BienDong.Net: Gia Long là vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn – ngay khi lên ngôi, đã thể hiện một “tầm nhìn xa trộng rộng” đối với chủ quyền biển đảo – phần lãnh thổ không thể tách rời với đất liền của Việt Nam.
Sử sách chép rằng, trong 18 năm trị vì (1802 – 1820), hoàng đế Gia Long đã ba lần phái quân ra biển đảo để khẳng định chủ quyền của vương triều đối với các đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.
Lập lại đội Hoàng Sa
Tháng 7 năm Quý hợi ( 1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa.
Trước đó, theo hầu hết các tài liệu cổ có ghi chép về đội Hoàng Sa, hải đội này bắt đầu xuất hiện từ thời những chúa Nguyễn đầu tiên đặt chân đến xứ Đàng Trong. Theo TS Nguyễn Nhã, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.
Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.
Hàng năm, đội Hoàng Sa bắt đầu đi biển từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về; thực hiện các nhiệm vụ được triều đình giao phó: thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, kiêm quản trông coi các đội khác cùng làm nhiệm vụ nhưng ở khu vực khác như đội Bắc Hải ở phía nam (tức quần đảo Trường Sa). Về sau, đội còn đảm trách thêm việc đi xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa; hay do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển (từ năm Gia Long)…
“Hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi, song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré”, TS Nguyễn Nhã cho biết.
Lần đầu tiên xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa
Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 50, trang 6, năm Gia Long thứ 14 (1815) chép: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.
Năm 1816, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, ghi rằng vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh ở Quảng Ngãi, để xem xét và đo đạc thủy trình. Dân phu cùng đi chính là những dân phu giỏi hải trình đi Hoàng Sa. Và nguyên nhân vua Gia Long bắt đầu cho thuỷ binh đi Hoàng Sa vì có các sĩ quan người Phương Tây trong thời chiến tranh với Tây Sơn rất quan tâm đến vấn đề quản lý biển Đông.
Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long, gồm: Jean Baptiste Chaigneau, Giám mục Taberd đã viết rất rõ trong các tư liệu cổ phương Tây, khẳng định hoàng đế Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 52, ghi rằng vua Gia Long đã bắt đầu cho thủy binh đi công tác Hoàng Sa cùng với đội dân binh ở Quảng Ngãi, để xem xét và đo đạc thủy trình
Cụ thể, Chaigneau đã viết trong hồi ký Le mémoire sur la Cochichine: “Xứ Cochinchine, mà Quốc vương ngày nay đã xưng đế hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)… vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”.
Giám mục Taberd cũng viết trong cuốn Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes: “Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong…
… Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không, nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.
Chưa hết, Gutzlaff năm 1849 đã cho biết, chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.
Có thể nói, chính hoạt động lần đầu tiên xem xét và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa của thủy quân dưới triều Gia Long là dấu mốc rất quan trọng về việc tái xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Sang thời nhà Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng, thủy quân hàng năm đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và thực hiện các hoạt động khác…
Vĩnh Khang