Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiXu thế phát triển quan hệ Nhật Bản – ASEAN và tác...

Xu thế phát triển quan hệ Nhật Bản – ASEAN và tác động đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, sự gia tăng can dự của Mỹ, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á và tham gia vào các nỗ lực của các nước nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Nhật Bản có nhiều lợi ích chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông

          Về chính trị – ngoại giao và chiến lược, Nhật Bản đang triển khai chiến lược “Hướng Nam” với việc gia tăng quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á, với mục đích làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh về quân sự. Trong nhiều thập niên đã qua, Nhật Bản thể hiện sự quan tâm tới khu vực ASEAN thông qua đường lối chính sách đối ngoại. Từ bài phát biểu ở Manila năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo đã tạo nên nền tảng học thuyết Fukuda nhấn mạnh Nhật Bản sẽ đẩy mạnh quan hệ với ASEAN dựa trên sự thấu hiểu “từ trái tim đến trái tim”. Bước sang thế kỷ 21, có thể thấy sự dịch chuyển trong nội dung chính sách ASEAN qua học thuyết của các thủ tướng Nhật Bản, định hướng quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi trong chuyến thăm các nước ASEAN đã công bố học thuyết Koizumi về xây dựng một cộng đồng mở gồm Nhật Bản, các nước ASEAN và một số đối tác khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và cả Mỹ. Thực chất của việc mở rộng này là nhằm lôi kéo các nước hạn chế vai trò chi phối của Trung Quốc trong hợp tác Đông Á. Nhật Bản muốn ASEAN và Nhật Bản là những đối tác chân thành và cởi mở, củng cố phát triển quan hệ hợp tác theo hướng cùng hành động, cùng tiến lên. Học thuyết Koizumi được cụ thể hóa qua 4 nội dung chính: Một là, Nhật Bản ủng hộ ASEAN cải cách trên các lĩnh vực chính trị, luật pháp, cơ cấu kinh tế và tài chính; tăng cường hợp tác khai thác khu vực sông Mêkông, công nghệ thông tin và các ngành nghề liên quan. Hai là, Nhật Bản tích cực hợp tác với các nước ASEAN trong mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phòng ngừa phát sinh xung đột, thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ba là, Nhật Bản đưa ra 5 ý tưởng cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong tương lai, bao gồm: hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; lấy năm 2003 là năm giao lưu Nhật Bản – ASEAN; tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện; triệu tập Hội nghị Phát triển quốc tế Đông Á (IDEA) và tăng cường hợp tác an ninh. Bốn là, Chính phủ của Thủ tướng Koizumi đặc biệt thể hiện sự quan tâm đến tiến trình liên kết khu vực Đông Á thông qua việc đề ra ý tưởng xây dựng “Một cộng đồng Đông Á cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển”. Theo ông: “Quá khứ của chúng ta có thể khác nhau nhưng tương lai của chúng ta có thể thống nhất và hỗ trợ cho nhau”, vì vậy “cần phải mở rộng Hợp tác Đông Á dựa trên quan hệ Nhật Bản – ASEAN” trong đó “bước đầu tiên là phải tranh thủ tối đa khuôn khổ ASEAN+3”. Học thuyết Koizumi là sự phát triển ý tưởng học thuyết Fukuda nhằm thích ứng với tình hình mới và tạo hình ảnh Nhật Bản là đối tác quan trọng của Đông Nam Á, cạnh tranh với việc Trung Quốc ký với ASEAN thỏa thuận thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Tháng 5/2008, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, con trai của Thủ tướng Takeo Fukuda kế thừa quan điểm học thuyết Fukuda (1977) đã công bố “Học thuyết Fukuda II” tại Hội nghị “Tương lai châu Á” tại Singapore, trong đó chỉ ra những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Nam Á: Một là, Nhật Bản tiếp tục duy trì Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ. Hai là, Nhật Bản mong muốn hợp tác với các nước ASEAN trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác đối phó thảm họa. Ba là, với mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á, đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bốn là, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thúc đẩy hòa bình, hình thành và củng cố cơ sở hạ tầng cho việc hợp tác tri thức và giáo dục, đấu tranh với những vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tăng cường giao lưu con người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau khi trở lại cầm quyền lần thứ hai vào cuối năm 2012, Thủ tướng Abe rất coi trọng khu vực Đông Nam Á khi ông thăm tất cả 10 nước ASEAN ngay trong năm 2013. Thủ tướng Shinzo Abe đã đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản của quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN: Một là, cùng các nước ASEAN xây dựng và mở rộng các giá trị phổ quát, như quyền cơ bản của con người, chủ nghĩa dân chủ, tự do. Hai là, cùng các nước ASEAN bảo vệ vùng biển mở và tự do, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật chứ không phải bằng vũ lực, đồng thời hoan nghênh sự chú trọng châu Á của Mỹ. Ba là, tích cực thúc đẩy đầu tư thương mại như dịch vụ, nguồn nhân lực, qua mạng lưới liên kết kinh tế đa dạng, thúc đẩy phục hồi kinh tế Nhật Bản, xây dựng sự thịnh vượng chung với ASEAN. Bốn là, cùng ASEAN nuôi dưỡng và gìn giữ truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á. Năm là, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, giao lưu văn hóa của thế hệ tương lai.

          Về kinh tế, Nhật Bản đang tìm kiếm thị trường mới trong lúc đang lún vào suy thoái kinh tế thế giới và quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Đông Nam Á cũng là khu vực có tiềm năng và sự phát triển sôi động. Do vị trí địa lý nằm án ngữ trên con đường hàng hải nối liền giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Các nước ASEAN cũng rất khác nhau về hệ thống chính trị và những hoàn cảnh chiến lược, nhưng khu vực này đã được hưởng lợi nhiều từ cơ hội phát triển và 30 năm tương đối hòa bình. Nếu 10 nền kinh tế ASEAN gộp lại với nhau, với tổng dân số trên 600 triệu người, khu vực này sẽ có GDP là 3.076 tỉ USD và lớn hơn quy mô kinh tế của nước Đức. Đặc biệt hiện nay ASEAN đang tìm kiếm đối tác để phát triển cộng đồng kinh tế toàn diện thông qua việc cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Biển Đông có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật Bản. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz). Nạn cướp biển và khủng bố trên Biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10 năm 2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông.

          Về an ninh, Nhật Bản có nhiều lợi ích, trong đó có đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải khu vực cho đến hợp tác buôn bán thiết bị, phương tiện vũ khí. Hiện cả Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Việc gia tăng quan hệ với các nước sẽ giúp Nhật Bản tăng vị thế và vai trò ở khu vực. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suzê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Việc Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.

          Xu thế phát triển quan hệ Nhật Bản – ASEAN và sự tham gia của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông

          Thứ nhất, Nhật Bản và ASEAN sẽ tăng cường hợp tác trên cả phương diện song phương và đa phương. Nhật Bản tương đối thành công trong việc tiếp cận về mặt kinh tế với nước ASEAN và đang có xu hướng tăng cường hỗ trợ an ninh cho khu vực này. Có thế nói hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và ASEAN ngày càng hiệu quả. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (01/2017), lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, trong có nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Nhật Bản đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, hỗ trợ nâng cao năng lực của cảnh sát biển Việt Nam. Trong chuyến thăm Philippines (01/2017), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cung cấp cho Philippines vốn ODA và các khoản đầu tư vào Philippines trị giá 8,7 tỉ USD trong 5 năm, cùng những hỗ trợ về an ninh hàng hải, trong đó 5 triệu USD giúp Philippines mua tàu tuần duyên và các khí tài giúp chống khủng bố. Nhật Bản cũng sẽ sớm cho Philippines mượn các máy bay huấn luyện và 10 tàu tuần duyên. Trong khi tăng cường quan hệ với ASEAN, Nhật Bản cũng chú trọng mở rộng hợp tác với các nước như Mỹ, Ấn Độ và EU tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington ngày 15/9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomoni Inada cho biết Nhật Bản sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông thông qua việc tuần tra chung với Mỹ và tập trận song phương, đa phương với các nước trong khu vực.

          Thứ hai, Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế với ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và ODA. Theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho thấy khoảng 56% công ty nước này muốn mở rộng hoạt động sang Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines trong giai đoạn 2017-2020. So sánh với thị trường Trung Quốc, ASEAN có ưu thế hơn như nhân công rẻ, tài nguyên nhiên liệu, năng lượng phong phú, tỉ lệ tự do hóa thương mại cao, chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các nước khu vực Đông Nam Á.

          Thứ ba, trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước trong ASEAN, nhất các đối tác như Việt Nam, Philippines. Nhật Bản sẽ duy trì và củng cố vai trò của mình trong khu vực này. Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là hướng tới Ấn Độ Dương, trong đó khu vực Biển Đông được coi là nhân tố then chốt. Đô đốc Nhật Bản Tomohisa Takei, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản (MSDF) cho rằng Trung Quốc đang gia tăng quá trình cải tạo các rặng san hô ở quần đảo Trường Sa mặc dù các nước láng giềng phản đối. Cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn, toàn bộ Biển Đông sẽ bị Trung Quốc kiểm soát. Vừa qua Nhật Bản đã triển khai 3 tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương từ ngày 26/9 đến cuối tháng 10. Ba chiến hạm nói trên, bao gồm tàu khu trục chở máy bay trực thăng Kaga đang neo đậu tại căn cứ Kure của MSDF ở tỉnh Hiroshima, sẽ viếng thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines. Tờ Japan Times (Nhật Bản) mới đây dẫn nguồn tin chính phủ tuyên bố việc triển khai 3 tàu khu trục nói trên nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe, vốn nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Gần đây nhất hôm 17/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã triển khai 01 tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tham gia cuộc tập trận hải quân lần đầu tiên ở Biển Đông. Theo Reuters, tàu ngầm Kuroshio của MSDF đã tham gia cuộc tập trận hải quân cùng với các tàu chiến khác, bao gồm tàu ​​sân bay trực thăng Kaga hôm 13/9.

          Kết luận: Trong tương lai, hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN tiếp tục được cả hai bên thúc đẩy và là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc khu vực của Đông Á nói chung. Nhật Bản sẽ đẩy mạnh can dự nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ASEAN, chú trọng vào lĩnh vực chính trị – an ninh bên cạnh lĩnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội, văn hoá. Trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực và là một nhân tố được các nước lựa chọn để cân bằng ảnh hưởng và hạn chế sự chi phối của Trung Quốc. Ngược lại, Nhật Bản sẽ tích cực tìm kiếm và thúc đẩy sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Những điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại và tìm cách đối phó.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới