Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuan hệ TQ - Campuchia: Sự lệ thuộc và hậu quả cho...

Quan hệ TQ – Campuchia: Sự lệ thuộc và hậu quả cho sự phát triển của Campuchia

Trong hơn hai thập kỷ, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã tạo nên những thay đổi lớn về kinh tế Campuchia cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng đối với Campuchia trong nhiều lĩnh vực. Campuchia chấp nhận nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc chủ yếu vì những lợi ích mà nước này nhận được từ Bắc Kinh.

Trong lĩnh vực kinh tế:

Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Chỉ riêng trong 2 năm vừa qua, Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia thời gian này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này. Thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 5,1 tỷ USD. Hàng hóa của Campuchia xuất sang Trung Quốc hầu hết là nông sản như gạo, khoai mì, hạt điều, dầu cọ, trong khi Campuchia nhập của Trung Quốc xe hơi, xe gắn máy, vật liệu xây dựng, vải, thuốc lá, thuốc trừ sâu.

Cũng trong năm 2017, Campuchia nhận được khoảng 4,2 tỷ USD từ Trung Quốc dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ. Đến cuối năm 2017, nợ công của chính phủ Campuchia cộng dồn lại là 9,6 tỷ USD, trong đó 42% là nợ Trung Quốc.

Trung Quốc đã làm thay đổi hẳn Campuchia. Tiền từ Trung Quốc đã giúp Campuchia cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối với khu vực và tăng tính cạnh tranh. Đến cuối năm 2017, đã có hơn 2.000 km đường, 7 cây cầu lớn và một cảng mới được xây dựng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Đầu tư vào ngành dệt may cũng đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho nửa triệu công nhân.

Trong lĩnh vực du lịch, Trung Quốc đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó có một tổ hợp nghỉ dưỡng quốc tế ở tỉnh Koh Kong, một tổ hợp nghỉ dưỡng và khách sạn năm sao tại Preah Sihanouk. Khách du lịch Trung Quốc đến Campuchia đạt hơn 1 triệu lượt trong năm 2017, mang lại 700 triệu USD cho nền kinh tế Campuchia.

Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về năng lượng ở Campuchia, với tổng số vốn lên tới hơn 7,5 tỷ USD cho 7 nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỷ USD cho 2 nhà máy điện chạy bằng than đá.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng

Trong chuyến thăm Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (16-19/6) cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Campuchia thêm 130 triệu USD và tăng cường huấn luyện cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, trong đó có việc tiếp tục cuộc tập trận Rồng Vàng (Golden Dragon) vào năm 2019. Trong khi đó, Trợ lý Thủ tướng Campuchia Eang Sophalleth cho biết Thủ tướng Hun Sen đã nhấn mạnh rằng việc tăng cường quan hệ Campuchia- Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, đã được lãnh đạo hai nước khẳng định qua các thỏa thuận cấp cao, đó sự hợp tác hành động trong các vấn đề chứ không chỉ là “những lời nói cho đẹp lòng nhau”. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cũng cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có mặt tại Campuchia để tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng. Ông Tea Banh cũng nói thêm rằng Campuchia sẽ đón nhận sự giúp đỡ của Hải quân Trung Quốc để tăng cường kinh nghiệm tác chiến trên biển cho Hải quân Campuchia.

Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, từ năm 1956 Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ dài hạn về kinh tế và quân sự cho Campuchia, mặc dù Campuchia còn nhận viện trợ từ Mỹ hay Nhật Bản nhưng quy mô không thể sánh với Bắc Kinh. Hiện nay trang bị tiêu chuẩn của bộ binh Campuchia vẫn là súng trường tấn công Type 56 – phiên bản AK-47 do Trung Quốc sản xuất, ngoài ra còn có pháo phòng không Type 85, xe tăng hạng nhẹ Type 62, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Type 81 và súng trường bullpup QBZ-97. Không chỉ có vậy, gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 1 tỷ USD trang thiết bị quân sự từ xe tải cho tới 12 trực thăng đa dụng Z-9 và 2 máy bay vận tải hạng nhẹ MA-60 cùng quân phục và trang bị cá nhân như giáp, mũ bảo hộ, mặt nạ phòng chống độc… Trung Quốc cũng là địa chỉ thường xuyên của các học viên quân sự Campuchia, khoảng 30% nhân lực của quân đội nước này được đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn trên đất Trung Quốc, quy mô khó một đối tác nào theo kịp.

Hỗ trợ của Trung Quốc rõ ràng giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quy mô Quân đội Campuchia với 125.000 lính thương trực, 70.000 quân dự bị, 21 máy bay cánh cố định, 17 trực thăng 550 xe tăng, 300 xe bọc thép, 600 khẩu pháo các loại cùng 53 tàu chiến trong khi ngân sách quốc phòng hàng năm chỉ có 192 triệu USD, không đủ cho nhu cầu tối thiểu. Theo báo Trung Quốc, nếu không có các gói viện trợ của Trung Quốc, có lẽ Quân đội Hoàng gia Campuchia sẽ phải cắt giảm quy mô đi ít nhất là một nửa so với hiện tại, cho nên dễ hiểu vì sao Phnom Penh đang cực kỳ coi trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Bắc Kinh.

Trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ bàn giao cho Hải quân Campuchia một tàu chiến loại biên có chiều dài 140 m, cung cấp cho không quân nước này tiêm kích JF-17 và tên lửa phòng không tầm trung KS-1A, khiến sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc ngày càng lớn thêm.

Trong lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng

Hệ thống đường xá giao thông của Campuchia còn gặp nhiều khó khăn. Campuchia có nhu cầu xây dựng, nâng cấp hệ thống đường xá, đường cao tốc, cầu kết nối các khu vực để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Trung Quốc đã thúc đẩy dự án đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia, nối Sihanoukville và Phnom Penh. Cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh sẽ được xây dựng dọc theo Quốc lộ 4, dài 190 km. Cao tốc này trị giá 1,9 tỷ USD, lớn hơn tổng số tiền Trung Quốc đầu tư cho 20 con đường quan trọng và 7 cây cầu tại Campuchia trong hơn hai thập kỷ từ 1994 đến đầu 2017 (khoảng 1,22 tỷ USD). Cao tốc đầu tiên của Campuchia sẽ giúp thúc đẩy liên kết trực tiếp tốc độ cao giữa thủ đô Phnom Penh và Dự án Golden Silver Gulf của Trung Quốc tại Tỉnh Sihanoukville.

Dự tính tới năm 2020, Campuchia cần khoảng 9 tỉ USD để xây dựng khoảng 850 km đường xá, trong đó có cả hệ thống đường cao tốc. Tới năm 2040, Campuchia cần xây dựng khoảng 2.230 km đường trị giá khoảng 26 tỉ USD, bao gồm cả các đường vành đai quanh Phnom Penh và 6 đường cao tốc kết nối nối các tỉnh. Trung Quốc đã đánh trúng nhu cầu của Campuchia khi cho họ vay ưu đãi 2 tỉ USD.

Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào hạ tầng của Campuchia với các dự án xây dựng cảng biển, sân bay. Theo tờ Thời báo châu Á, năm 2008, Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên tân (UDG) đã được Chính phủ Campuchia cho thuê khu vực trải dài trên khoảng 20% diện tích vùng duyên hải của quốc gia này trong thời hạn 99 năm với giá 30 USD mỗi hecta. Hiệp hội Xây dựng Campuchia ước tính dự án “Khu Thí điểm” tại tỉnh Koh Kong có tổng số vốn đầu tư ở vào khoảng 3,8 tỷ USD và sân bay vẫn chưa được xây dựng dự kiến có khả năng đón tiếp khoảng 10 triệu lượt khách mỗi năm. Dự án này được cho là bao gồm việc xây dựng một nền kinh tế gần như toàn diện, với các trung tâm chăm sóc y tế, các cơ sở quản lý của chính quyền, các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, các hạ tầng sản xuất, một cảng nước sâu và cả một sân bay quốc tế. Mặc dù giới chức Campuchia coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng hiện có ý kiến cho rằng dự án thực chất là một đặc khu kinh tế dành cho các lao động, giới chủ và du khách Trung Quốc.

Từ 2015 đến nay, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia đã chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực cảng biển. Cụ thể là vào tháng 8/2015 và tháng 3/2016, Trung Quốc đã có hai khoản đầu tư có tính chiến lược vào cơ sơ hạ tầng du lịch kèm cảng biển tại Koh Kong (dự án Thành phố Thất Long) với trị giá 3,8 tỷ USD và tại Sihanoukville (Dự án Golden Silver Gulf) với trị giá 5,7 tỷ USD. Xu hướng này đáng chú ý không chỉ vì số vốn đầu tư lớn, mà còn vì tính tiên phong của nó khi mà trước 2015, Trung Quốc không triển khai bất kỳ dự án cảng biển nào tại Campuchia. Nhờ nguồn lực dồi dào, các dự án mới do Trung Quốc đầu tư sở hữu những cơ hội phát triển vượt trội, tiềm năng trở thành các đầu tàu phát triển của Campuchia. Với 9,5 tỷ USD vốn đầu tư và kiểm soát hơn ¼ diện tích bờ biển của Campuchia trong hai khu vực rộng hơn 33 ngàn hecta, hai cảng biển do Trung Quốc đầu tư tại Sihanoukville và Koh Kong sẽ là hai dự án Cảng nước sâu và Cảng quốc tế mới duy nhất của Campuchia trong giai đoạn sắp tới. Dù đây là các cảng đầu tiên do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia, nhưng lợi thế về nguồn vốn đã giúp hai dự án cảng của Trung Quốc sở hữu tiềm năng phát triển vượt trội so với hai cảng quốc tế hiện tại của Campuchia, cũng như các dự án cảng Campuchia dự kiến phát triển.

Không những vậy, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư vào Sihanoukville SEZ (tên khác Sihanoukville SEZ 2) từ 2010, nhưng chỉ gặt hái được thành công từ sau 2015. Vào thời điểm phát triển năm 2010, Sihanoukville SEZ nắm giữ kỷ lục về vốn đầu tư ban đầu với 300 triệu USD, gấp 5 lần Phnom Penh SEZ (68 triệu USD) và 21 lần Manhattan SEZ (15 triệu USD) và là một trong năm SEZ có diện tích phát triển lớn nhất với 1114 hecta. Tuy nhiên, cho tới 2014, Sihanoukville SEZ vẫn đứng sau Phnom Penh SEZ về số lượng nhà máy (40 so với 50 nhà máy) và Manhattan SEZ về quy mô lao động (8500 lao động so với 28000 lao động). Từ cuối 2014, nhờ 3 tỷ USD vốn đầu tư bổ sung, Sihanoukville đã có những bước phát triển nhanh chóng. Từ con số 40 nhà máy vào 2014 (có 20 nhà máy lúc đi vào hoạt động vào 2012), đến tháng 11/2016, Sihanoukville SEZ đã trở thành SEZ lớn nhất và phát triển nhất tại Campuchia với 148 nhà máy được xây dựng. Sihanoukville SEZ cũng thu hút 16.000 công nhân tới làm việc, phần lớn nhận lương từ 1800 – 2400 USD, cao hơn từ 20 -60% so với mức lương cơ bản và gấp đôi GDP/người năm 2015 của Campuchia. Ban lãnh đạo Sihanoukville SEZ cũng tuyên bố kế hoạch thu hút 300 nhà máy vào năm 2020 và tạo ra 100.000 việc làm.

Sihanoukville SEZ đã trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc. Tính đến tháng 12/2016, Sihanoukville SEZ là dự án SEZ lớn nhất mà Chính phủ Campuchia từng thông qua, là SEZ đầu tiên được phát triển thông qua thỏa thuận chính phủ song phương và cũng là SEZ đầu tiên thành lập được một hệ thống điều phối chung giữa hai chính phủ. Phía Trung Quốc cũng đã đề nghị miễn 95% các dòng thuế cho các sản phẩm sản xuất tại Campuchia. Vào tháng 6/2016, sau cuộc gặp với Campuchia tại Phnom Penh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết Trung Quốc cũng sẽ tăng thêm 450 triệu USD cho các dự án phát triển toàn diện của Campuchia, từ mức viện trợ và vay ưu đãi khoảng 500 triệu USD/năm hiện nay.       

Sự thành công của Sihanoukville SEZ đã mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu vào tháng 10/2016, dành cho chế biến thực phẩm xuất khẩu. Kampong Speu SEZ có diện tích là 300 hecta, cách Phnom Penh 30 km và được đầu tư 2,1 tỷ USD, gấp tới 7 lần kỷ lục mà Sihanoukville SEZ đã tạo ra trước đó. Việc phát triển sẽ bao gồm 3 giai đoạn, với ba kho chứa được xây dựng tương ứng, kho thứ nhất 30.000 tấn, hai kho sau 100,000 tấn. SEZ kỳ vọng sẽ có 30 – 100 nhà máy sau khi đi vào hoạt động 5 – 10 năm, dự kiến xuất khẩu 500.000 tấn mỗi năm, hầu hết là tới thị trường Trung Quốc. Đây là SEZ đầu tiên tại Campuchia tập trung vào các sản phẩm nông sản và có hệ thống đối tác tương đối mạnh mẽ. Vào thời điểm thông qua dự án (tháng 10/2016), đã có 10 công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động và ít nhất là 25 siêu thị tại Trung Quốc đặt hàng mua sản phẩm từ SEZ này. Campuchia hiện không có bất cứ kho trữ nông sản quy mô lớn hay nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn nào dành cho xuất khẩu.

Nguyên nhân Campuchia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc

Về bản chất, Trung Quốc và Campuchia không phải là những đồng minh tự nhiên. Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng giúp đỡ chế độ diệt chủng Khơme đỏ, gây ra những tội ác cho người dân Campuchia. Tuy nhiên, Campuchia hiện ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc vì một số nguyên nhân sau: (1) Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo, mua chuộc Campuchia. Trong bối cảnh Campuchia cần vốn vay để phát triển kinh tế, song điều kiện vay vốn tại các ngân hàng khu vực và quốc tế quá khắt khe, khiến Campuchia không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay này. Trong khi đó, các ngân hàng của Trung Quốc có thể đa dạng hóa các mục tiêu cho vay phù hợp với từng đối tượng và dự án cụ thể. Mặt khác, tình trạng giá nhiên liệu cao và lao động tay nghề thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề thu hút đầu tư của Campuchia. Trong khi đó, các công ty xây dựng và ngân hàng Trung Quốc lại đáp ứng được hầu hết các quan ngại của Campuchia. (2) Trung Quốc nắm giữ những công trình mang tính sống còn đối với Campuchia. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào xây dựng các đập thủy điện tại Campuchia. Hiện 6 nhà máy thủy điện đã hoàn thành và họ đang tiếp tục triển khai xây dựng các công trình tiếp theo. Theo các quan chức Campuchia, ngoại trừ dự án thủy điện Hạ Sesan công suất 400 MW với số vốn 781 triệu USD được xây dựng trên sông Sesan ở phía Đông Bắc Campuchia, các công ty Trung Quốc đã cung cấp 100% vốn cho tất cả các các công trình thủy điện khác của Campuchia. Những nhà máy thủy điện này rất quan trọng bởi vì nó góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của Campuchia ngày càng tăng cao. (3) Việc Mỹ thay đổi quan điểm và thái độ đối với Campuchia đã góp phần khiến Trung Quốc và Campuchia xích lại gần nhau hơn. Sau khi lệnh cấm các hoạt động trợ giúp phát triển cho Campuchia của Mỹ hết hiệu lực vào năm 2007, Mỹ từng là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Mỹ – Campuchia đã sụt giảm khi xảy ra tranh chấp ngôi đền Preah Vihear ở biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Ngoài ra, việc đặt ra các điều kiện liên quan đến vấn đề nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận cũng đã tạo nên những vật cản trong quan hệ song phương Mỹ – Campuchia. Ngoài ra, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt nguồn viện trợ dành cho Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) để phản ứng lại việc bắt giữ lãnh đạo và giải thể đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia là CNRP. Washington cũng đã cấm thị thực đối với các quan chức cấp cao của Campuchia. Thế nhưng, Trung Quốc đã ủng hộ cho những “nỗ lực của Campuchia để bảo vệ sự ổn định chính trị” và đã công khai bày tỏ việc cung cấp nguồn viện trợ của mình đối với NEC cũng như Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia (CMAC). Thủ tướng Hun Sen bày tỏ sự vui mừng và cho rằng Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã để lại. Các cường quốc phương Tây “đang sợ Trung Quốc chiếm chỗ của họ”.

Việc Campuchia lệ thuộc sâu vào Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với tình hình chính trị, nội bộ Campuchia

Hiện nay, Campuchia phụ thuộc vào đầu tư và viện trợ tài chính của Trung Quốc để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cần thiết và thoát khỏi vị thế một nước chậm phát triển (cho đến năm 2025). Trung Quốc hiện là đối tác duy nhất có đủ vốn và nguồn lực để đầu tư vào “các dự án 1-2 tỷ USD” mà có thể giúp Campuchia phát triển các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, quan hệ gần gũi của Campuchia với Trung Quốc gắn với khả năng của Trung Quốc đưa ra các ưu đãi kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ. Đổi lại, họ đóng vai trò như một hành lang địa lý chiến lược và “tự nhiên” cho dòng đầu tư, hàng hóa và con người của Trung Quốc. Theo tờ Thời báo châu Á, lao động Trung Quốc đang “tràn ngập” ở Campuchia, trong đó có tỉnh Preah Sihanouk. Trong số hơn 6.385 người nước ngoài xin giấy phép lao động ở Sihanoukville vào đầu năm nay, người Trung Quốc chiếm khoảng 70%, tức 4.498 là người. Một số nguồn tin không chính thức nói rằng số người Trung Quốc hiện ở Sihanoukville là khoảng 75.000 người. Trong khi đó, hãng phân tích C4ADS của Mỹ đưa ra cảnh báo xa hơn khi cho rằng cảng nước sâu tại Koh Kong, với khả năng đón tiếp cả các tàu khu trục và tàu chiến, có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự trong tương lai. Trung Quốc có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để buộc Campuchia phải chấp thuận cho Bắc Kinh sử dụng các cảng biển trên thành căn cứ hải quân của Trung Quốc.

Kết luận:

Trong những năm qua, tranh thủ việc Mỹ và một số nước phương Tây hạn chế quan tâm, đầu tư và viện trợ cho Campuchia, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để lôi kéo, mua chuộc Campuchia. Tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia đã hoàn toàn ngả theo Trung Quốc về mọi mặt. Tuy nhiên, việc Campuchia ngả theo Trung Quốc, để Bắc Kinh tự do hoạt động trong lãnh thổ Campuchia cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, mang tính sâu rộng đối với quá trình phát triển bền vững và an ninh, xã hội của Campuchia.

RELATED ARTICLES

Tin mới