Ngày 13/7, ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ kết tội 12 công dân Nga tấn công cuộc bầu cử năm 2016, các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump lập tức hủy Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ vào đầu tuần tới.
Các nghị sĩ Dân chủ Mỹ yêu cầu hủy Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin. Ảnh: Activist Post
Sáng 13/7, Bộ Tư pháp nước này đã kết tội 12 nhân viên tình báo quân đội Nga tấn công hệ thống máy tính trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Phản ứng trước diễn biến mới nhất này, hàng loạt nghị sĩ nổi tiếng của đảng Dân chủ đã yêu cầu Tổng thống Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra ngày 16/7 tới ở thủ đô Helsinki (Phần Lan).
Trong một tuyên bố chính thức, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nêu rõ:
“Tổng thống Trump nên hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin cho tới khi Nga thực thi những bước đi minh bạch và rõ ràng để chứng minh họ sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử trong tương lai. Việc Tổng thống Trump bắt tay Tổng thống Putin trong bối cảnh cáo trạng vừa được công bố như thế này sẽ là một hành động xúc phạm nền dân chủ của chúng ta”.
Thượng nghị sĩ Jack Reed, nhân vật hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Quân lực Thượng viện, cùng một loạt nhà lập pháp của đảng này như Hạ nghị sĩ Dina Titus hay Debbie Wasserman Schultz cũng đồng tình với quan điểm hủy Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, dù không yêu cầu hủy hội nghị tại Helsinki, song bà hối thúc ông chủ Nhà Trắng tận dụng cơ hội này để “yêu cầu và đạt được một thỏa thuận thực tế, chi tiết và toàn diện về việc Nga sẽ chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào nền dân chủ Mỹ”.
Trước đó, trong một thông cáo sáng cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời kết tội 12 công dân Nga dính líu tới “một nỗ lực liên tục nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ” và hòm thư điện tử của ứng cử viên Hillary Clinton.
Nguồn tin trên nêu rõ 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Cáo trạng cho rằng nhóm nhân viên tình báo Nga đã tấn công hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch trang cử tổng thống của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi sau đó có ý làm rò rỉ thông tin qua các trang như WikiLeaks.
Trước đó, nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hồi tháng 2 cũng đưa ra những cáo trạng hình sự đối với 13 công dân Nga và 3 công ty Nga với lý do can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Thậm chí ngày 15/3 Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga, trong đó có các cơ quan tình báo, vì cái gọi là “can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng”.
Trong số các tổ chức và cá nhân của Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), lực lượng GRU và 6 cá nhân làm việc cho GRU.
Cá nhân nổi bật nhất bị liệt vào danh sách trừng phạt của Washington là ông Viktorovich Prigozhin, người nổi tiếng với biệt danh là “bếp trưởng của Tổng thống Vladimir Putin,” và có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Bất chấp việc Nga luôn bác bỏ, các cơ quan tình báo của Mỹ đều đưa ra kết luận Moskva can thiệp cuộc bầu cử nhằm mang lại lợi thế cho Tổng thống Donald Trump.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm đã báo cáo gấp kết quả điều tra mới này với Tổng thống Trump, người đang có chuyến thăm chính thức tới Anh và dự kiến gặp người đồng cấp Nga vào ngày 16/7 ở Helsinki.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cũng nói rằng việc tình báo Nga can thiệp không ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2016, với chiến thắng đầy bất ngờ thuộc về ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump.
Việc Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết quả điều tra nói trên diễn ra chỉ 3 ngày trước sự kiện lịch sử tại Helsinki (Phần Lan), nơi Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ lần đầu tiên tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh . Hiện không rõ động thái bất ngờ trên có ảnh hưởng gì tới hội nghị được cả thế giới quan tâm này hay không.
Nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc tại Mỹ suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, Điện Cremlin đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc Nga dính dáng tới cuộc bầu cử tại “xứ sở cờ hoa”.