Người Mỹ cho rằng trường hợp kiểm soát Crimea là điều Nga cần làm để duy trì các căn cứ quân sự ở Ukraine
Chế độ thù địch tự động
Theo Foreign Affairs, trong buổi điều trần phê chuẩn chức vụ của mình, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Nga, mô tả nước này là “một mối nguy hiểm đối với đất nước chúng ta”.
Tạp chí Mỹ cho rằng đây là một điển hình dưới thời Tổng thống Trump, khi đảng viên của cả hai chính đảng lớn đều thường xuyên mô tả Nga là một mối đe dọa khủng khiếp đối với Mỹ.
Thái độ thù địch của cả 2 đảng đối với Nga đã thúc đẩy ngay cả ông Trump, người được nhìn nhận là có thái độ dao động giữa sự thù địch công khai và sự ngưỡng mộ, thông qua các chính sách hiếu chiến theo phản xạ, từ các biện pháp trừng phạt không có mục đích cho tới việc đe dọa gây chiến bằng vũ khí hạt nhân.
Dù vẫn chưa rõ quy mô và tác động (ngay cả sự thật) về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, song nhiều người Mỹ vẫn tỏ rõ sự thù địch đối với Moscow và đưa ra những giọng điệu mà tờ Foreign Affairs gọi là “kích động”.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden gần đây đã viết: “Chính phủ Nga đang tấn công một cách trơ tráo nền móng của nền dân chủ phương Tây”.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, đảng viên đảng Dân chủ đến từ tiểu bang New York, đã kêu gọi Tổng thống Trump “chĩa vũ khí vào Nga, đối thủ nước ngoài đã tấn công chúng ta”.
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ André Carson đến từ tiểu bang Indiana đã cảnh báo về một “Bức màn sắt mới đang bao trùm lên khắp châu Âu”.
Theo Foreign Affairs, điều không may là luận điệu đe dọa này không chỉ góp phần duy trì căng thẳng ở mức độ cao mà còn tạo ra các phản ứng chính sách tự động tập trung vào sự đối đầu thiếu suy xét.
Ví dụ điển hình là Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), vào năm 2017. CAATSA phần lớn mang tính trừng trị và không đưa ra con đường rõ ràng nào để Quốc hội xem xét việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, do đó không đưa ra sự khích lệ nào để Nga thay đổi hành vi của mình.
Xe tăng Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ |
Chính quyền Tổng thống Trump, dù ban đầu tỏ ra kín đáo, cũng đã có các bước đi mang tính đối đầu trong những tháng gần đây. Một vài bước đi trong số này được biện minh rõ ràng, chẳng hạn như việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ Skripal không có chứng cứ.
Tuy nhiên, các bước đi khác thì không như vậy. Chẳng hạn, vào tháng 12/2017, Mỹ đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cho dù không có bất kỳ lý do căn bản rõ ràng nào giải thích về cách thức mà việc làm này có thể cải thiện tình hình.
Các văn kiện chính sách của Nhà Trắng cũng đã thể hiện một lập trường thù địch đối với Nga. Chiến lược an ninh quốc gia, được công bố vào tháng 12/2017, mô tả Nga là một trong các “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”, liệt kê nước này như một thách thức cùng với Iran và Triều Tiên.
Trong khi đó, Đánh giá tư thế hạt nhân năm 2018 bao gồm những quy định về các vũ khí hạt nhân đương lượng nổ thấp và các tên lửa hành trình mới mà rõ ràng được đặt ra nhằm chống lại kho vũ khí hạt nhân của Nga và có thể là nguồn cơn làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Nga.
Ngay cả các cuộc tấn công gần đây vào Syria cũng phản ánh tình trạng thù địch này. Các cuộc tấn công này có giới hạn, phần lớn là tránh các mục tiêu của Nga và đã không dẫn tới sự leo thang. Tuy vậy, một số quan chức trong chính quyền đã lập luận ủng hộ các cuộc tấn công trên quy mô lớn hơn mà sẽ tác động tới các phương tiện của Nga.
Thừa nhận Nga đúng?
Theo Foreign Affairs, luận điệu và các chính sách mang tính đối đầu hiện nay đối với Nga thường phớt lờ thực tế nên cần phải có một cách tiếp cận thay thế, trong đó có sự thừa nhận cái lý của người Nga. Ví dụ được tạp chí Mỹ nêu ra là trường hợp kiểm soát Crimea là sự cần thiết phải duy trì các căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine.
Cũng có thể nói như vậy về việc Nga phát triển các vũ khí hạt nhân mới, vốn là phản ứng trước quyết định của Chính quyền George W. Bush là rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, điều mà trên thực tế đã khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Một cách tiếp cận thực tế hơn của Mỹ đối với Nga sẽ phản ánh các giới hạn của những gì Washington có thể và không thể đạt được và qua đó định rõ các lợi ích của Mỹ một cách chính xác hơn nhiều.
Quân đội Nga tổ chức kỷ niệm Ngày Hải quân tại căn cứ Sevastopol, Crimea |
Foreign Affairs chỉ ra rằng ở cấp độ cơ bản nhất, Washington có một lợi ích rõ ràng trong việc ngăn chặn Nga thống trị châu Âu, một khả năng mà ngày nay khó trở thành hiện thực đến mức nực cười. Bất chấp sự bàn luận về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Nga không phải là Liên Xô.
Đáng chú ý, giới phân tích Mỹ cho rằng nước này cũng có lợi ích trong việc tránh xung đột vô nghĩa với Nga về những nước mà đơn giản là không quá quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có Syria và Ukraine.
Mặc dù lợi ích rộng lớn hơn của Washington trong sự ổn định khu vực và toàn cầu có thể mở rộng sang sự can dự về ngoại giao hoặc nhân đạo ở các quốc gia này, nhưng như vậy là không đủ để biện minh cho sự dính líu quân sự hay nguy cơ leo thang không cố ý với Nga.
Điều không may là trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Washington thường giải thích các lợi ích của Mỹ một cách khái quát đến mức vô nghĩa.
Nga vừa bất ngờ tuyên bố rút một số máy bay chiến đầu tại Syria |
Foreign Affairs đề xuất, Mỹ nên tập trung và xác định rõ ràng hơn các lợi ích thực sự. Điều này bao gồm cả việc duy trì sự hợp tác của Nga trong các vấn đề then chốt toàn cầu, chẳng hạn như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Iran và Triều Tiên.
Bằng việc xa rời luận điệu và các chính sách mang tính đối đầu, Washington có thể giảm bớt căng thẳng, tạo ra sự răn đe hiệu quả về các vấn đề có tầm quan trọng then chốt, và tái can dự với Nga về các vấn đề thuộc lợi ích chung.
Riêng đối với vấn đề nóng hiện này là Triều Tiên, giới phân tích Mỹ cho rằng việc đưa Nga vào các cuộc thảo luận đa quốc gia có thể giúp giải quyết khủng hoảng đồng thời cải thiện quan hệ ngoại giao đang xấu đi giữa Mỹ và Nga.
Điều còn quan trọng hơn là việc quay trở lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, vì nhiều hiệp ước trong thế hệ hiệp ước hiện tại đang thất bại hoặc sẽ sớm chấm dứt theo lịch trình. Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung mang đến một cơ hội đàm phán như vậy, cũng như Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ hết hạn vào năm 2021.