Xuất hiện khá ồn ào với mục đích là đối trọng với máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 và F-35, tuy nhiên tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc chưa đủ đẳng cấp.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Thông điệp gửi đến những đối tác “không thân thiện”
Vào tháng 5 năm 2018, không quân Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập đối kháng; theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đây là cuộc diễn tập “sát điều kiện thực tế chiến đấu”; lực lượng “địch” trong cuộc diễn tập chính là không quân Đài Loan.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu cuộc diễn tập đó không có sự tham gia của những chiếc tiêm kích tàng hình J-20 của không quân Trung Quốc; hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Việc đưa loại máy bay loại mới nhất và vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm vào tham gia diễn tập đối kháng, Trung Quốc khẳng định chiếc máy bay tàng hình dầu tiên của họ đã ổn định các thuộc tính và nhất là việc đào tạo phi công cho loại máy bay mới này đã có những thành tựu nhất định.
Nên biết rằng, trên thế giới hiện mới chỉ có Mỹ là quốc gia có kinh nghiệm trong khai thác và vận hành máy bay tàng hình.
Tuyên bố đưa J-20 vào diễn tập “sát điều kiện thực tế chiến đấu”, Trung Quốc ngầm gửi “thông điệp” đến một số “đối tác không thân thiện” rằng: Nếu cần thiết, J-20 của Trung Quốc cũng có thể sẵn sàng tham chiến; nó có thể là đối thủ xứng tầm với F-22 hoặc F-35, hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác?
Màn trình diễn đáng thất vọng
Tuy nhiên từ những tuyên bố đến những hành động thực tiễn là những khoảng cách rất xa; theo đánh giá của giới phân tích quân sự, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc là một thất vọng tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải 2018 vừa qua.
Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải là sự kiện quan trọng để quân đội Trung Quốc khoe vũ khí tiên tiến, thúc đẩy tinh thần quân đội và lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, 3 chiếc tiêm kích tàng hình J-20 bay trình diễn kéo dài 6 phút tại triển lãm Chu Hải vẫn sử dụng động cơ của Nga.
Chiếc J-20 không sử dụng động cơ WS-15 mới nhất của Trung Quốc như công bố trước đó, thay vào đó vẫn đang sử dụng động cơ AL-31 được chế tạo cho tiêm kích dòng Su-27 do Nga sản xuất. Việc sử dụng động cơ AL-31F khiến J-20 không thể đạt hiệu suất và tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Nhưng màn trình diễn nhào lộn của J-20 có lẽ chỉ mang tính giải trí chứ không thật hữu ích trong chiến đấu, việc phô trương sức mạnh cũng không thể che lấp được những điểm yếu của không quân Trung Quốc.
J-20 xuất hiện lần đầu trước công chúng trong những bức ảnh mờ đã lưu hành trên mạng từ cuối năm 2011; các nhà quan sát nước ngoài và cả một số quan chức quân đội Trung Quốc cũng nhất trí cho rằng, Bắc Kinh cần thêm thời gian để hoàn thành một máy bay chiến đấu tàng hình thực sự.
Vẫn vướng mắc ở phần chế tạo động cơ
Thiết kế máy bay tàng hình đòi hỏi phải có những vật liệu hấp thụ radar cũng như vật liệu chế tạo động cơ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) Nga, Konstantin Makienko:
“Các tập đoàn lớn sẵn sàng chi hàng tỷ USD để phát triển một động cơ máy bay, tuy nhiên chi phí nghiên cứu, phát triển một công nghệ mới như vậy cũng như tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Do vậy, việc chế tạo ra những động cơ máy bay không dành cho những công ty nhỏ, ít tiềm lực”.
Theo ông Makienko, ngay cả Mỹ cũng không thể sản xuất ra toàn bộ động cơ cần thiết cho hàng không. Do đó, vấn đề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu luôn là bài toán nan giải ngay với cả nước Mỹ.
Nước Nga là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn; nhưng trong lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay thì nước Nga cũng chỉ là một nước nhỏ. Nếu không tham gia vào thị trường thế giới thì không dễ gì có thể giải quyết được.
Do vậy việc Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công động cơ WS-15 dùng cho tiêm kích tàng hình J-20, đáp ứng đầy đủ tiêu chí động cơ máy bay thế hệ 5 là một tuyên bố mang tính “truyền thông” nhiều hơn.
Mặc dù chưa thể chế tạo động cơ máy bay theo đúng tiêu chuẩn động cơ máy bay thế hệ 5, nhưng vào tháng 9/2017, Trung Quốc vẫn quyết định đưa J-20 vào trực chiến. Tính đến thời điểm đó, chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng thiết kế, chế tạo và sử dụng các loại máy bay chiến đấu tàng hình.
Chương trình chế tạo J-20 đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc.
Và hơn thế nữa, chúng được hưởng lợi từ việc gián điệp công nghiệp chuyên nhắm vào các công ty hàng không vũ trụ Mỹ và châu Âu; cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã giúp chương trình chế tạo máy bay tốn kém này có những bước tiến mạnh mẽ.
“Chúng tôi đã có khả năng thiết kế và làm những gì chúng tôi muốn”, Yang Wei, Phó giám đốc khoa học và công nghệ hàng không AVIC, nói với tờ China Daily của Chính phủ vào tháng 3 năm 2018.
Máy bay chiến đấu J-20 là trọng tâm chính của các nỗ lực hiện đại hóa không quân Trung Quốc. Nguyên mẫu bay thử lần đầu tiên lần đầu tiên vào tháng 1/2012; những nguyên mẫu tiếp theo được hưởng lợi từ những thành tựu về công nghệ (kể cả tự phát triển và gián điệp công nghiệp) như các lớp sơn phủ phức tạp hơn và các cảm biến tốt hơn.
J-20 cùng với máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải Y-20 sẽ là xương sống của lực lượng không quân Trung Quốc. Vào giữa năm 2018, AVIC đã chế tạo khoảng 20 chiếc J-20, nhưng số lượng đó quá nhỏ so với số lượng 200 chiếc F-22 của không quân Mỹ.
“Chúng tôi không tự mãn về những gì chúng tôi đã đạt được; chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư để hoàn thiện J-20, nhất là khả năng xử lý thông tin cũng như trang bị cho máy bay trí tuệ nhân tạo; trong tương lai đây sẽ là loại máy bay chiến đấu chủ lực của không quân Trung Quốc”, Yang nói.
Các nhà phân tích quân sự chỉ ra điểm yếu của J-20 so với các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 do Mỹ sản xuất. Khẩu pháo phía trước của J-20 làm tăng khả năng bộc lộ tín hiệu phản xạ radar của nó; kích thước và trọng lượng lớn hơn của J-20 có thể làm giảm khả năng cơ động.
Quan trọng nhất là động cơ dùng cho J-20 là động cơ AL-31 dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ 4, không có khả năng bay hành trình với tốc độ siêu âm, cũng như khả năng bộc lộ tín hiệu hồng ngoại rất lớn.
Hiện nay vẫn có nhiều tranh cãi rằng chiếc J-20 liệu có tính năng tàng hình hơn các loại máy bay chiến đấu cũ của Trung Quốc; nên nhớ khả năng tàng hình là khả năng giảm bộc lộ tín hiệu phản xạ của radar của máy bay chứ không phải là vô hình.
Thiếu tướng Mark Barrett và đại tá Mace Carpenter, chuyên gia Viện Nghiên cứu vũ trụ Mitchell ở Virginia, trong một nghiên cứu công bố năm 2017 cho biết:
“Khả năng tàng hình phát huy hiệu quả nhất khi được sử dụng tổng thể với các máy bay có cùng tính năng với chiến thuật hợp lý và khả năng chỉ huy, dẫn đường từ mặt đất và trên không”; mà vấn đề này, Trung Quốc cần phải có thời gian để xây dựng và hoàn thiện.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là sáp nhập Đài Loan, mở rộng vùng lãnh hải mà nước này đang đòi chủ quyền, khống chế các tuyến thương mại quan trọng của họ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Cùng với đó, Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ can thiệp qua chiến lược chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực (A2/AD), có lẽ đây là chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc.
Quan một nghiên cứu của Học viện Hải quân Mỹ cho thấy, một chiếc J-20 có khả năng khống chế hàng trăm hải lý trên biển cũng như tấn công các tàu chiến Mỹ và máy bay hải quân ở khoảng cách xa với cơ hội sống sót cao hơn các máy bay chiến đấu thế hệ cũ.
Nhưng đó là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế, theo tiết lộ của tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết: Trung Quốc đang phải vật lộn để sản xuất động cơ cho các máy bay phản lực thế hệ thứ năm.
Michael Raska, một giáo sư tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đã trích dẫn trong bài viết “Những vấn đề nổi cộm trong chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5” cho biết:
“Các nhà sản xuất động cơ Trung Quốc phải đối mặt với vô số vấn đề; máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc không thể bay hành trình với tốc độ siêu âm như đối thủ là F-22 và F-35 của Lockheed Martin, mà không cần sử dụng chế độ đốt sau”.
Theo thời gian, có thể Trung Quốc sẽ khắc phục được các vấn đề của mình trong việc chế tạo động cơ. Bài báo của SCMP cho biết, một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh đang thuê kỹ sư nước ngoài và và đẩy mạnh việc gián điệp công nghệ để có thể chạy nước rút trong việc chế tạo động cơ máy bay.
Và cũng theo một công ty tư vấn hàng không trụ sở tại Thượng Hải (công ty Galleon) cho biết, ước tính Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ USD trong hai thập kỷ tới để phát triển các động cơ máy bay dân dụng và quân sự.
Tuy nhiên, trong thời gian này, máy bay chiến đấu nhiều kỳ vọng J-20 của Trung Quốc chưa phải là đối thủ của F-35 hay F-22; và trên thực tế J-20 chưa phải là mối đe dọa đối với không quân và hải quân viễn chinh Mỹ.