Một số công ty Trung Quốc đang đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam và có lo ngại rằng sản phẩm gỗ Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam để vào Mỹ.
Bị áp mức thuế cao từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, gỗ Trung Quốc đang tìm cách mượn xuất xứ từ các thị trường xung quanh, trong đó có Việt Nam để né thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.
Báo Thanh niên dẫn lời ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long (Lavanto Home Décor) – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) bày tỏ nỗi lo ngại trên.
Theo ông, điều này là có cơ sở vì hiện tại có một số công ty Trung Quốc đang đầu tư vào ngành gỗ Việt.
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lo ngại nếu các doanh nghiệp Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để né thuế thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và thương hiệu của Việt Nam vào Mỹ.
Các doanh nghiệp cũng lo lắng, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn sản phẩm gỗ ở thị trường Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế sẽ đẩy mặt bằng giá của nhóm sản phẩm này tăng làm cho sức mua giảm. Nếu tốc độ tăng trưởng quá cao của sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào Mỹ có thể gây bất lợi về lâu dài vì họ có thể đặt ra các hàng rào kỹ thuật, thuế quan đến sản phẩm từ Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ lại đang chiếm tới gần 40% thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, nếu có bất kỳ sự tác động nào từ thị trường này sẽ rất nguy hiểm.
Những người trong ngành cho biết, doanh nghiệp gỗ muốn đẩy mạnh hàng xuất khẩu vào Mỹ để thế chân Trung Quốc cần tính đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện tại và cả trong những năm tiếp theo, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 20 – 30% nguyên liệu. Nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn cho Việt Nam thời gian qua là Trung Quốc.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đạt tới 363 triệu USD, tăng đến 27% so với năm trước đó. Việc sử dụng gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đồng nghĩa với nguy cơ hàng Việt Nam sẽ bị đánh thuế.
Trong khi đó, các nước cung cấp gỗ nguyên liệu lớn cho Việt Nam lại đang có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu.
Có thể thấy ngành gỗ Việt Nam đang cùng chung nỗi lo với ngành thép: bị sản phẩm của Trung Quốc mượn xuất xứ.
Hơn bất cứ ngành nào, ngành thép Việt Nam đã nếm trải cảnh lao đao vì nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến việc xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.
Tiêu biểu, vào giữa tháng 6/2018, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp Mỹ cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là “chuyển đổi đáng kể”.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, trước những quan ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tìm đường đi vòng sang Mỹ qua Việt Nam hoặc đưa vào Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.
Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nếu các nước khác đánh thuế với thép Trung Quốc và họ lại tiếp tục đánh thuế triệt để hơn nữa vào việc lẩn tránh thuế thì đó thực sự là điều đáng lo ngại.