Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc lẽ ra có thể tránh được đối đầu với Mỹ nếu không quá quyết liệt trong việc gia tăng ảnh hưởng.
40 năm trước, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đứng cạnh nhau mỉm cười khi ban nhạc chơi khúc nhạc “Tìm hiểu bạn” tại Trung tâm Kennedy, báo hiệu một kỷ nguyên mới hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.
Trong 40 năm sau đó, Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất thế giới và hợp tác trong các vấn đề như an ninh khu vực, chống khủng bố và biến đổi khí hậu. Với chính sách được áp dụng từ thời ông Đặng, Trung Quốc đóng vai trò đối tác yếu thế hơn, tránh đối đầu với Mỹ, theo NYTimes.
Tuy nhiên, điều này giờ đã thay đổi. Mỹ từ hôm nay đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để gây sức ép khiến Trung Quốc thay đổi các thủ tục thương mại mà Mỹ cho là thiếu công bằng. Trung Quốc đã hủy không chỉ các cuộc đàm phán thương mại được lên kế hoạch ở Washington mà còn các cuộc đàm phán quân sự dự kiến bắt đầu vào ngày 25/9. Động thái này nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt Mỹ áp dụng vào tuần trước với đơn vị Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và thiết bị tên lửa từ Nga.
Khi mâu thuẫn và sự cạnh tranh với Mỹ đang gia tăng, mối lo ở Bắc Kinh hiện là cách công chúng Trung Quốc, vốn quen với nền kinh tế mở rộng nhanh chóng, sẽ đối mặt với cuộc chiến thương mại như thế nào.
Chính phủ Trung Quốc tìm cách xoa dịu lo âu trong công chúng và thúc đẩy sự tự tin. “Có thể tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 1%. Chúng ta chấp nhận được điều đó. Đây không phải là điều khủng khiếp đối với chúng ta”, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, nói. Ông bình luận thêm rằng Washington sẽ sớm nhận ra các nhà sản xuất điện thoại di động và ôtô của họ không thể tồn tại mà không có khách hàng Trung Quốc.
“Miễn là thị trường của chúng ta tiếp tục phát triển, Trung Quốc sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại”, ông nói.
Charles S. Y. Liu, nhà đầu tư cổ phần tư nhân, nói rằng người dân Trung Quốc sẵn sàng chịu đựng một cuộc xung đột thương mại kéo dài. “Người Trung Quốc giỏi ‘chịu đòn’ hơn vì chúng tôi đã nghèo quá lâu”, ông nói. “Chúng tôi mới chỉ thịnh vượng trong thập niên qua”.
Yan Xuetong, trưởng Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ quay trở lại tình trạng trì trệ và bị cô lập như trong thời kỳ Mao Trạch Đông. “Khi Trump áp dụng chiến lược bảo hộ, Trung Quốc nên mở cửa và buộc các doanh nghiệp nhà nước cải cách. Nhưng chả ai phản ứng với lời tôi nói. Không ai nghe tôi”.
Một số người lập luận rằng Trung Quốc lẽ ra có thể tránh được đối đầu với Mỹ nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục chính sách “náu mình chờ thời” mà ông Đặng Tiểu Bình đã đặt ra.
Thay vào đó, ông Tập đã công khai hai chương trình tham vọng: kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu được gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường và nỗ lực chiếm thế áp đảo trong các ngành công nghiệp tiên tiến được gọi là Made in China 2025. Cả hai đều bị chính quyền Trump chỉ trích.
“Có thể làm điều tương tự nhưng không cần kiêu ngạo như vậy”, Yun Sun, một nhà phân tích tại Trung tâm Stimson ở Washington, đánh giá. “Tôi tin rằng những người hoạch định chính sách ở Trung Quốc muốn thấy nhiều hành động hơn và quyết đoán hơn nhưng ông Tập đã đi quá xa”.
Giáo sư kinh tế về hưu Sun Wenguang chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường, lập luận rằng thật vô lý khi chi nhiều tiền ở các nước khác trong khi Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề trong nước. “Một số người quá nghèo nên không có tiền chữa bệnh, một số người không có lương hưu và một số không có điều kiện để đi học”, giáo sư Sun nói hồi tháng trước. “Nếu giới lãnh đạo vẫn chọn đi bơm tiền cho các nước khác thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong nước”.
Lời chỉ trích của giáo sư Sun phản ánh mối lo ngại ở Trung Quốc về nỗ lực “tấn công quyến rũ” của chính phủ nước này với các nước khác. Đây là chủ đề quan trọng vì Mỹ từ lâu đã coi các liên minh như chìa khóa cho sức mạnh quốc gia nói chung và khả năng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á nói riêng.
Trung Quốc có những lợi thế đáng kể trong khu vực. Họ là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết quốc gia ở châu Á trong khi các chính sách của Trump có thể khiến đồng mình phật lòng. Ngay cả Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, cũng đang xích lại gần Trung Quốc hơn khi Trump đe dọa áp thuế với nước này. Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến đến Bắc Kinh vào tháng tới, đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo Nhật kể từ năm 2011. Đây được coi là động thái phản ánh mối quan hệ ấm lên.
Nhưng một số người cho rằng Trung Quốc không tận dụng được cơ hội này mà lại làm láng giềng lo lắng khi quá quyết liệt trong việc gia tăng ảnh hưởng. Họ đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội ở một số nước vì các dự án Vành đai và Con đường đã khiến chính phủ nước đó lâm vào cảnh nợ nần, tạo ra ít việc làm cho dân địa phương hay gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người cũng cảnh báo về khả năng Trung Quốc can thiệp vào chính trị của các quốc gia nhỏ hơn.
“Tôi nhớ lại một chủ đề được tranh luận sôi nổi trên mạng bởi những người dùng Internet trẻ: Ai thực sự là đối thủ của Trung Quốc? Có phải nước Mỹ không? Nhật Bản? Nga?”, Luo Jianbo, người đứng đầu Trung tâm Chính sách Đối ngoại Trung Quốc, viết. “Nếu chúng ta bình tĩnh suy nghĩ, câu trả lời có lẽ không nằm trong số đó. Đối thủ của Trung Quốc là chính chúng ta”.
Giới tinh hoa chính trị Trung Quốc bất ngờ khi quan hệ hai bên xấu đi quá nhanh chóng. “Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi Trump thực hiện các biện pháp gay gắt như vậy”, Hồ Tích Tiến nói về biện pháp áp thuế của Trump. “Ban đầu tôi nghĩ đó là câu nói đùa, nhưng hóa ra đó lại là chính sách thực sự”.
Mặc dù Bắc Kinh dành rất nhiều nguồn lực để nghiên cứu Mỹ, họ dường như không hiểu rằng tinh thần chống Trung Quốc tồn tại ở cả hai chính đảng và vượt ra ngoài vấn đề thương mại, cây bút Jane Perlez của NYTimes nhận xét. Nhiều lãnh đạo kinh doanh từng muốn quan hệ tốt hơn với Trung Quốc giờ đây ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn chống lại họ.
Teng Jianqun, giám đốc nghiên cứu Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói rằng chính phủ cần chấp nhận thực tế mới và nói với công chúng Trung Quốc rằng cuộc đối đầu sắp tới chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến lâu dài.
“Chúng ta cần để mọi người biết rõ rằng cuộc chiến thương mại này không phải là một cuộc cạnh tranh ngắn hạn”, ông nói, “mà là cuộc đối đầu sẽ quyết định tương lai của Trung Quốc”.