Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVụ thử hạt nhân suýt biến thành thảm họa của TQ năm...

Vụ thử hạt nhân suýt biến thành thảm họa của TQ năm 1971

Phi công Trung Quốc hạ cánh xuống căn cứ 10.000 người với quả bom nhiệt hạch 3 megaton treo lủng lẳng dưới máy bay.

Với vụ thử hạt nhân đầu tiên ngày 16/10/1964, Trung Quốc trở thành nước thứ 5 trên thế giới sở hữu vũ khí nguyên tử. Trong gần 20 năm sau đó, Bắc Kinh tiếp tục tiến hành nhiều vụ thử nhằm hoàn thiện loại vũ khí này, trong đó có một lần suýt biến thành thảm họa, theo National Interest.

Tháng 9/1971, sau cái chết của phó thủ tướng Lâm Bưu trong vụ tai nạn máy bay ở Mông Cổ, Mao Trạch Đông quyết định cho tiến hành một thử bom nhiệt hạch để nâng cao sĩ khí quân đội. Trong vụ thử trước đó vào cuối năm 1970, quả bom phát nổ nhưng phản ứng nhiệt hạch không xảy ra, khiến vụ thử bị thất bại.

Vụ thử bom nhiệt hạch lần này được tiến hành tại bãi thử Lop Nor ở Tân Cương, được thực hiện bởi Yang Guoxiang, phi công thử nghiệm hàng đầu Trung Quốc lúc đó.

Máy bay được dùng trong nhiệm vụ này là Q-5A, biến thể nhái tiêm kích MiG-19 Liên Xô nhưng được thiết kế trở thành tiêm kích bom. Quả bom nhiệt hạch dài tới hai mét, nặng một tấn được treo dưới thân máy bay, sử dụng một thiết bị đẩy để nó không va chạm với chiếc Q-5A khi thả bom.

“Khu vực mục tiêu của tôi có đường kính 200 m. Tôi đã thực hiện 200 lần thả các quả bom giả có kích thước, khối lượng giống bom nhiệt hạch thực sự, nhưng được làm từ thép và bê tông”, Yang nhớ lại.

Phi công Yang Gouxiang trên tiêm kích bom Q-5A. Ảnh: Air Space Mag.

Phi công Yang Guoxiang trên tiêm kích bom Q-5A. Ảnh: Air Space Mag.

Theo kế hoạch, ngày 30/12/1971, Yang lái phi cơ Q-5A mang theo quả bom nhiệt hạch có sức công phá hơn 3 megaton, tương đương hơn 3 triệu tấn thuốc nổ TNT, xuất kích từ một căn cứ cách bãi thử Lop Nor 300 km.

Quả bom nhiệt hạch treo dưới máy bay của Yang có 5 “khóa an toàn” để ngăn việc nó phát nổ ngoài dự kiến, cả 5 khóa này đều phải được vô hiệu hóa để kích hoạt quả bom.

Khóa an toàn đầu tiên được tháo khi kỹ thuật viên treo bom lên máy bay. Hai khóa tiếp theo được vô hiệu hóa sau khi máy bay cất cánh và trước thời điểm cắt bom. Hành động cắt bom sẽ mở khóa an toàn thứ 4, còn khóa an toàn cuối cùng được tắt sau đó 60 giây, chỉ một giây trước khi bom kích nổ.

Chiếc Q-5A bay với tốc độ 900 km/h ở độ cao 300 m, mô phỏng tình huống lẩn tránh radar đối phương. Khi còn cách mục tiêu 12 km, Yang kéo mũi máy bay vọt lên theo góc 45 độ, đạt độ cao 1.200 m và cắt bom rồi tiếp tục vọt lên độ cao 3.000 m. Nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, quả bom sẽ mất 60 giây để đến mục tiêu và kích hoạt, thời gian này là đủ để Yang kịp thoát ly khỏi vụ nổ.

Tuy nhiên, sự cố bất ngờ xảy ra ở khâu cắt bom. Quả bom vẫn gắn chặt vào giá treo, dù phi công đã thử cả ba cách thả bom, trong đó gồm hai phương án dự phòng.

Cả hai lần vòng lại và thử cắt bom tiếp theo của Yang đều không thành công, trong khi chiếc Q-5A đã gần cạn nhiên liệu. Yang lúc này đối mặt với ba lựa chọn: nhảy dù và để máy bay lao tự do xuống đất, điều khiển máy bay đâm xuống khu vực hoang vắng, hoặc đưa nó về căn cứ.

“Nghĩ tới thời gian và nỗ lực chúng tôi dành cho dự án bom nhiệt hạch cũng như số tiền khổng lồ sẽ mất đi cùng với chiếc máy bay nếu đâm xuống đất, tôi quyết định đưa cả phi cơ và cả quả bom về căn cứ”, Yang kể lại.

Đây được coi là quyết định vô cùng mạo hiểm của Yang, bởi căn cứ không quân nơi ông định quay về đang có 10.000 binh sĩ đóng quân, trong đó chỉ có vài người biết về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Tiêm kích bom Q-5A của Trung Quốc bay huấn luyện hồi năm 2012. Ảnh: Air Space Mag.

Tiêm kích bom Q-5A của Trung Quốc bay huấn luyện hồi năm 2012. Ảnh: Air Space Mag.

Chỉ cần Yang mắc một sai lầm nhỏ, thảm họa khôn lường sẽ xảy ra, bởi khi máy bay hạ cánh, quả bom nhiệt hạch chỉ nằm cách mặt đất 10 cm. 4 trong 5 khóa an toàn đã bị vô hiệu hóa khi Yang thực hiện thao tác thả bom, khiến nó có nguy cơ phát nổ ngay khi máy bay tiếp đất.

Trước khi về căn cứ, Yang liên lạc với chỉ huy và yêu cầu những người tại căn cứ sơ tán xuống hầm ngầm. Đích thân thủ tướng Chu Ân Lai ra lệnh sơ tán căn cứ.

Còi báo động vang lên liên hồi tại căn cứ thử nghiệm đúng vào giờ ăn trưa. Các binh sĩ phải vội vã bỏ mâm cơm, đeo mặt nạ phòng độc chạy xuống hầm ngầm. Một nồi cơm lớn trong bếp bị cháy đen do toàn bộ cấp dưỡng đã sơ tán xuống hầm.

Toàn bộ 10.000 binh sĩ tại căn cứ kịp xuống hầm ngầm trước khi chiếc Q-5A bắt đầu thao tác hạ cánh với quả bom ngay bên dưới. Khi tắt động cơ, Yang là người duy nhất ở trên mặt đất. Tuy nhiên, phi công này không thể rời buồng lái vì không có thang xuống.

Đài chỉ huy sau đó yêu cầu Yang ra khỏi buồng lái, men theo thân máy bay tới phía đuôi và nhảy xuống. Các nhân viên đài kiểm soát không lưu tỏ ra rất giận dữ, họ cho rằng hành động của Yang đã đẩy 10.000 người vào tình thế nguy hiểm. Phải mất thêm nhiều thời gian để các chuyên gia kỹ thuật tiếp cận chiếc Q-5A. Quả bom được xử lý an toàn, ngăn nguy cơ kích nổ có thể xóa sổ toàn bộ căn cứ không quân.

Sau thất bại này, Trung Quốc vẫn tiếp tục thử nghiệm bom hạt nhân trên không cho đến tháng 10/1980. Dù chính thức trở thành cường quốc hạt nhân, cái giá phải trả với nước này không hề rẻ khi rất nhiều người bị nhiễm xạ sau thời gian dài thử hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới