Trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm gia tăng kiểm soát bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy Biển Đông. Những hoạt động phi pháp trên của Bắc Kinh không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước ven Biển Đông mà còn góp phần giám sát, ngăn chặn và cản trở Mỹ cùng các nước đồng minh tăng cường hiện diện trong khu vực.
Mô hình hệ thống quan trắc dưới đáy biển của Trung Quốc
Viện hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết, Bắc Kinh đang triển khai hệ thống giám sát đáy biển được xây dựng trên nền tảng các phao nổi, tàu mặt nước, vệ tinh và thiết bịlặn dưới nước. Từ đó, hệ thống thu thập thông tin về Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rồi truyền về ba trung tâm tình báo nằm ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), tỉnh Quảng Đông và Tam Á (đảo Hải Nam). Trong đó, trung tâm ở Tam Á là cơ sở chung, chịu trách nhiệm xử lý và phân tích thông tin.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm, hệ thống giám sát đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc sử dụng.Dự kiến, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn thiện mạng lưới giám sát hàng hải ba chiều toàn diện tạiBiển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hệ thống giám sát đáy biển của Trung Quốc hoạt động dựa trên sự thu-phát sóng âm của mạng lưới cảm biển được Bắc Kinh rải khắp các vùng biển
Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, hệ thống trêncó 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới. Các cảm biến có nhiệm vụ thu nhận và phân tích âm thanh ở vùng nước nông, rồi truyền phát hiện tín hiệu về các trạm thu nhận trong phạm vi 1.000 km.Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Trung Quốc đã đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông, 300 cảm biển ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc hàng năm sẽ đưa các cảm biến mới để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng.
Hệ thống trên được áp dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, song chúng hoạt động mô phỏng theo hệ thống thiết bị cảm biến âm thanh của Mỹ dọc vành đai “Chuỗi đảo thứ nhất” và “Chuỗi đảo thứ hai” của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ nắm bắt được công nghệ bên ngoài, chưa thể sánh ngang được với các cường quốc như Mỹ, Nga. Theo ông Du Vĩnh Cường, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, việc triển khai được một hệ thống công nghệ cao mới cho thấy sự tiến bộ trong khả năng tác chiến tàu ngầm của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc còn kém xa Mỹ về khả năng nắm bắt được tình trạng nhiệt độ và độ mặn của nước biển ở Biển Đông.
Hệ thống giám sát đáy biển của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu tăng cường kiểm soát Biển Đông
Thứ nhất, hệ thống trên có khả năng thu thập thông tin về môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Thứ hai, hệ thống giám sát cũng hỗ trợ hải quân, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Theo thiết kế, các tàu ngầm thường dùng kỹ thuật lan truyền sóng âm thanh dưới nước (sonar) để xác định vị trí, nhận diện và theo dõi tàu khác. Tốc độ và hướng của sóng âm lại bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của vùng nước tàu chạy qua, điều này sẽ khiến tàu ngầm Trung Quốc khó có thể tấn công chính xác các mục tiêu,
Thứ ba, hệ thống giám sát trên còn giúp Trung Quốc bảo vệ sáng kiến “Vành đai, Con đường”, trong đó bao gồm “Con đường Tơ lụa trên biển”, trải dài từ bán đảo Triều Tiên tới vùng biển Đông Phi, qua những khu vực Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm hoạt động.
Hệ thống giám sát của Trung Quốc là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông đê phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống giám sát ngầm dưới biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.
Thứ hai, tuy Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng các hệ thống giám sát hàng hải của Bắc Kinh chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải. Nhưngmục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kin nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.
Thứ ba, Trung Quốc cũng muốn thông qua hệ thống trên để tìm cách kiểm soát, ngăn chặn và phá hoại hệ thống cáp ngầm của các nước lắp đặt ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát ngầm ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc tự ý đặt các cảm biển ở khu vực Biển Đông mà chưa được Việt Nam đồng ý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Theo Điều 246 của UNCLOS quy định “Việc nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa” đã ghi rõ: “Trong việc thi hành quyền tài phán của mình, các quốc gia ven biển có quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa của mình theo đúng các quy định tương ứng của Công uớc. Công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa đuợc tiến hành với sự thỏa thuận của quốc gia ven biển. Trong những truờng hợp bình thuờng, các quốc gia ven biển thỏa thuận cho thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học biển mà các quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế có thẩm quyền dự định tiến hành trong vùng đặc quyền về kinh tế hay trên thềm lục địa của mình theo đúng Công uớc, nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình và để tăng thêm kiến thức khoa học về môi truờng biển, vì lợi ích của toàn thể loài nguời”. Tuy nhiên, hành động đặt các cảm biến của Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn quy định của UNCLOS: (1) Trung Quốc không hề xin phép và thỏa thuận với Việt Nam khi tiến hành đặt các cảm biển trong khu vực biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. (2) Việc Trung Quốc đặt các thiết bị trên vẻ bề ngoài là nhằm phục vụ việc nghiên cứu, nắm bắt sự thay đổi về môi trường sinh thái ở Biển Đông, nhưng trên thực tế nó hoàn toàn phục vụ các mục đích quân sự, đi ngược lại lợi ích toàn thể loài người. (3) Hành động của Bắc Kinh còn đe dọa trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; trực tiếp đe dọa an ninh, an toàn của các tàu thuyền khi qua lại trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát dưới đáy Biển Đông cũng đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.
Nhìn chung, Bắc Kinh triển khai hệ thống giám sát phi pháp ở Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan. Trước tình hình trên, các nước liên quan, nhất là Mỹ cần theo dõi chặt chẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc để đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất.