Các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trên Biển Đông đang bị khai thác nhanh chóng bởi những cư dân tập trung đông đúc dọc theo bờ biển trong khu vực. Đánh bắt cá quá mức hoặc sản lượng cá hàng năm giảm hiện đang đe dọa ngành đánh cá. Nhiều ngư dân buộc phải áp dụng các kỹ thuật hiệu quả và mạnh mẽ hơn, và phải đi xa hơn để tìm nguồn cá mới. Thậm chí, có ngư dân còn áp dụng các phương pháp đánh cá trái phép như dùng mìn và hóa chất độc xyanua. Môi trường sống của cá và san hô cũng bị xuống cấp do trầm tích gia tăng, đặc biệt từ việc lấn đất. Các rặng san hô đã bị tàn phá để cung cấp vật liệu xây dựng và để sản xuất các sản phẩm trang trí. Chính vì vậy, việc bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản, sinh vật ở Biển Đông không chi góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mà còn góp phần giảm căng thẳng trong khu vực.
Ảnh: The Economist
Các quy định của luật pháp quốc tế liên quan hợp tác nghề cá:
Về cơ bản, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định năm 1995 về thực hiện các điều khoản của Công ước của LHQ về Luật Biển ngày 10/12/1982 liên quan tới bảo tồn và quản lý các đàn cá xuyên biên giới và các đàn cá di cư (UNFSA) cung cấp một số khả năng nhất định trong việc điều chỉnh hợp tác giữa các quốc gia về giải quyết các vấn đề nghề cá tại khu vực biển cả, cụ thể: (1) Điều 74(3) của UNCLOS quy định “Trong khi chưa có các thỏa thuận nêu ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ nỗ lực hết sức để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc phân định cuối cùng.” (2) Điều 122 của UNCLOS quy định “biển kín hay nửa kín” là một vịnh, một vũng hay một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc bao gồm hoàn toàn hay phần lớn các lãnh hải và các vùng đặc quyền về kinh tế của hai hay nhiều quốc gia. (3) Theo Điều 118 của UNCLOS, các quốc gia đánh bắt cá trên cùng một nguồn sinh vật biển hoặc trên cùng một khu vực thuộc vùng biển cả sẽ hợp tác trong bảo tồn các tài nguyên này. Đối với các đàn cá xuyên biên giới và di cư cao trong khu vực biển cả, các quốc gia ven biển có liên quan và các quốc gia đánh bắt các nguồn lợi cá này trong các khu vực tiếp giáp vùng biển cả còn có thêm các nghĩa vụ đặc biệt hợp tác nhằm bảo tồn các đàn cá này. Nếu xem xét các thực tiễn áp dụng ở các quốc gia và tổ chức quốc tế trong những năm gần đây, các nghĩa vụ này đã trở thành một phần của tập quán quốc tế.
Trong khi đó, phần 3 của UNFSA có các quy định bao gồm một số điều khoản về cơ chế hợp tác trong bảo tồn nguồn lợi cá xuyên biên giới và các loài di cư cao. Mặc dù đoạn mở đầu Điều 8 dường như cho phép các quốc gia lựa chọn giữa hợp tác trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức hoặc cơ chế quản lý nghề cá khu vực hoặc tiểu khu vực thì các đoạn tiếp theo lại hạn chế triệt để quyền tự do này. Khi có tổ chức hoặc cơ chế quản lý hoạt động đánh bắt cá đối với một đàn cá xuyên biên giới nào đó hoặc các đàn cá di cư cao thì các quốc gia đánh bắt cá trên biển cả và các quốc gia ven biển có liên quan sẽ trở thành thành viên của tổ chức hoặc tham gia vào cơ chế đó. Các quốc gia đánh bắt nguồn cá ở biển cả có thể quyết định không tham gia, tuy nhiên, vẫn có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp quản lý được tổ chức hoặc cơ chế thông qua để có thể có quyền đánh bắt nguồn cá đó. Nếu nguồn cá xuyên biên giới hoặc di cư cao không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức hoặc cơ chế nào, các quốc gia đánh bắt nguồn lợi cá trên biển cả hoặc các quốc gia ven biển liên quan có nghĩa vụ thiết lập một tổ chức hoặc cơ chế thích hợp khác.
Âm mưu của Trung Quốc trong việc kiểm soát nguồn hải sản ở Biển Đông
Để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp như chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, thương mại… Trong đó, việc kiểm soát nguồn hải sản ở Biển Đông là một trong những ưu tiên của Trung Quốc. Để thực hiện kế hoạch trên, Bắc Kinh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cụ thể: (1) Ráo riết nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng “Ngư trường thông minh” tại các vùng biển sâu ở Biển Đông. Vừa qua Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương (Công ty con của Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc) đã khởi công dự án xây dựng “Ngư trường thông minh”, có thể chống chọi trước các cơn bão mạnh và chỉ cần 9 công nhân phục vụ tại trại hỗ trợ, nơi họ có thể cho cá ăn, vớt cá và làm sạch lồng bằng điều khiển từ xa. Theo giới chức Trung Quốc, các “Ngư trường thông minh” này sẽ sớm được triển khai các vùng biển sâu ở Biển Đông và dự kiến, sản lượng của mỗi lồng thép này sẽ đạt khoảng 6.000 tấn cá. (2) Ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ các “ngư trường truyền thống” ở Biển Đông. Theo hãng tin Channel News Asia của Singapore nhận định, phía Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài và cụm từ “ngư trường truyền thống” để bao biện cho các sai trái của tàu cá nước này trong vùng EEZ của nước khác. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố các vùng biển ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Vùng biển phía Tây Philippines là các “ngư trường truyền thống” của mình và ngư dân cũng như tàu thuyền Trung Quốc có quyền hoạt động, xuôi đuổi tàu thuyền các nước khác. (3) Đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên toàn Biển Đông. Từ năm 1999 đến nay, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Gần đây nhất, Trung Quốc (8/2/2018) đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nêu rõ “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. (4) Trang bị vũ khí và sẵn sàng hỗ trợ tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của các nước. Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản ở Biển Đông, biện pháp góp phần hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực
Về vị trí địa lý, Biển Đông có thể được xếp loại là “biển nửa kín” theo định nghĩa dưới đây của Điều 122 của LOSC: “Biển kín hay nửa kín” là một vịnh, một vũng hay một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền về kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành.
Do Biển Đông là khu vực nửa kín, bất kỳ thay đổi nào trong hệ sinh thái của biển nửa kín sẽ có tác động đáng kể tới cả khu vực. Các tài nguyên sinh vật của khu vực Biển Đông thường được cho là di cư từ vùng đặc quyền kinh tế này sang vùng khác, đặc biệt là các loài di cư cao như cá ngừ và các đàn cá chung khác. Mỗi quốc gia có thể có đánh giá của riêng mình về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, giả định rằng ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là rõ ràng. Vấn đề là nhiều ranh giới vùng đặc quyền kinh tế không được xác định rõ hoặc không có sự thống nhất giữa các bên liên quan. Tương tự như vậy, có nhiều yêu sách chủ quyền biển đảo mâu thuẫn với nhau, làm phức tạp hóa và ngăn cản việc xác định ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế. Vì lý do này, nhiều chuyên gia và học giả tin rằng cần hợp tác trong đánh giá tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông mà không xét tới ranh giới quyền tài phán. Cơ sở để thực hiện điều này là Điều 123 của LOSC về các vùng biển kín và nửa kín quy định: Các quốc gia tiếp giáp vùng biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này. Các quốc gia sẽ nỗ lực, một cách trực tiếp hoặc thông qua một tổ chức khu vực phù hợp: (a) Phối hợp quản lý, bảo tồn, khai phá và khai thác các tài nguyên sinh vật trên biển; (b) Phối hợp và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình liên quan tới việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển; (c) Phối hợp các chính sách nghiên cứu khoa học và thực hiện các chương trình liên kết nghiên cứu khoa học trong khu vực nếu thích hợp; (d) Mời các quốc gia và tổ chức quốc tế có liên quan khác hợp tác để thực hiện các điều khoản của điều này.
Do đó, tất cả các bên có liên quan cần nhận thức rằng cá là loài di cư và tài nguyên cá có thể cạn kiệt, vì vậy việc sử dụng hợp lý Biển Đông và bảo vệ môi trường biển có vai trò quan trọng đối với tất cả các bên. Hợp tác giữa các quốc gia ven biển trong khu vực là cần thiết. Cần tiến hành các biện pháp bảo vệ nhằm tránh đánh bắt quá mức hoặc tài nguyên suy giảm. Các biện pháp đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có hợp tác khu vực và chúng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt trong khu vực biển nửa kín.
Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang ngày càng căng thẳng và khả năng hợp tác giữa các nước trong việc bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông gặp nhiều khó khăn. Việc tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác nghề cá có thể biện pháp khả thi vừa góp phần giảm nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, vừa hỗ trợ các hoạt động bảo tồn sinh vật biển và khai thác hải sản hợp lý.
Hợp tác trong sử dụng tài nguyên cá là một cách khả thi và thực tiễn nhằm bắt đầu một cơ chế hợp tác khu vực. Nó gạt vấn đề chủ quyền sang một bên và tập trung vào lợi ích chung, cụ thể là sử dụng tài nguyên sinh vật. Đàm phán dài hạn về phân giới thềm lục địa liên quan tới vấn đề tài nguyên cũng nhờ đó được gác lại. Do đó, vì các quan hệ hợp tác được củng cố trong vấn đề tài nguyên cá, niềm tin sẽ được xây dựng giữa các bên và qua đó có thể đóng góp cho sự thành công của hợp tác về tài nguyên hydrocarbon. Quản lý tài nguyên cá đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa khai thác quá mức hoặc đánh bắt cá quá mức và có thể sẽ là một phép thử thiện chí của các nước ven biển trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.