Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã không còn được ưa chuộng mà thay bằng định hướng “làm nên công tích”. Trong bối cảnh đó, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn và thu được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông vẫn là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Cơ sở lý luận của chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc
Ngoại giao Trung Quốc thường được đặt tên là ngoại giao thực dụng, khác với ngoại giao bá quyền của Mỹ hay ngoại giao cân bằng nước lớn của ASEAN. Cơ sở lý luận cho chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay là sự áp dụng vào thực tiễn lý thuyết của các trường phái quan hệ quốc tế, trong đó chú trọng đến lợi ích quốc gia, thực lực quốc gia; hòa bình hợp tác cùng phát triển; chú trọng đến bản sắc quốc gia, quảng bá “sức mạnh mềm”… Sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay là do vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới ngày càng có trọng lượng, kết quả của sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ sau hơn 30 năm cải cách mang lại.
Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc là chính sách rất thực tiễn, ở từng giai đoạn, cùng với tình hình phát triển của chính trị quốc tế và sự phát triển nội tại của Trung Quốc. Chính sách đó là sự kế thừa chính sách ngoại giao toàn phương vị, ngoại giao “ẩn mình chờ thời cơ” của Đặng Tiểu Bình, lý luận đa cực hóa, đa phương hóa của Giang Trạch Dân, chính sách “phát triển hòa bình” của Hồ Cẩm Đào và hiện nay là “quan hệ kiểu mới” của Tập Cận Bình. Trên tế những năm gần đây đặc biệt trong quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung Quốc-ASEAN; hay từ việc giải quyết các vấn đề chính trị nội tại như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay qua các hoạt động thể thao, kinh tế…chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc được thực hiện ngày càng chủ động, tích cực và uyển chuyển. Các điểm chính trong chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc tập trung vào: Tạo lập và duy trì môi trường láng giềng tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc; ổn định, cải thiện và phát triển quan hệ với các nước lớn có vị trí then chốt; phát triển quan hệ với các nước đang phát triển; thực hiện ngoại giao đa phương; tăng cường “sức mạnh mềm” của Trung Quốc…
Chính sách ngoại giao láng giềng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra mục tiêu phát triển trong tương lai là thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” và thực hiện chủ trương “quan hệ kiểu mới” trong hoạt động đối ngoại. Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có một số điểm chính: (1) Đối với Nhật Bản, quan niệm này cho rằng Trung Quốc cần hành xử như một đại cường, đòi Nhật Bản phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương và trong địa chính trị khu vực. Việc lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông là một trong những biện pháp nhằm tạo sức ép liên tục và gây cảm giác cô lập cho Nhật Bản. (2) Đối với Triều Tiên, ông Tập Cận Bình không muốn duy trì “quan hệ đặc biệt” trong quá khứ mà thay vào đó bằng quan hệ “bình thường” giữa nhà nước với nhau. (3) Đối với các nước ASEAN, ông Tập Cận Bình gọi quan hệ với các nước Đông Nam Á “như môi với răng”. Ông hứa hẹn sẵn sàng cùng với các nước ASEAN bàn thảo việc ký kết Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc cũng hy vọng đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ lên tới 1.000 tỷ USD.
Để thực hiện chính sách ngoại giao của minh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một số điều chỉnh chính sách: (1) Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 ngày 5/3/2015, Trung Quốc đã đưa ra tiêu đề điều chỉnh ngoại giao mới: “Đẩy mạnh điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, thúc đẩy triển khai chiến lược “một vành đai, một con đường”, nội dung đã nêu rõ: “Đi sâu đối thoại chiến lược và hợp tác thực chất với các nước lớn, xây dựng khung quan hệ nước lớn lành mạnh, ổn định. Thúc đẩy toàn diện ngoại giao láng giềng mở rộng, xây dựng “cộng đồng vận mệnh láng giềng mở rộng”. (2) Trung Quốc đưa ra sáng kiến mới kết nối Đông – Tây, Á – Âu – Phi bằng chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBAOR), xây dựng Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Ý tưởng đầu tiên được Tập Cận Bình (7/9/2013) đề ra chiến lược cùng nhau xây dựng “vành đai kinh tế, con đường tơ lụa” (NSR). Sau đó Tập Cận Bình (3/10/2013) đề xuất trước Quốc Hội Indonesia rằng Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21” (MSR). Tại Hội nghị APEC 2014, Trung Quốc chính thức gộp chung NSR và MSR được gọi là chiến lược “Một vành đài, Một con đường” (OBAOR). Mục tiêu Trung Quốc xây dựng chiến lược OBAOR là: Chủ động đề xuất mới với tư duy nước lớn, vai trò nước lớn, khát khao thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, xây dựng TQ là trung tâm địa chính trị – kinh tế toàn cầu, độc chiếm Biển Đông, thực hiện “Đường lưỡi bò”; Chống lại “chiến lược xoay trục” của Mỹ, đối trọng với TPP và TTIP của Mỹ, do Mỹ chi phối, lấylạivị trí lãnh đạo số 1 thế giới từ tay Mỹ; Tận dụng yếu tố lịch sử, hơn 2100 năm trước, Trung Quốc khởi xướng con đường tơ lụa để khuếch trương thanh thế, mở rộng lợi ích của mình nhằm phá thế cô đơn, gia tăng ảnh hưởng ra khu vực, thế giới.
Quan hệ Trung Quốc- ASEAN những năm gần đây
Trong bối cảnh hiện nay, duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng chiếm vị trí thứ hai trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Đông Nam Á là nơi tiếp giáp của ba châu lục: châu Á, châu Phi và châu Đại Dương và là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài vị trí là điểm trung chuyển quan trọng của hai đại dương và ba châu lục, Đông Nam Á còn là một trong những khu vực có kinh tế phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng của thế giới. Vì thế, đối với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, xét về mặt địa-kinh tế có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là nơi tập trung các đường ống dẫn dầu lớn từ Trung Đông cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là nơi có tài nguyên biển phong phú và các mỏ dầu mới bắt đầu được khai thác có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Xét về mặt địa-chính trị, Trung Quốc có quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục có cơ hội phát triển, trở thành nước lớn có ảnh hưởng tích cực trong nền sản xuất thế giới; đồng thời thông qua ASEAN, Trung Quốc có thể phát huy thế mạnh và vai trò, ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Xuất phát từ mục tiêu chiến lược đề ra, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN có một số điểm chính sau: (1) Thi hành chính sách láng giềng thân thiện (xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tin cậy; mở rộng điểm đồng, tăng cường hợp tác; thúc đẩy đoàn kết, cùng nhau phát triển) góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. (2) Đối với các vấn đề hợp tác chung, Trung Quốc sẽ xử sự với ASEAN như một thực thể thống nhất, không chấp nhận những ưu tiên cá biệt nhằm lợi dụng sự khác biệt giữa các nước ASEAN với nhau, để tự ASEAN giải quyết những mâu thuẫn đó. (3) Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, giải quyết các điểm nóng trong khu vực. Thực hiện chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn tại khu vực. (4) Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng, phát huy sức mạnh mềm để ràng buộc các nước ASEAN về kinh tế và chính trị, tăng cường sức mạnh và sự có mặt về quân sự ở khu vực, không để các nước ASEAN liên kết với nhau chống lại Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông là một trong những thách thức đối với chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc
Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước và thềm lục địa ở Biển Đông. Trong đó, Việt Nam có đầy đủ các cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên quy tắc thềm lục địa, vị trí địa lý và cơ sở lịch sử. Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 ghi rõ các nước ven biển có quyền tuyên bố chủ quyền trong 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Liên quan đến vấn đề này, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đây là văn bản chính trị chính thức đầu tiên liên quan đến Biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc, tuy văn kiện này không có sự ràng buộc để giải quyết tranh chấp nhưng có tác dụng giúp các bên cùng hướng tới các biện pháp giải quyết hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.
Chính sách Biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn đặt “lợi ích của Trung Quốc, gồm cả vấn đề chủ quyền, lên cao hơn mọi tính toán”. Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh quan hệ với ASEAN, song Bắc Kinh tìm mọi cách để giành ưu thế trong tranh chấp Biển Đông, từng bước thôn tính và độc chiếm vùng biển này. Xuất phát từ âm mưu chiến lược trên, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sức mạnh kinh tế, thông qua hình thức viện trợ, đầu tư kinh tế để lôi kéo, mua chuộc, thậm chí ép buộc các nước ASEAN phải chịu chi phối, nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc ra sức sử dụng con bài kinh tế: hào phóng viện trợ, cho vay, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mời chào những lợi ích kinh tế… khiến một số nước trong khu vực (điển hình là Campuchia) luôn hoan nghênh, chào đón, ủng hộ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Philippines, Indonesia, Việt Nam… đều cho rằng, mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược của Trung Quốc xưa nay vẫn là khẳng định vị trí bá quyền và tạo phạm vi ảnh hưởng của nước lớn bá chủ bao trùm khu vực. Điều này tạo ra sự bất đồng quan điểm, gây chia rẽ giữa các nước trong khu vực, phá hoại sự đoàn kết – sức mạnh ảnh hưởng của ASEAN.
Không những vậy, hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang và nổ ra xung đột vũ trang trong khu vực. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế Trung Quốc có điều kiện và thực lực để tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt chú trọng thực lực hải quân, đồng thời bộc lộ bản chất bá quyền qua những hành động hung hăng trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Điều này gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông. Tăng cường sức mạnh quân sự là phản ứng tự nhiên của các nước Đông Nam Á, song song với biện pháp tăng cường hợp tác quân sự khu vực, nhằm đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và hung hăng. Vì vậy, thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á liên tục tăng cường mua sắm vũ khí (chủ yếu là các chiến hạm, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu cùng với các tàu ngầm và tên lửa chống hạm) để bảo vệ các tuyến hàng hải, các cảng và biên giới biển quan.
Để thực hiện âm mưu chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiêu bài như: (1) Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. (2) Đe dọa các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. (3) Sử dụng công cụ truyền thông đại chúng tích cực đưa tin, tuyên truyền về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, cho rằng một số nước ASEAN đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên hợp quốc. (4) Biện minh cho các hành động lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Phát biểu bên lề diễn đàn ASEAN SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (27/4) tuyên bố, mỗi nhà nước ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tách hiệp hội; khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN cũng như công nhận sự tăng trưởng của ASEAN là điều quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc muốn thiết lập hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Hy vọng rằng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tuân thủ DOC đã ký kết. (5) Trung Quốc đang tiếp cận, phân hóa dần dần từng nước ASEAN.
Nhìn chung, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc vẫn nằm trong chiến lược “chia để trị” và tìm cách phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Chính vì vậy, các nước ASEAN cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc cần hết sức cẩn thận trước những chủ trương, chính sách cũng như gói viện trợ, đầu tư từ Trung Quốc.