Đặt hi vọng vào tương lai sáng sủa là điều cần thiết nhưng đi kèm với đó, nền kinh tế phải thật sự chuyển mình.
Người Trung Quốc đang chờ động thái quyết liệt tiếp theo trong tham vọng đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều khả năng, Mỹ sẽ triển khai kế hoạch áp thuế với 200 tỷ USD hàng nghìn mặt hàng nhập từ Trung Quốc, từ chiếc gậy chụp ảnh selfie cho tới thiết bị bán dẫn. Nếu điều này xảy ra, sẽ có một cơn địa chấn với nền kinh tế toàn thế giới.
Bởi lẽ, cuộc va chạm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ khiến rất nhiều quốc gia bị tác động. Tham vọng hàng Trung Quốc ở đâu, người Trung Quốc ở đó sẽ càng thêm mãnh liệt bởi nhu cầu tìm thị trường thay thế Mỹ. Đương nhiên Trung Quốc không bao giờ để mất lợi thế ‘công xưởng giá rẻ’ và có thể hình dung một cuộc xâm nhập quy mô lớn của hàng Trung Quốc trên hầu khắp các thị trường.
Quan trọng hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch mà Mỹ đang gây dựng đã đặt các nền kinh tế đang mở toang cánh cửa trong ngôi nhà chung ‘thế giới phẳng’ vào một tình thế mà họ chưa thể đoán định. Cả người Mỹ cũng chưa lường hết được hệ lụy từ những bước đi ‘vô tiền khoáng hậu’ của vị Tổng thống đương nhiệm, vì thế, danh sách nạn nhân bao gồm cả chính doanh nghiệp và người dân Mỹ. Về phần Việt Nam, khi những người khổng lồ đang nơm nớp, không lẽ gì, chúng ta không chuẩn bị những bài tính cho riêng mình.
Quả thật, từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra vào đầu tháng 7/2018, giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cân lên đặt xuống về bài toán được – mất của nền kinh tế Việt Nam trong ‘tình hình mới’. Không khó đoán, họ lo ngại về việc hàng Trung Quốc xâm nhập chèn ép thị trường.
Đặc biệt, đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã trải qua một đợt giảm giá kỷ lục trong lịch sử vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, đồng nghĩa, cường quốc này càng có thêm ưu thế xuất khẩu.
Với vị trí láng giềng và thị trường khoảng 100 triệu dân, Việt Nam là đích ngắm quá gần và doanh nghiệp Việt sẽ đối diện với khó khăn, chật vật hơn gấp bội. Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017 khiến nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc càng có cơ sở.
Hệ lụy nhãn tiền hơn nằm ở phương diện xuất khẩu. Viễn cảnh Trung Quốc cần mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mà Việt Nam đang hiện diện phải tính đến.
Chưa cần bàn tới chính sách đồng nhân dân tệ yếu, một sự đáp trả không phải vô tình chính sách thương mại của người Mỹ, năng lực và kinh nghiệm sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc đủ sức đánh bật các đối thủ mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần.
Nghiêm trọng hơn, do những mối liên hệ mật thiết không thể che giấu của nền sản xuất Việt Nam với Trung Quốc, điển hình là sản phẩm thép, Việt Nam đã và sẽ còn phải đối diện với những hành vi áp thuế chống bán phá giá trong tương lai. Mỹ đã cấm cửa thép Trung Quốc, và để hành động thực sự kiên quyết, họ không thể bỏ qua cho nhiều doanh nghiệp thép Việt nếu những doanh nghiệp này đơn thuần chỉ nhập thép Trung Quốc về gia công rồi xuất khẩu với xuất xứ Việt Nam.
Thế nhưng, nếu nhìn sâu vào bản chất những khó khăn trước mắt và lâu dài, gót chân asin của nền kinh tế Việt Nam đương nhiên không nằm ở cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Điểm cốt yếu vẫn là năng lực sản xuất của Việt Nam.
Thứ nhất, không một nền kinh tế nào có thể biện minh việc mình mất đi thị trường nhà chỉ vì… hàng xóm quá mạnh. Khi tổ chức sản xuất còn yếu kém, chúng ta quá vội ưu ái với doanh nghiệp bán lẻ FDI, không chút phòng bị trao quyền chi phối thị trường bán lẻ hiện đại và thị trường bán lẻ trên mạng vào tay những doanh nghiệp cá mập nước ngoài.
Dù vẫn ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp Việt và vẫn còn thị trường bán lẻ truyền thống, miếng bánh không dễ nuốt ngay cả với người nhà, hàng Việt chắc chắn không thênh thang tới được với người tiêu dùng Việt. Đặt trong tương quan về chất lượng và giá cả của hàng Việt so với hàngThái Lan và Nhật Bản, dù người Việt yêu hàng Việt, họ vẫn chọn sản phẩm không phải ‘made in Việt Nam’.
Thứ hai, sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam không phải chỉ xảy ra khi họ cần thị trường thay thế vì mối lo mất thị trường Mỹ. Từ cả chục năm trở lại đây, hàng Trung Quốc ồ ạt qua biên giới, từ giấy vệ sinh cho tới máy móc công nghiệp.
Việt Nam mở rộng cửa đón các luồng hàng này, vô tình làm mất động lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Điều này khó có thể thay đổi bởi những lý do không thuần túy về mặt kinh tế.
Xét từ góc độ đầu tư, làn sóng nghi ngại sản phẩm ‘made in China’ ở một số quốc gia khiến họ đầu tư sang Việt Nam như một cách thức ‘rửa nguồn xuất xứ hợp pháp’ và Việt Nam cũng không hề cảnh giác với mưu tính lồ lộ này. Chưa đến mức hàng loạt sản phẩm Việt bị đánh đồng như hàng Trung Quốc cần phải cảnh giác, điều đã xảy ra với thép và nhôm từ Việt Nam nhưng nếu điều này xảy ra, đầu tiên phải tự trách chính mình.
Đã có những tiếng nói lạc quan cho rằng, khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội với thị trường Mỹ như một bạn hàng thay thế Trung Quốc. Thêm nữa, căng thẳng về đầu tư Mỹ – Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
Theo lý luận này, đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn, bởi nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Dẫu rằng, đặt hi vọng vào tương lai sáng sủa là điều cần thiết nhưng đi kèm với đó, nền kinh tế Việt Nam phải đủ sức đón nhận cơ hội trên.
Xem chừng, điều này vẫn chưa thể thành hiện thực. Khi mọi ưu đãi đang dành cho khối doanh nghiệp nhà nước và khối đầu tư nước ngoài, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vẫn là tồn tại.
Sự hăng hái của một số đại gia vào các lĩnh vực liên quan tới công nghệ như sản xuất ô tô điện hay sản xuất điện thoại thông minh khó gặt được trái ngọt nếu vẫn là tư duy nhập linh kiện, máy móc Trung Quốc về lắp ráp và dãn nhãn Việt Nam.
Rõ ràng, chỉ bằng cách nâng cao được năng lực sản xuất, khẳng định ‘chủ quyền về kinh tế’, Việt Nam mới có cơ hội trụ vững trước các biến động không thể lường trước được của nền kinh tế thế giới. Tiếc rằng, con đường này vẫn còn rất dài và rất xa.