Chính phủ Thái Lan vừa mời các doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dự án công nghiệp phía Đông trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành một nước phát triển.
Ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan (Eastern Economic Corridor-EEC) đưa ra lời mời gọi này khi giới thiệu về EEC trong sự kiện “Hợp tác Sáng kiến Vành đai Con đường Thái Lan-Trung Quốc cho tương lai” hôm thứ Bảy, 25/8, theo China Daily.
Ông Kanit đã nói với phái đoàn gồm hàng trăm doanh nhân Trung Quốc rằng EEC, bao phủ ba tỉnh phía Đông Nam Thái Lan là Chachoengsao, Chonburi và Rayong, ra đời nhằm mục tiêu phát triển khu vực này thành một khu kinh tế hàng đầu của Thái Lan và khu vực ASEAN.
Ông Kanit cho biết nhiều dự án cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt cao tốc trị giá 5,7 tỷ đôla, dự án sân bay trị giá 5,7 tỷ đôla sẽ được triển khai trong EEC để thúc đẩy đầu tư vào 10 ngành công nghiệp đang được nhắm đến.
Một số công ty Trung Quốc đã tham gia đấu thầu dự án đường sắt cao tốc EEC nối sân bay Don Mueang ở Bangkok với sân bay Suvarnabhumi ở tỉnh Samut Prakan và sân bay U-Tapao ở tỉnh Rayong, ông Kanit nói thêm rằng công ty trúng thầu sẽ được quyết định trong năm nay.
Ông cho biết các công ty Trung Quốc, giỏi trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, được chào đón đầu tư vào sân bay quốc tế U-Tapao, đường sắt cao tốc, cảng Laem Chabang, Map Ta Phut và các dự án hạ tầng kỹ thuật số cũng như các ngành công nghiệp kỹ thuật số, robot, hàng không và hậu cần, ô tô thế hệ mới, v.v.
Trong bài phát biểu của mình, ông Kanit cũng đề cập đến dự án phát triển hành lang kinh tế phía Nam (SEC) đã được chính phủ Thái phê duyệt cách đây vài ngày, sẽ được thử nghiệm tại bốn tỉnh phía Nam là Chumphon, Ranong, Surat Thani và Nakhon Si Thammarat.
Bản quyền hình ảnh Santi Sukarnjanaprai Image caption Khu China Town ở Bangkok, Thái Lan, nơi tập trung cộng đồng người Trung Quốc làm ăn buôn bán
Theo ông, dự án bao gồm việc phát triển cảng Ranong như một cửa biển quan trọng đối với Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và châu Âu, và sẽ có đường sắt nối giữa EEC và SEC để hàng hóa sản xuất trong EEC cũng có thể tận dụng lợi thế của cảng để phát triển ở SEC, nhanh hơn vận chuyển qua eo biển Malacca.EEC là một dự án trọng điểm của chính phủ Thái Lan trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành một nước phát triển.
Kết nối Vành đai Con Đường của TQ
Thái Lan cũng đặt mục tiêu kết nối với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc để thúc đẩy cơ hội đầu tư và thương mại ở châu Á, theo Thailand Business News.
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, trong bài phát biểu trước gần 1.000 quan khách tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan-Trung Quốc 2018 rằng các mô hình đầu tư của Trung Quốc đang chuyển dịch vì kinh tế toàn cầu đang thay đổi và kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đồng thời, nhiều quốc gia ở châu Á đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn và cũng liên kết thông qua việc phát triển các dự án hậu cần và giao thông.
Chính phủ Thái Lan coi sự chuyển mình của kinh tế đất nước là ưu tiên hàng đầu, đó là lý do tại sao họ tìm cách đảm bảo một môi trường kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư, bài báo trên Thailand Business News cho hay.
Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban mới do Thủ tướng chủ trì để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong kinh doanh tại Thái Lan. Bà Duangjai Asawachintachit, Tổng thư ký Hội đồng Đầu tư (BOI), nhắc lại những quan điểm này.
Số lượng doanh nhân Trung Quốc tham gia sự kiện này là hơn 400 người, được cho là ‘vượt quá mong đợi’.
Ven bờ Đông của Vịnh Thái Lan
Bản quyền hình ảnh Yvan Cohen Image caption Nhà máy lắp ráp xe hơi ở tỉnh Rayong, cách Bangkok chỉ hai giờ đường bộ Image caption Nằm ven bờ Vịnh Thái Lan, Pattaya đã thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm
Trong lúc Việt Nam đang bàn về một số dự án như ‘đặc khu’ ở Phú Quốc thì Hành lang Kinh tế phía Đông – cách Phú Quốc chỉ 500 km – có tham vọng lớn hơn nhiều, nhằm thu hút toàn bộ các nước láng giềng cùng bên bờ Vịnh Thái Lan vào một đầu mối kinh tế.
Còn gọi là ‘Eastern Seaboard’, vùng bờ biển này chạy từ phía Nam Bangkok qua Campuchia tới tận Cà Mau, Việt Nam, đây là khu vực Thái Lan muốn khai thác, cả về du lịch, hàng hải và công nghệ chế xuất.
Ngoài ra, trong phần giới thiệu của EEC với ASEAN, dự án EEC này muốn nối với cảng Laem Chabang với Dawei của Maynamar với cảng Sihanoukville (Campuchia), Vũng Tàu (Việt Nam), biến Thái Lan thành trung tâm giao thương đường biển trong vùng Đông Nam Á.