Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao bị Mỹ hăm dọa, Ấn Độ vẫn quyết mua S-400?

Tại sao bị Mỹ hăm dọa, Ấn Độ vẫn quyết mua S-400?

Mỹ thường áp đặt trong quan hệ, Nga thì ngược lại. Vì vậy, New Delhi có thể làm phật lòng Washington chứ không muốn làm mất lòng Moscow..

Ấn Độ quyết mua rồng lửa S-400 Triumf của Nga bất chấp hăm dọa từ Mỹ

The Economic Times của Ấn Độ ngày 5/6 có dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Nirmala Sitharaman cho biết, quá trình đàm phán giữa Ấn Độ và Nga về mua bán hệ thống phòng không S-400 Triumf đã đến giai đoạn kết thúc.

Ngày 15/10/2016, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Ấn Độ, hai bên đã thoả thuận về việc Nga cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400 Triumf với tổng giá trị lên tới hơn 5 tỉ USD, theo Bloomberg.

Từ đó Moscow và New Delhi đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán, thương lượng về việc chuyển giao loại vũ khí chiến lược này và theo bà Sitharaman thì hợp đồng mua bán sẽ được ký kết vào tháng 10/2018.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết New Delhi còn mua nhiều khí tài từ Nga, đồng thời tuyên bố quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ – Nga là mối quan hệ vượt trên thử thách về thời gian.

Tham vọng sở hữu S-400 Triumf của Ấn Độ bị thách thức bởi Luật chống các đối thủ của Mỹ bằng những biện pháp trừng phạt (CAATSA), tuy nhiên bà Sitharaman cho rằng New Delhi sẽ không để sự việc bị ảnh hưởng bởi CAATSA.

Xin nhắc lại ngày 17/3 vừa qua, một các nhà lập pháp Mỹ, đứng đầu là Thượng ​nghị sĩ Bob Menendez, đã gửi một bức thư cho Bộ Ngoại giao Mỹ nêu vấn đề Nga sẽ  phải chịu các biện pháp trừng phạt mới nếu xuất khẩu S-400 Triumf.

Theo nhóm của ông Menendez, căn cứ Luật chống các đối thủ của Mỹ bằng những biện pháp trừng phạt, bất kỳ thương vụ mua bán S-400 Triumf nào mà Nga và các đối tác thực hiện sẽ bị coi là gây ra hậu quả cho nước Mỹ, vi phạm CAATSA.

“Chúng tôi viết bức thư này yêu cầu báo cáo cụ thể về các cuộc đàm phán giữa Nga và một số quốc gia trong việc mua bán S-400 Triumf, xem những thỏa thuận đã kích hoạt các lệnh trừng phạt bắt buộc theo CAATSA hay chưa”, bức thư viết.

Các nghị sĩ Mỹ viết tâm thư dựa trên báo cáo của Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho thấy Nga đang tích cực đàm phán về các biện pháp phòng thủ tiềm năng với nhiều quốc gia khác nhau, sau đó sẽ cung cấp S-400 Triumf cho đối tác.

Ông Menendez và những người ký tên vào bức tâm thư yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ngăn cản các giao dịch mua bán S-400 Triumf giữa Nga với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Saudi Arabia, Qatar và một số quốc gia khác.

CAATSA vốn được cho là đòn trừng phạt hiếm có, có tính toàn diện hơn so với các đạo luật trước đây nhắm vào Nga.

Đạo luật này cũng nhắm tới các đối tác có hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí và thông tin tình báo với Nga.

Ngày 30/5, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho biết Mỹ rất quan ngại về việc Ấn Độ đặt mua S-400 Triumf của Nga và cảnh báo hành động này có thể làm phương hại tới các chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Mỹ – Ấn.

Tai sao bi My ham doa, An Do van quyet mua S-400?
Thượng nghị sĩ Bob Menendez đi đầu trong việc ngăn chặn nguy cơ S-400 Triumf thách thức kỹ thuật phòng thủ của Mỹ

“Tôi e ngại rằng việc mua công nghệ đó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng Mỹ cung cấp thêm công nghệ cho bất kỳ quốc gia nào có hoạt động giao dịch về loại vũ khí này”, ông Thornberry tuyên bố.

Nhà lập pháp Mỹ cũng thông tin thêm: “Chính giới Mỹ, từ Quốc hội tới Chính phủ đều tỏ ra đặc biệt lo lắng về các thương vụ S-400 Triumf, không chỉ với Ấn Độ mà còn với nhiều quốc gia khác”.

Theo The Economic Times, quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ đang phát triển mạnh rất mẽ, vì vậy lời cảnh báo của Washington về tham vọng sở hữu S-400 Triumf là không thể xem thường với New Delhi.

Tuy nhiên, nguồn tin chính thức cho biết Ấn Độ sẽ nêu vấn đề sở hữu S-400 Triumf với Mỹ trong cuộc đàm phán song phương vào tháng 7 tới tại Washington. Nghĩa là New Delhi sẽ quyết theo đuổi đến cùng thương vụ S-400 Triumf.

New Delhi thà phật lòng Washington chứ không muốn làm mất lòng Moscow

Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ thay đổi nhanh chóng từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, điều đó thể hiện qua việc người đứng đầu chính phủ Ấn Độ thăm Mỹ 4 lần, gặp Tổng thống Obama 7 lần chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.

Đặc biệt, ngày 8/6/2016, Thủ tướng Modi đã có bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khi thực hiện chuyến thăm Washington lần thứ 4, trong khi chỉ 2 năm trước đó ông còn bị cấm đặt chân đến xứ cờ hoa.

Không khó nhận diện hướng chuyển động của quan hệ Mỹ – Ấn là cả hai bên cùng khai thác tối đa lợi thế của Ấn Độ với thị trường không lồ hơn 1 tỷ người và đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ, theo Bloomberg.

Thực tế hiện nay cho thấy quan hệ Mỹ – Ấn đã thực sự chuyển mình khi Washington và New Delhi cùng quyết tâm “biến rào cản lịch sử thành nhịp cầu hợp tác” và mối quan hệ này đang được nâng lên tầm chiến lược.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ – Ấn có nguy cơ bị sứt mẻ nghiêm trọng chỉ vì thương vụ S-400 Triumf. Vậy nhưng New Delhi không dừng lại sự việc, dù đã bị Washington lên tiếng cánh báo. Điều đó cho thấy lợi ích từ quan hệ Nga – Ấn có sức hút quá lớn.

Tai sao bi My ham doa, An Do van quyet mua S-400?
Quan hệ Mỹ – Ấn mang tính cộng hưởng hơn là cộng sinh

Theo The Economic Times, Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ đối tác thân thiết với Nga. Ấn Độ từng là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% tổng số vũ khí hạng nặng của “cường quốc châu Á” này.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã kế thừa một cách tích cực mối quan hệ lịch sử đăc biệt này và dưới thời chính quyền của Tổng thống Putin, quan hệ Nga – Ấn đã có bước phát triển mạnh mẽ và thực chất.

Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và chủ yếu là nhập từ Nga. Trong giai đoạn 2011- 2015, Nga đã xuất khẩu gần 40% lượng vũ khí tới Ấn Độ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 15/10/2016, ngoài thoả thuận về mua bán hệ thống S-400 Triumf, Nga – Ấn còn có thoả thuận về việc Moscow cung cấp 4 tàu khu trục hiện đại cho hải quân Ấn Độ.

Thủ tướng Modi có tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp phòng của Ấn Độ với chính sách “Made in India”, thực hiện liên kết với công ty công nghiệp quốc phòng của nước ngoài để chuyển giao công nghệ.

Để đáp ứng khát vọng đó của New Delhi, Tổng thống Putin đã tạo điều kiện cho sự ra đời một liên doanh Nga – Ấn, kỳ vọng sẽ sản xuất ít nhất 200 máy bay trực thăng Kamov 226T phục vụ cho nhu cầu của quân đội Ấn Độ.

Bên cạnh đó là hợp tác kinh tế Nga – Ấn cũng phát triển mạnh mẽ. Thỏa thuận hợp tác năng lượng 2016-2017 trị giá 12 tỉ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành lọc dầu Ấn Độ đã được ký kết bởi hai tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga) và Essar (Ấn).

Tai sao bi My ham doa, An Do van quyet mua S-400?
New Delhi có thể làm phật lòng Washington, nhưng không muốn mất lòng Moscow

Gấn đây nhất là ngày 17/1/2018, Tập đoàn Gazprom của Nga và GAIL của Ấn Độ đã đàm phán thành công về giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), mà Nga cung cấp cho Ấn Độ với mức giá thấp kỷ lục trong vòng 20 năm.

Theo ông Vitaly Vasiliev, Giám đốc điều hành của Gazprom Marketing & Trading, với việc Nga giảm LNG sẽ giúp Ấn Độ tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm so với nhập khẩu LNG từ Mỹ và các đối tác khác.

Không những vậy, cả Nga và Ấn Độ đều là thành viên của nhóm BRICS nên lợi ích có được từ cơ chế hợp tác đa phương này cũng là điều mà New Delhi có thể duy trì và khai thác. Rõ ràng lợi ích có được từ Nga là rất thực tế và thực chất với Ấn Độ.

Trong khi đó, theo The Economic Times, quan hệ Mỹ – Ấn phát triển mạnh trong những năm gần đây chủ yếu bị tác động bởi thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc, nghĩa là quan hệ Mỹ – Ấn là kiểu “cộng hưởng chứ không cộng sinh”.

Bởi quan hệ Mỹ – Ấn có thể phát triển nhanh chậm, đúng hướng hay chệch hướng có sự tác động bởi quan hệ Mỹ – Trung và khi Washington có được lợi ích đổi trao của Bắc Kinh thì New Delhi có thể rơi vào “yếm thế”.

Đặc biệt, Mỹ thường áp đặt trong quan hệ quốc tế, mà việc sử dụng CAATSA can thiệp vào thương vụ S-400 Triumf là một ví dụ, trong khi Nga thì ngược lại.

Vì vậy, New Delhi có thể làm phật lòng Washington chứ không muốn làm mất lòng Moscow.

RELATED ARTICLES

Tin mới