Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLo xung đột Mỹ-Trung đẩy vốn ô nhiễm sang Việt Nam

Lo xung đột Mỹ-Trung đẩy vốn ô nhiễm sang Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch vốn ô nhiễm, công nghệ rác thải, kỹ thuật lạc hậu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế.

Hiện tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung vẫn chưa ảnh hưởng rõ rệt tới Việt Nam, nhưng về dài hạn sẽ tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước.

Bên cạnh những tác động đến xuất khẩu, xung đột Mỹ trung cũng đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước khác. Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc nên có thể dòng đầu tư này sẽ chuyển dịch sang nước ta.

“Điểm bất lợi ở đây chính là những dự án đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm… tràn sang Việt Nam.

Vấn đề vốn ô nhiễm (vốn đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm) và công nghệ rác thải, kỹ thuật lạc hậu… từ Trung Quốc đã được cảnh báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc tăng khả năng các dự án trên phá sản và buộc chuyển dịch sang nước thứ ba”, ông Nguyễn Bích Lâm bày tỏ lo ngại trên báo VnExpress.

Nhấn mạnh Việt Nam phải gạn lọc, phát huy cơ hội, hạn chế rủi ro, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn ví dụ: Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 9 tháng qua số lượng dự án tăng lên nhưng đã bắt đầu xuất hiện dự án quy mô vốn nhỏ dưới 1 triệu USD.

Với số dự án này cần rà soát, sàng lọc kỹ để gạt dự án công nghệ thấp, ảnh hưởng môi trường, chất lượng sản phẩm kém… đổ vào Việt Nam.

“Thời điểm này chúng ta cần sàng lọc thu hút đầu tư nước ngoài chứ không phải thu hút bằng mọi giá như cách đây 30 năm. Làm được như vậy cũng sẽ ngăn được việc các nước bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại này lợi dụng và tận dụng Việt Nam như bến đỗ của mình”, ông Lâm lưu ý.

Cũng từng chia sẻ quan điểm về nỗi lo Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường sang Việt Nam khi xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng, tiếp nhận doanh nghiệp nào vào đầu tư là quyền của Việt Nam. Nếu để đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm sẽ thuộc các bộ, ngành, địa phương.

“Luồng vốn đầu tư nước ngoài chạy khắp nơi trên thế giới, nơi nào thuận tiện, nhà đầu tư sẽ vào. Khi khó khăn, họ sẽ rút ra rất nhanh. Đây là quy luật làm ăn trên kinh tế thị trường. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn lợi nhuận cao nhất, vấn đề là luật pháp của chúng ta chặt chẽ.

Ở chiều khác, nếu ta đặt ra tiêu chuẩn cao quá, doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể đáp ứng được. Chẳng hạn như khí thải ôtô, chúng ta chưa thể áp dụng tiêu chuẩn Euro 5,6 vì nếu không, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ôtô của Việt Nam sẽ phá sản và ngành ôtô Việt Nam không thể phát triển. Vì vậy, ở mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước, chúng ta sẽ có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp”, ông Khôi cho biết.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới