Nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh trong khu vực của Mỹ theo Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) có thể là vấn đề gây đau đầu cho Trung Quốc.
Sự cạnh tranh giữa Mỹ – Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt trên biển Đông, sẽ càng gay gắt hơn sau khi Washington thông qua đạo luật khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực này.
Giới quan sát cho rằng Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) – được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành trong tuần rồi – là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn duy trì quan hệ với các đồng minh trong khu vực cũng như thuyết phục họ đối đầu với Trung Quốc nếu cần.
Theo đạo luật, Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết an ninh với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và sẽ chi 1,5 tỉ USD/năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Mỹ cũng sẽ thiết lập các quan hệ đối tác an ninh ở Đông Nam Á.
Một phần trong chiến lược của Mỹ sẽ là hoạt động tuần tra tự do hàng hải cùng các đồng minh ở biển Hoa Đông và biển Đông. Đạo luật cũng cho phép Mỹ trừng phạt các tổ chức hoặc chính phủ đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ – một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng bất chấp căng thẳng đang xuống thang trong thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA cho thấy nơi này sẽ chứng kiến tác động từ từ của đạo luật này lên sự cạnh tranh Mỹ – Trung ở Đông Nam Á.
Chuyên gia này nhận định với tờ The South China Morning Post (Hồng Kông): “Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu giữa Mỹ – Trung, ngay cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Donald Trump không thực sự thực thi đạo luật này”.
Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng bất đồng về vấn đề biển Đông. Tàu chiến của hai nước đã xảy ra ít nhất một vụ suýt va chạm nguy hiểm tại vùng biển chiến lược này trong năm qua.
Dấu hiệu cho thấy sự đối đầu đó vẫn tiếp diễn là việc quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hồi tuần rồi nói với các nhà lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc rằng Trung Quốc sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ – Trung vẫn chưa hết gây lo ngại trong khu vực, đến nỗi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng 11 năm ngoái lên tiếng cảnh báo các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn đứng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc.
Ông Koh cho rằng sự can thiệp của các đồng minh khu vực của Mỹ có thể khiến Trung Quốc đau đầu hơn nữa. Chuyên gia này nói: “Đề cập đến khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt, có thể dự đoán được rằng sức ép chiến lược không chỉ xuất phát từ Mỹ mà ARIA dường như cũng nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác của Washington”.
Trong khi đó, ông Tony Nash, Giám đốc Công ty Nghiên cứu Complete Intelligence (Mỹ), cho rằng việc ký ARIA đồng nghĩa với “Mỹ có bạn bè”.
“Tình bạn này dựa trên những cam kết chính trị, kinh tế, quân sự hiện tại chứ không phải các khoản vay hàng tỉ USD. Điều này cho thấy thực tế đối lập với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc đang xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. ARIA thể hiện cam kết của Washington với khu vực” – ông Nash thông tin.
Có quan điểm tương tự với ông Nash, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn Tư vấn chính sách toàn cầu Rand (Mỹ), nói:
“Đây là ví dụ hữu hình nhất cho sự lo lắng thực sự trong chính phủ Mỹ về ảnh hưởng ngày càng lớn và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trước mắt Mỹ với các đồng minh và đối tác”.
Theo chuyên gia này, đạo luật có thể được xem là bước đi đẩy lùi hành vi xấu của Trung Quốc.
Đạo luật ARIA được ban hành trong bối cảnh sắp hết 90 ngày “hòa hoãn” cho phép Washington và Bắc Kinh đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đạo luật này không phải chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc nhượng bộ thương mại.