Hiện tại vẫn chưa rõ tàu do thám của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Mặt Trăng hay chưa sau khi truyền thông nước này xóa đoạn thông báo khẳng định nhiệm vụ tiếp đất đã thành công.
Thông điệp bị xóa bỏ
Theo CNN, hiện tại vẫn chưa rõ liệu tàu do thám của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Mặt Trăng hay chưa sau khi truyền thông quốc gia nước này xóa đoạn thông báo khẳng định nhiệm vụ tiếp đất đã thành công mĩ mãn.
Sáng hôm nay (3/1), China Daily đăng một dòng trên Twitter rằng kế hoạch tiếp cận Mặt Trăng đã hoàn thành, và “đánh dấu một chương mới trong lịch sử khám phá mặt trăng của nhân loại”.
Tuy nhiên, vài phút sau đó, cơ quan này đã xóa dòng tweet, khiến nhiều người hoài nghi liệu tàu do thám Trung Quốc có tên “Hằng Nga 4” có thực sự thực hiện được kì tích nói trên hay không.
Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cũng đăng tweet với nội dung tương tự. Tuy nhiên, không lời giải thích nào được đưa ra về việc tại sao thông báo này bị xóa và cũng không có thêm cập nhật nào sau đó.
Trên mạng xã hội, các nhà quan sát đã bày tỏ một số dự đoán về vụ việc. Nhiều người cho rằng tàu do thám đã gặp trục trặc, hoặc đây chỉ đơn thuần là việc các đơn vị truyền thông “cầm đèn chạy trước ô tô” trước khi có thông báo chính thức từ chính quyền Bắc Kinh.
Cuộc tiếp đất – nếu thành công – sẽ là một nền tảng quan trọng và mang tính tiềm năng to lớn trong tham vọng của Trung Quốc với mục tiêu trở thành cường quốc dẫn đầu ngành vũ trụ.
Trước đó, truyền thông nhà nước Trugn Quốc đưa tin, tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã đi vào quỹ đạo hình elip vào ngày 30/12, bay qua 15 km bề mặt của mặt trăng.
Được biết, tàu đã đi vào “vùng tối của Mặt Trăng”, nơi không bao giờ đối diện với Trái Đất. Tuy nhiên, trái với biệt danh được đặt, khu vực này vẫn nhận được ánh sáng từ Mặt Trời nhiều như mặt còn lại.
Tàu Hằng Nga 4 được phóng đi từ Trung tâm Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 8/12 và đã tiến vào quỹ đạo mặt trăng 4 ngày sau đó.
Một khi tiếp đất an toàn, tàu do thám sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ, bao gồm tiến hành thí nghiệm thiên văn vô tuyến tần số thấp lần đầu tiên trên, quan sát liệu thực vật có phát triển trong môi trường trọng lực thấp hay không và khám phá liệu có nước hay các tài nguyên khác ở hai cực hay không.
Một nhiệm vụ khác là nghiên cứu sự tương tác giữa gió mặt trời và bề mặt mặt trăng thông qua một xe tự hành mới.
Triển vọng của phi hành gia Trung Quốc
“Vì mặt sau của mặt trăng không chịu ảnh hưởng bởi điện từ của Trái đất, đây là nơi lý tưởng để nghiên cứu môi trường không gian và các vụ nổ mặt trời. Tàu thăm dò có thể ‘lắng nghe’ những vùng sâu hơn của vũ trụ”, Tongjie Liu – Phó giám đốc Trung tâm Chương trình Thám hiểm và Không gian Mặt trăng của Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc – chia sẻ.
Trước đây, các cơ quan hàng không chưa bao giờ đưa tàu do thám hoặc tàu tự hành tới mặt sau của mặt trăng do không có thiết bị cấp sóng duy trì liên lạc với mặt đất. Vì vậy, một vệ tinh đảm nhiệm chức năng truyền tín hiệu đã được Trung Quốc phóng lên để thực hiện nhiệm vụ này.
Xe Hằng Nga 4 dài 1,5m, rộng và cao khoảng 1m, có hai tấm pin mặt trời và sáu bánh xe.
“Trung Quốc đang nỗ lực để ghi danh kỉ lục thế giới với những thành tựu trong vũ trụ,” Joan Johnson-Freese – một giáo sư tại Đại học Navar War (Mỹ) và là chuyên gia về chương trình vũ trụ của Trung Quốc – đánh giá.
“Rất có khả năng rằng thành công của tàu Hằng Nga – và những thành tựu trong chương trình tàu Thần Châu – sẽ tạo động lực lớn cho đột phá trong vũ trụ của Trung Quốc. Rất có thể tiếng Trung Quốc sẽ là ngôn ngữ thứ hai được gửi về từ Mặt Trăng.”
Thỏ Ngọc – tàu do thám gần đây nhất của Trung Quốc – đã ngừng hoạt động vào tháng 8/2016 sau 972 ngày hoạt động trên bề mặt mặt trăng để bổ trợ cho nhiệm vụ Hằng Nga 3. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 thực hiện việc đổ bộ lên mặt trăng, sau Mỹ và Nga.
Bắc Kinh có kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên vào khoảng năm 2020 để thực hiện thám hiểm quỹ đạo và thu thập các mẫu vật từ bề mặt Hành tinh Đỏ.
Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ vĩnh viễn với đầy đủ chức năng vào năm 2022 do lo ngại rằng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ gặp nhiều rắc rối về nguồn đầu tư và lí do chính trị.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh “mục tiêu hòa bình” trong hoạt động thám hiểm không gian, Washington ngày càng coi Trung Quốc – cùng với Nga – là mối đe dọa tiềm tàng, cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách đưa vũ khí mới vào vũ trụ và buộc Tổng thống Donald Trump phải thành lập Lực lượng Vũ trụ Mỹ vào năm 2020.
Quốc hội Mỹ đã nghiêm cấm NASA làm việc cùng Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
“Rất nhiều công nghệ vũ trụ có thể thực hiện hai chức năng: dân sự và quân sự. Mỹ coi mọi việc Trung Quốc làm trong vũ trụ – bao gồm những việc Mỹ từng làm trước đây – là mối đe dọa,” bà Johnson-Freese cho hay.