giết chết họ trong quá trình đó. Người dân không cảm thấy vô đạo đức khi hỏi mua nội tạng của học viên Pháp Luân Công.

Các tổ chức nhân quyền cùng nhiều lãnh đạo và nhân sỹ trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc nhận trách nhiệm về hai cuộc thảm sát.

Mặc dù Trung Quốc tìm mọi cách khiến hai tội ác này không tồn tại trong nhận thức của người dân, nhưng sự thật sẽ vẫn cất lên tiếng nói của nó, bằng ánh sáng của chính nghĩa, mà không một lời tuyên truyền nào có thể che đậy được.

Năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một nghị quyết bày tỏ mối lo ngại về “các báo cáo đáng tin cậy và liên tục về việc thu hoạch tạng có hệ thống, thu hoạch tạng theo chỉ thị của nhà nước từ các tù nhân lương tâm không chấp nhận hiến tạng của họ tại Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới