Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc chiến “Đả hổ, diệt ruồi” của TQ: Thành tựu và xu...

Cuộc chiến “Đả hổ, diệt ruồi” của TQ: Thành tựu và xu hướng trong thời gian tới

Từ lâu tham nhũng là một vấn nạn nhức nhối trong hệ thống chính trị của Trung Quốc khi họ thiếu đi những cơ chế kiểm soát để có thể giám sát được các quan chức từ trung ương đến địa phương có những hành vi sai trái để “vơ đầy túi tham”. Trong nửa thế kỷ qua, tất cả các lãnh đạo Trung Quốc đều tuyên chiến với nạn tham nhũng bằng cách phát động những chiến dịch đấu tranh “khua chiêng gõ mõ” nhưng chỉ mang đậm tính hình thức mà không hề bắt được một con “hổ to” nào cả. Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi”, tình trạng tham nhũng của quan chức Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm rõ rệt, cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc làm trong sạch đội ngũ quan chức, đảng viên.

Cơ quan quyền lực xử lý tham nhũng của Trung Quốc

Cơ quan này có tên chính thức là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, nó đã trở thành vũ khí chính của ông trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Mục đích của chiến dịch này là làm trong sạch hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) vốn đã hoen ố với một loạt vụ bê bối tham nhũng từ thấp đến cao. Một số chuyên gia phân tích cho rằng chiến dịch hoành tráng này cũng nhằm mục đích củng cố quyền lực của ông Tập. Theo đó, CCDI trở thành thứ vũ khí sắc bén để ông Tập Cận Bình làm suy yếu phe cánh của đối thủ và rộng hơn là để răn đe những kẻ có ý đồ thách thức ông.

CCDI được thành lập từ năm 1927 với mục đích đấu tranh chống tham nhũng trong đảng. Tuy nhiên trong suốt thời gian tồn tại của mình, các cuộc điều tra của ủy ban này phần nhiều chỉ mang tính hình thức để xử lý, khai trừ những đảng viên cấp thấp hoặc các quan chức cấp cao bị thua to trong các cuộc đấu đá quyền lực. Bởi vậy, sự tồn tại của cơ quan này hầu như được rất ít người Trung Quốc biết đến và các hoạt động điều tra của nó được tổ chức một cách bí mật, lặng lẽ. Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của hệ thống pháp luật và bản thân nó đóng vai trò như một cơ chế thi hành luật pháp của CCP. Các điều tra viên của ủy ban không cần lệnh của tòa án để thực hiện khám xét thu thập bằng chứng, và họ có quyền bỏ tù, thẩm vấn bất cứ thành viên nào trong số hơn 70 triệu đảng viên Trung Quốc. Mặc dù biện pháp trừng phạt cao nhất của ủy ban này đối với các đảng viên bị điều tra chỉ là khai trừ đảng, song hồ sơ do họ lập sau đó sẽ được chuyển cho cơ quan tư pháp, nơi đảng viên bị khai trừ đó sẽ phải chịu những mức án nặng nề hơn rất nhiều.

Thành quả của chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc

Kể từ khi lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở Chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” chống tham nhũng ở mọi cấp. Chiến dịch “này được coi là một ưu tiên chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập Cận Bình. Phần lớn Chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào các quan chức từ cấp thấp ở địa phương cho đến những quan chức cấp cao.

CCDI mới đây công bố báo cáo Tổng kết cho biết, trong 6 năm qua, các cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật Trung Quốc đã thụ lý 2.674.000 hồ sơ, lập án 1.545.000 trường hợp, xử lý 1.537.000 trường hợp quan chức các cấp vi phạm kỷ luật. Trong đó có 43 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XVIII đã bị bắt giữ hoặc cho thôi chức vì tội tham nhũng và mắc những sai phạm nghiêm trọng khác; 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; hơn 8.900 cán bộ cấp Cục, Sở; 63.000 cán bộ cấp Huyện, Phòng; hơn 250 quan chức cao cấp, gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp và tướng lĩnh quân đội bị bắt giữ; 648.000 quan chức ở cấp xã vi phạm kỷ luật và tham nhũng quy mô nhỏ. Trung Quốc đồng thời phối hợp với cảnh sát quốc tế để truy lùng tội phạm tham nhũng qua khuôn khổ các chiến dịch “Lưới trời” và “Săn cáo”. Tính tới cuối tháng 8/2017, đã có 3.453 đối tượng trốn chạy ra nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 628 là cựu quan chức; đã tịch thu được 1,41 tỷ USD. Trong số 100 nghi phạm thuộc diện bị truy nã gắt gao theo danh sách của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol), 46 đối tượng đã bị bắt. Đáng chú ý, CCDI cho biết, năm 2017, trong số 122.100 vụ việc liên quan đến 159.100 người, 48.700 vụ liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo. Trung Quốc nhiều năm qua thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn, trong đó cơ quan chống tham nhũng bắt quả tang nhiều quan chức hàng đầu có hành vi sai trái. 

Trong số các quan chức Trung Quốc bị bắt giữ và xét xử, có nhiều nhân vật lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh như: Cựu Bộ trưởng Công an, cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang; 2 cựu Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài; 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng; 2 cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc là Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh; nguyên Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh Vương Mân; Tổ trưởng Tuần thị chống tham nhũng Trung ương Trương Hóa Vi; Trợ lý Chủ tịch Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng Trung Quốc Dương Gia Tài; nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Dương Hoán Ninh; Dương Tinh, Bí thư trung ương khóa 18, Ủy viên Quốc vụ kiêm Tổng thư ký Quốc Vụ viện; Trần Chất Phong, nguyên Phó Thị trưởng Thiên Tân; Vương Hiểu Lâm, đảng ủy viên Cục phó Cục Năng lượng quốc gia; Tăng Chí Quyền, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Mặt trận tỉnh ủy Quảng Đông; Cận Tuy Đông, Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hà Nam; Lý Sĩ Tường, Phó chủ tịch Chính Hiệp thành phố Bắc Kinh; Mạnh Hoằng Vĩ, Thứ trưởng Bộ Công an; Nur Bekri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, Cục trưởng Năng lượng quốc gia, nguyên Chủ tịch khu tự trị Tân Cương; Hình Vân, nguyên Phó chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông; Tiền Dẫn An, Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây và Liêu Thụy Lâm, Phó tỉnh trưởng Giang Tô; Phòng Phong Huy, Thượng tướng, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy…

Ở cấp địa phương chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” đã đánh vào những cái tên như: Dương Tú Châu, nguyên Phó thị trưởng Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang; Điền Trang, Phó Tổng Thư ký Chính Hiệp thành phố Tế Nam; Thẩm Thụy Khanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Thường Châu; Hoàng Chí Quang, Phó Thị trưởng Quý Cảng, tỉnh Quảng Tây; Tôn Phong, Phó Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Quảng Châu; Tề Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục quản lý giám sát an toàn sản xuất Thượng Hải; Ngụy Dân Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây; Diêu Trung Dân, Giám sự trưởng Ngân hàng phát triển Trung Quốc; Ngô Thiên Quân, Bí thư Chính pháp Tỉnh ủy Hà Nam…

Đa phần quan tham Trung Quốc bị bắt và xử lý đều liên quan nhận hối lộ và có lối sống tha hóa

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố, đa phần quan tham Trung Quốc đều vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, quy tắc chính trị và kỷ luật liêm khiết, thường xuyên giao du với các nghiệp chủ, phần tử xã hội phi pháp, lợi dụng ảnh hưởng chức vụ để thực thi hành vi phạm pháp, tạo điều kiện thuận lợi để họ trục lợi rồi nhận tiền hối lộ. Khi bị bắt giữ, khám xét đều phát hiện có một lượng lớn tiền mặt, vàng và đồ xa xỉ phẩm trị giá hàng trăm triệu USD. Trong đó có một số vụ việc điển hình như khi khám nhà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Thiếu Xuân, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã thu giữ số tiền mặt cực lớn bao gồm: 90 triệu USD, 84,75 triệu Euro, 52,30 triệu Bảng Anh, 78 triệu dollar Australia (AUD). Ngoài ra, còn có hơn 1 ngàn thẻ ngân hàng, tổng trị giá hơn 10 tỷ NDT. Tại nhà để xe của Xuân có mấy chục xe sang trọng, chiếc rẻ nhất cũng không dưới 5 triệu NDT. Tính ra, tổng số tang vật phát hiện được liên quan Trương Thiếu Xuân vào khoảng hơn 60 tỷ NDT (210 ngàn tỷ VND) và số tiền gửi ở nước ngoài hơn 30 tỷ NDT (105 ngàn tỷ VND). Đồng thời, còn phát hiện Xuân sở hữu hơn 130 ngôi nhà và có tới 148 người tình. Hay một số quan tham khác của Trung Quốc như Trương Kiệt Huy, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc nhận hối lộ tổng cộng 127 triệu NDT (444,5 tỷ VND); Trần Thụ Long, nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng thường trực An Huy nhận hối lộ 275,8 triệu tệ (965,3 tỷ VND); Dương Sùng Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Bắc nhận hối lộ 206 triệu tệ (721 tỷ VND); Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18, Bí thư thành ủy Trùng Khánh nhận 170 triệu tệ (595 tỷ VND); Ngụy Dân Châu, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiểm Tây nhận hối lộ 109 triệu tệ (381,5 tỷ VND); Chu Xuân Vũ, nguyên Phó tỉnh trưởng An Huy nhận hối lộ 13,65 triệu tệ, nhưng trong thời gian giữ chức Thị trưởng Bạng Phụ đã vi phạm quy định, trả lại tiền mua đất cho các công ty, gây thiệt hại cho nhà nước 665 triệu tệ; Cốc Tuấn Sơn bị cáo buộc sở hữu khối tài sản trị giá hơn 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 98 triệu USD) nhờ nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực, trong khi đó báo chí Hong Kong cho rằng số tiền Cốc tham ô lên tới 1,3 tỉ USD và được cất tại Hong Kong.

Đáng chú ý, trong số các quan chức tham ô của Trung Quốc là Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Khi bị kiểm tra, ngôi nhà của Từ Tài Hậu chứa 1 tấn tiền mặt, ngoại tệ, 2 tạ ngọc quý, đồ cổ, các bức tranh đắt tiền. Để chở hết số tài sản không phải tiền mặt, chính quyền cần sử dụng 10 xe tải. Ngoài ra, nhà của Từ Tài Hậu còn có nhiều những bức tranh gắn tường làm hoàn toàn bằng ngọc phỉ thúy nguyên khối được chạm trổ công phu. Số tranh này có giá 90 triệu tệ/bức (khoảng 15 triệu USD) và được treo khắp nhà. Không những vậy, Từ Tài Hậu có 17 tài khoản ở 5 ngân hàng với tổng số tiền 334 triệu tệ, 12 ngân hàng địa phương khác nắm giữ 430 triệu tệ và 10 ngân hàng nước ngoài có 222 triệu tệ. Khi khám đáy giếng của khu biệt thự tại Tế Nam, cảnh sát phát hiện 4,8 triệu USD, 4 triệu euro và 800.000 bảng Anh giấu bên dưới. Giường của Từ Tài Hậu tại khu nghỉ mát riêng ở Chu Hải có gần 9kg vàng. Ông Từ còn “rải” bất động sản khắp Trung Quốc nhưng tài sản đều đứng tên con gái và vợ. Phu nhân ông Từ có 20 căn nhà, con gái 15 căn và một chung cư 10 tầng ở Bắc Kinh cho thuê. Khi bị điều tra 4 khối bất động sản ở Thượng Hải, cơ quan chức năng phát hiện nó được đăng ký bằng tên cháu ngoại 3 tuổi của ông ta.

Cùng đẳng cấp với Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng đã can dự 713 vụ mua quan bán tước, nhận hối lộ tổng số hơn 2,22 tỷ NDT (7.823 tỷ VND). Ông ta còn cùng Từ Tài Hậu lập ra một kho vàng nhỏ, có hơn 320 tài khoản tiền gửi, khi bị niêm phong tháng 5/2013 có tổng số lên tới 79,2 tỷ NDT (277.200 tỷ VND); Quách Bá Hùng còn sở hữu 57 tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm và 50 tài khoản (sổ) mang tên người khác với tổng số tiền 113,517 triệu NDT; Các loại trái phiếu không ghi danh trị giá 15,2 triệu NDT; Vàng thoi, vàng miếng và đồ trang sức vàng tổng cộng 7,5kg; 62 căn nhà và cửa hàng thương mại; 11 khu đất đang và chưa khai thác tổng diện tích 75.000m2.

Xu hướng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc

Giai đoạn trước đây, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung thúc đẩy điều tra rộng khắp, cử các điều tra viên đến khắp nơi, thành lập các cơ quan giám sát cán bộ trong nội bộ chi ủy. Tuy nhiên, các mục tiêu quan chức cấp cao không còn nhiều nên thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung vào các quan chức cấp địa phương hoặc cơ sở. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ chậm lại và trở thành một hình thức giám sát thường lệ. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dựa nhiều vào những phương tiện như Nhóm kiểm tra Trung ương hoặc có thể là Ủy ban Giám sát Quốc gia của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (dự kiến thành lập năm 2019) và những cơ quan chống tham nhũng trực thuộc Viện Kiểm sát và Chính phủ để giám sát không chỉ đảng viên mà còn tất cả cán bộ, công chức; tăng cường lãnh đạo thống nhất tập trung của Đảng đối với công tác chống tham nhũng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời gian tới Trung Quốc sẽ tập trung xét xử những cán bộ lãnh đạo “không dừng lại, không thu tay, tập trung đầu mối vấn đề, bị quần chúng phản ứng gay gắt, hiện giữ cương vị lãnh đạo quan trọng, có thể còn muốn được đề bạt sử dụng”; xét xử nghiêm túc những hành vi dùng lợi ích để kết bè kéo cánh, xây dựng ảnh hưởng cá nhân trong đảng, kết thành nhóm lợi ích, xét xử  nghiêm túc những “kẻ hai mặt” không trung thành, không thành thật, bằng mặt mà không bằng lòng với đảng, vấn đề làm trái với đường lối chính trị của đảng, phá hoại môi trường chính trị trong đảng.

Ngoài ra, CCDI cũng sẽ tập trung xử lý, bắt giữ và điều tra, trừng trị tham nhũng vặt đối với các quan chức địa phương nhằm bảo vệ thiết thực cho lợi ích của quần chúng và làm thay đổi tác phong của cán bộ ở cơ sở và cải thiện môi trường chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa đảng với nhân dân, giữa cán bộ với dân, tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Trung ương Đảng. Văn phòng CCDI (12/2017) đã đưa ra thông báo, quyết định từ năm 2018 đến năm 2020 liên tục triển khai xử lý tập trung vấn đề tham nhũng và xây dựng tác phong trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tiến hành bảo đảm vững chắc cho người dân nông thôn Trung Quốc thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành vào năm 2020. Trọng điểm triển khai lần này vừa có vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, vừa có vấn đề thực hiện thiếu hiệu quả trách nhiệm liên quan. Điều đáng chú ý là các vấn đề như chống chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, quyết sách mù quáng, cách làm dối trá, thoát nghèo bằng con số… cũng sẽ trở thành trọng điểm công tác. Dự kiến, trong 3 năm tới, chống tham nhũng trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo sẽ trở thành nhiệm vụ chống tham nhũng trọng điểm, đặc biệt quan trọng của Trung Quốc.

Song song với chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi”, Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch “lưới trời”, truy bắt quan tham ở nước ngoài. Số liệu cho thấy, từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc tổng cộng bắt về được 1.021 người trốn ra nước ngoài, trong đó có 292 cán bộ đảng viên, số tiền thu được là 903 triệu nhân dân tệ. Trước đó, ngày 27/4/2017, cơ quan truy bắt tội phạm của Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng hình thức thông cáo, công bố manh mối ẩn náu của 22 kẻ chạy ra nước ngoài phạm tội trong thực hiện chức trách hoặc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Bắc. Từ năm 2017, Trung Quốc tích cực xây dựng kênh hợp tác chống tham nhũng quốc tế trên nhiều cấp độ, mở rộng “vòng tay bè bạn” của hợp tác quốc tế chống tham nhũng, tiếng nói và vai trò ảnh hưởng được tăng cường rõ rệt.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy xây dựng trật tự hợp tác chống tham nhũng quốc tế mới lấy truy bắt tội phạm, truy tìm tang vật làm cơ sở, tích cực tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế, tăng cường tiếng nói của Trung Quốc, chẳng hạn chủ động đưa ra các nội dung hợp tác, xây dựng các kênh giao lưu, hợp tác quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới