Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngLiên tục tuần tra ở Biển Đông: Mỹ quyết tâm ngăn chặn...

Liên tục tuần tra ở Biển Đông: Mỹ quyết tâm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của TQ

Trong vòng một tuần, Mỹ đã 3 lần cử hạm đội máy bay ném bom chiến lược B-52 và tàu chiến tuần tra ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp phản đối tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở trong khu vực.

Tàu khu trục USS Decatur vừa tham gia tuần tra ở Biển Đông

Những hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông gần đây

CNN trích 2 nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, hải quân Mỹ (30/9) đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Theo quan chức trên, lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mỗi ngày, bao gồm khu vực Biển Đông. Tất cả các nhiệm vụ được Mỹ vạch ra đều phù hợp với luật pháp quốc tế và cho thấy rõ quan điểm của Mỹ rằng máy bay và tàu thuyền Mỹ sẽ tự do di chuyển và hoạt động ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Ngoài ra, nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền sai trái, không tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. Trước đó, hải quân Mỹ (27/5) cũng điều 2 tàu khu trục tên lửa USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa USS Antietam (CG-54) đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Trong một diễn biến khác, Mỹ (23/9 và 27/9) liên tiếp điều 04 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52H Stratofortress qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (26/9) cho rằng, những chuyến bay của máy bay B-52 ở Biển Đông “chẳng có gì là bất thường”. Trước đó, trong tháng 8, Mỹ đã 04 lần điều máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52H Stratofortress (mỗi lần 02 máy bay) bay qua Biển Đông và Hoa Đông. Cụ thể: (1) Ngày 1/8, hai chiếc B-52H thuộc phi đội ném bom viễn chinh 96 đã tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông. Theo Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF), mục đích của hoạt động này là tăng cường sự sẵn sàng của Mỹ để phục vụ như một “lực lượng ngăn chặn đáng tin cậy và duy trì sự hiện diện trong khu vực”. (2) Ngày 22/8, một máy bay B-52H khác đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam tham gia nhiệm vụ tuần tra trên biển Hoa Đông. (3) Ngày 27/8, hai chiếc B-52H khác đã thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. (4) Ngày 30/8, 2 chiếc B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông.

Được biết, B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 – 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng. Máy bay ném bom B-52 được mệnh danh là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.

Hành động đáp trả “non nớt” của Trung Quốc:

Đầu tiên, Trung Quốc không cho tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Mỹ đến cảng ở Hồng Kông. Tàu USS Wasp là tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ thường được ví như một tàu sân bay cỡ nhỏ, có thủy thủ đoàn gồm hơn 1.000 người, theo kế hoạch ban đầu sẽ cập cảng Hồng Kông vào tháng 10/2018. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh ngăn chặn tàu chiến Mỹ cập bến vào vùng lãnh thổ của mình. Năm 2016 Trung Quốc đã không cho tàu sân bay USS John C. Stennis vào Hồng công sau khi con tàu này đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở Biển Đông.

Thứ hai, Trung Quốc (28/9) điều động máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tập trận bắn đạn thật phi pháp trên Biển Đông. Theo CCTV, hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thuộc biên chế hải quân Trung Quốc đã được điều động tập trận bắn đạn thật, diễn ra ở một “thao trường” trên Biển Đông và các hoạt động diễn tập này nhằm “kiểm tra khả năng của các phi công Trung Quốc trong tác chiến, xuyên phá hệ thống phòng thủ và không kích với độ chính xác cao”.

Thứ ba, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược “chỉ trích” Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến thuật B-52 tuần tra trên vùng trời Biển Đông, “tố cáo” Mỹ có hành động khiên khích, cho rằng “Trung Quốc luôn nêu rõ lập trường và các nguyên tắc của mình trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc mạnh mẽ phản đối hành động khiêu khích của máy bay quân sự Mỹ trên Biển Đông và sẽ thực hiện mọi biện pháp phản ứng cần thiết”.

Việc Mỹ tuần tra ở Biển Đông hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế

Các quan chức Hải quân đã cho biết việc Mỹ đưa tàu tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp là cần thiết để khẳng định lập trường của Mỹ rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp không thể được coi là lãnh thổ có chủ quyền với vùng lãnh hải xung quanh; đồng thời khẳng định luật pháp quốc tế cho phép tàu quân sự quyền “qua lại tự do” trong các vùng biển quốc tế mà không cần thông báo.

Xét từ khía cạnh luật quốc tế, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông là phù hợp các quy định luật pháp quốc tế:

Thứ nhất, Mỹ tiến hành hoạt động trong vùng biển quốc tế nhằm thực thi quyền tự do biển cả, đây được xem là quyền đương nhiên của bất kỳ quốc gia nào.

Thứ hai, việc tuần tra, kết hợp với các cuộc tập trận với các nước đồng minh là để củng cố mối quan hệ liên minh quân sự. Mỹ đã ký các Hiếp ước phòng thủ (30/8/1951) và Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA, 2014) với Philippines. Căn cứ vào hai Hiệp định này Mỹ hoàn toàn hợp pháp khi tiến hành hoạt động quân sự ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Philiipines tại Biển Đông.

Thứ ba, tính chất và mức độ tiến hành các hoạt động quân sự đều nằm trong khuôn khổ an toàn, an ninh biển không đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác. Dù cho Trung Quốc luôn bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện thường xuyên của Mỹ ở Biển Đông sẽ làm căng thẳng thêm tình hình và mang tính chất đối đầu với quốc gia này. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định từ một phía Trung Quốc và không có cơ sở xác đáng cho lập luận này. Do đó, hoạt động quân sự mà Mỹ đang tiến hành ở Biển Đông nằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế.

Thứ tư, Biển Đông vốn tồn tại như một con đường giao thông huyết mạch, do đó, việc tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực là bảo vệ lợi ích chính đáng, hiển nhiên của Mỹ, cũng như các quốc gia khác có tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.

Thứ năm, vì có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, nên cả Mỹ có thể hỗ trợ hợp tác với các quốc gia trong tranh chấp để trở thành bên trung lập giúp thúc đẩy quá trình giải quyết các tranh chấp một cách công bằng và hòa bình.

Dư luận quốc tế về việc tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông

Nhìn chung, dư luận đa phần (trừ Trung Quốc) đều hoan nghênh quyết định và hành động của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng hành động này là cần thiết do những bất ổn tại khu vực này. Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ từng nhấn mạnh theo luật pháp quốc tế, rõ ràng Trung Quốc không có tuyên bố hợp pháp nào đối với chủ quyền tại các vùng biển trên và hiện là thời điểm để chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải và đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo nhiều nước cũng từng đưa ra các tuyên bố ủng hộ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, nhất là việc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo phi pháp của TQ ở Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Australia hoan nghênh động thái trên của hải quân Mỹ, cho rằng tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, trong đó có vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế; đồng thời tái khẳng định Australia có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển quan trọng này. Văn phòng Nội các Nhật Bản nhiều lần tuyên bố những dự án tôn tạo lớn và xây dựng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng từng khẳng định lập trường của Hàn Quốc là cần giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tận dụng các diễn đàn quốc tế để kêu gọi các bên liên quan không tiến hành thêm bất kỳ hành động nào gây phương hại đến môi trường an ninh và hòa bình ở khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới