Ngày 15/6/1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và ban hành Quy định về hệ thống đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải, bao gồm quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Theo tuyên bố của Trung Quốc, đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa gồm 28 điểm nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo. Với tuyên bố đường cơ sở này, Trung Quốc đã đơn phương mở rộng lãnh hải (phi pháp) gấp 7 lần từ 370.000 km2 lên 3 triệu km2, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Một phần đường cơ sở thẳng của Trung Quốc
Đường cơ sở thẳng trong luật quốc tế:
“Đường cơ sở” là một trong những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong luật biển quốc tế. Các quốc gia ven biển sử dụng đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của mình, từ đó xác định giới hạn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia tại các vùng biển khác. Có hai loại đường cơ sở được áp dụng trong luật quốc tế là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Thông thường, đường cơ sở là đường ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển được các quốc gia ven biển chính thức công nhận. Trong một số trường hợp đặc biệt, theo Điều 7, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), quốc gia ven biển có thể áp dụng phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng gồm các đoạn thẳng nối các điểm thích hợp, hoặc kết hợp đồng thời cả hai phương pháp để xác định phạm vi các vùng biển của mình. Hiện có 85 quốc gia đã vẽ đường cơ sở thẳng để đo chiều rộng lãnh hải, 7 quốc gia khác tuy chưa vẽ nhưng đã đưa chính sách đường cơ sở thẳng vào nội luật.
Theo Điều 7, khoản 1, UNCLOS, có hai điều kiện cơ bản về mặt địa lý cần tính đến khi xem xét khả năng áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng: (1) Bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm. Tuy nhiên, UNCLOS không đưa ra một giải thích chính xác nào cho cụm từ “khoét sâu” và “lồi lõm” khiến các nước diễn giả và vận dụng một cách không nhất quán. (2) Có một chuỗi đảo sát ngay sát và chạy dọc theo bờ biển. Quy định này hàm ý ba tiêu chí khác nhau nhưng trong cùng một thể thống nhất: số lượng đảo tạo thành chuỗi, chuỗi chạy dọc theo bờ biển và độ gần kề của chuỗi đảo so với bờ biển. (3) Bên cạnh hai trường hợp đặc biệt về địa lý kể trên, Điều 7, khoản 2 UNCLOS cho phép áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng tại một số khu vực mà bờ biển rất không ổn định do có sự xuất hiện của một vùng châu thổ hoặc các điều kiện tự nhiên khác.
Điều 7, khoản 5 UNCLOS quy định rằng khi một trong các tiêu chí nêu ở khoản 1 được đáp ứng, lợi ích kinh tế của quốc gia ven biển có thể được tính đến khi xây dựng đường cơ sở thẳng. Lợi ích kinh tế có liên quan nhất là những lợi ích gắn với hoạt động đánh bắt cá của ngư dân địa phương. Liên quan đến mối quan hệ gắn bó giữa lợi ích kinh tế với đời sống của khu vực đang được xem xét, luật pháp quốc tế yêu cầu quốc gia ven biển phải có bằng chứng rõ ràng về quá trình khai thác và sử dụng lâu dài, chứng minh tính thực tiễn và tầm quan trọng của các hoạt động kinh tế đó. Tầm quan trọng ở đây phải được hiểu là nhu cầu thiết yếu của ngư dân khu vực ven biển. Thêm nữa, các hoạt động kinh tế liên quan đến đường cơ sở thẳng phải được thực hiện một cách liên tục, hòa bình, không bị các nước khác phản đối. Những lợi ích kinh tế này chỉ được xem xét khi xác định một số đoạn đường cơ sở nhất định, chứ không phải đối với toàn bộ hệ thống đường cơ sở.
Luật quốc tế nghiêm cấm quốc gia ven biển áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng nếu việc đó dẫn đến hậu quả là lãnh hải của một quốc gia khác bị chia cắt khỏi biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế. Quy định này nhằm đảm bảo quyền tự do qua lại của các quốc gia liên quan trong khu vực. Ngoài ra, đường cơ sở thẳng có thể coi là chấp nhận được nếu nó đáp ứng được điều kiện đề ra tại Điều 7, khoản 3 của UNCLOS. Theo đó, đường cơ sở phải đi theo hướng chung của bờ biển và vùng nước phía bên trong đường cơ sở phải gắn với đất liền đủ đến mức có thể đặt dưới chế độ nội thủy.
Điều 8 của UNCLOS và khoản 3 của Điều 7 quy định vùng nước phía bên trong đường cơ sở thẳng được đặt dưới chế độ nội thủy. Nếu đường cơ sở thẳng đi quá xa so với hướng chung của bờ biển, hoặc điểm cơ sở được chọn nằm giữa biển, vùng biển phía trong đường cơ sở sẽ được mở rộng. Khi đó, yêu cầu về tính “gắn kết chặt chẽ với đất liền” sẽ không được đảm bảo.
Điều 7, khoản 4, UNCLOS quy định rõ ràng rằng đường cơ sở thẳng chỉ được vẽ từ bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong hai trường hợp: có ngọn hải đăng hoặc các công trình khác tương tự được xây dựng và luôn nổi trên mặt biển, hoặc đường cơ sở đó đã nhận được sự công nhận quốc tế rộng rãi. Những bãi cạn nửa nổi nửa chìm phục vụ cho mục đích này phải nằm hoàn toàn hoặc một phần trong phạm vi lãnh hải.
Cuối cùng, sau khi hệ thống đường cơ sở thẳng được xây dựng xong, quốc gia ven biển sẽ phải công khai rộng rãi hệ thống này nếu họ muốn nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Điều 4, khoản 6, Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1958 và Điều 16 UNCLOS đều yêu cầu quốc gia ven biển phải công bố một cách hợp lý các đường cơ sở thẳng thể hiện trên các hải đồ. Điều 16 UNCLOS quy định thêm rằng các đường cơ sở phải được thể hiện trên các hải đồ hoặc phải nêu tọa độ địa lý các điểm cơ sở, những thông tin như vậy phải được gửi lưu chiểu tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Theo đó, khi mà quốc gia ven biển chưa nộp lưu chiểu các hải đồ, tọa độ liên quan, bất kể đường cơ sở thẳng của họ đáp ứng các điều kiện đề ra trong Điều 7 hay không, các đường cơ sở thẳng này vẫn vô giá trị.
Một số văn bản pháp quy của Trung Quốc liên quan phân định biển
Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các biển đảo, cụ thể: Tuyên bố ngày 04/9/1958 của Chính Phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải; Quy định về đường cơ sở trong Luật về Lãnh hải và tiếp giáp Lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 25/02/1992; Tuyên bố của Chính Phủ Trung Quốc về đường cơ sở của Lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 15/5/1996; Quyết định của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc chấp thuận công ước của LHQ về Luật biển 1982; Quy định của Trung Quốc về phương pháp xác định đường cơ sở và quy định về chiều rộng lãnh hải theo Tuyên bố năm 1958 và Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 về cơ bản là phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 như quy định về lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý tính từ đường cơ sở của lãnh hải; đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải là đường cơ sở thẳng…
Đường cơ sở thẳng của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật quốc tế, còn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng phương pháp nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, các bãi nửa nổi nửa chìm ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa để tạo thành đường cơ sở, cho thấy Bắc Kinh đã áp dụng phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo chỉ quy định cho các quốc gia quần đảo (Điều 47 của UNCLOS) để vạch đường cơ sở cho các quần đảo xa bờ. Điều 47 quy định: quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nửa nổi nửa chìm của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Diện tích mà hệ đường cơ sở này của Trung Quốc bao lấy là một khu vực rộng 17.000 km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10 km2. Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà TQ sử dụng ở đây đều không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng. Các đảo này lại cách xa nhau quá 24 hải lý, không có lý do gì có thể nối các đoạn đường cơ sở như vậy. Do vậy bất kỳ một vùng biển nào mà TQ tuyên bố bao quanh vùng biển của các mỏm đá, bãi san hô này về mặt kỹ thuật đều trái với các quy định của UNCLOS.
Thứ hai, nếu lập luận rằng đường cơ sở Trung Quốc áp dụng là đường cơ sở thẳng, cơ sở để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7 của UNCLOS là bờ biển khúc khuỷu, khoét sâu, lồi lõm, có chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc ven bờ. Các cấu trúc địa lý của các nhóm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa không hội tụ đủ các điều kiện để vẽ đường cơ sở thẳng bao toàn bộ các thực thể như vậy. Khi đánh giá về đường cơ sở của Hoàng Sa do Trung Quốc công bố vào năm 1996, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định nhiều khu vực của Hoàng Sa không đủ điều kiện vẽ đường cơ sở thẳng mà phải áp dụng đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất. Tại Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Tòa Trọng tài đã khẳng định việc vẽ đường cơ sở thẳng bao trùm toàn bộ các cấu trúc địa lý của Hoàng Sa là không phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Thứ ba, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định đã phát hiện, đặt tên cho các cấu trúc tại Biển Đông từ thời kỳ cổ đại nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc với các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc không có sự hiện diện tại Hoàng Sa cho tới năm 1956 và 1974. Năm 1956, Trung Quốc có được sự kiểm soát với nhóm đảo An Vĩnh của Hoàng Sa là do Đài Loan chuyển giao. Tuy nhiên, việc kiểm soát của Đài Loan với nhóm đảo này không hợp pháp do dựa vào sự ủy quyền giải giáp quân Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trái với nghĩa vụ của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thiết lập sự kiểm soát với nhóm đảo Lưỡi Liềm. Tại Trường Sa, Trung Quốc cũng chỉ thiết lập sự kiểm soát với một số cấu trúc dựa trên hai lần sử dụng vũ lực trái với quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và tập quán quốc tế vào năm 1988 và 1995 với Việt Nam và Philippines. Dựa trên những cơ sở không có căn cứ pháp lý, việc chiếm đóng thực tế không tạo ra danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ tư, việc Trung Quốc sử dụng đường cơ sở thẳng bao quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa còn đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải của thế giới. Nếu như cho các đảo của Hoàng Sa được hưởng vùng lãnh hải theo UNCLOS thì phạm vi của sự tự do hàng hải của tàu bè thế giới sẽ nhiều hơn rất nhiều so với khi vẽ đường cơ sở cho Hoàng Sa.
Thứ năm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam phần lớn là rất nhiều đảo bé gồm đảo đá, bãi cạn, rạn san hô tạo thành một quần đảo. Các đảo nằm ở vùng khí hậu điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt nên không thích hợp cho con người ở và càng không có đời sống kinh tế. Theo Điều 121 của UNCLOS, các đảo trên chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý.
Thứ sáu, việc yêu sách vùng lãnh hải lịch sử của Trung Quốc cũng thiếu cơ sở pháp lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tổng hợp các khả năng yêu sách danh nghĩa lịch sử của một quốc gia bao gồm vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử và quyền lịch sử. Trung Quốc không yêu sách các danh nghĩa lịch sử này mà lại đưa ra yêu sách lãnh hải lịch sử, một khái niệm chưa có tiền lệ trong luật quốc tế.
Cộng đồng quốc tế không chấp nhận đường cơ sở thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông:
Ngay sau khi Trung Quốc nộp báo cáo đệ trình phương pháp xác định đường cơ sở đối với khu vực Biển Đông, các nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Việt Nam, Malaysia, Philippines…) và các nước có lợi ích ở Biển Đông (Mỹ, Nhật Bản…) đều đưa ra các tuyên bố bác bỏ đường cơ sở thẳng của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh xác định một cách tùy tiện các điểm cơ sở và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia khác khi vẽ đường cơ sở ở Biển Đông.
Nhiều nước cũng có các hoạt động cụ thể nhằm thể hiện thái độ và hành động bác bỏ đường cơ sở thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ liên tục cử các tàu chiến tiền hành áp sát, tuần tra xung quanh khu vực 12 hải lý ở các đảo, đá nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tàu khu trục mang tên lửa USS Chafee của hải quân Mỹ (10/2017) đã tiến hành một hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế khu vực quần đảo Hoàng. USS Chafee không tiến vào 12 hải lý của bất kỳ hòn đảo nào ở Hoàng Sa, mà chọc thẳng vào cái gọi là “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc tuyên bố (năm 1996) bao lấy quần đảo này.
Comments are closed.