Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBắc Kinh tích cực tuyên truyền, Đài Loan liên tục phản đối...

Bắc Kinh tích cực tuyên truyền, Đài Loan liên tục phản đối về kêu gọi thống nhất của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Phát biểu tại buổi tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc đã tích cực tuyên truyền và ca ngợi phát biểu của ông Tập Cận Bình, nhằm đánh bóng hình ảnh và tác động, lôi kéo người dân Đài Loan ủng hộ quan điểm thống nhất hai bờ của ông Tập.

Trung Quốc tích cực tuyên truyền

Giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc trích dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình và ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển quan hệ hai bờ eo biển sau 70 năm, nhấn mạnh Trung Quốc phải thống nhất và Đài Loan sẽ không vắng mặt trong tiến trình “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, đồng thời khẳng định Trung Quốc thực hiện thống nhất sẽ mang lại cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước trên thế giới.

40 năm trước, trong lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ra “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã khôi phục mọi quyền lợi hợp pháp tại Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế phổ biến công nhận “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc”. Trong tình hình lúc đó, “Thư gửi đồng bào Đài Loan” nhấn mạnh kiên trì lập trường một nước Trung Quốc, đề xuất các phương châm như kết thúc đối đầu quân sự, thực hiện ba “thông”, tức thông bưu chính, thông thương và thông hàng không, hàng hải, mở rộng giao lưu giữa hai bờ, thúc đẩy quan hệ hai bờ bước sang giai đoạn phát triển thống nhất hòa bình.

40 năm trước, kinh tế Đài Loan phát triển bừng bừng, vượt xa Trung Quốc đại lục; 40 năm sau, Trung Quốc đại lục trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn nhất và điểm đến đầu tư chủ yếu nhất của Đài Loan, hai bờ tăng tốc hình thành “bán kính sinh hoạt một ngày”, trình độ phát triển hội nhập được tăng cường, cảm giác được hưởng lợi của người dân tăng lên. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng hội nhập kinh tế là “phần cứng” trong sự thống nhất của hai bờ, “gắn kết trái tim” giữa người dân hai bờ là “phần mềm”, đây sẽ là cơ sở quan trọng thực hiện thống nhất hòa bình giữa hai bờ và đảm bảo phát triển bền vững. Hai bờ có chế độ khác nhau, xa cách 70 năm, nhưng người dân hai bờ cùng cội nguồn và văn hóa. Văn hóa Trung Hoa lâu nay luôn là cầu nối bền vững giữa nhân dân hai bờ, giao lưu nhân văn có thể tăng cường sự đồng thuận, tăng thêm sự hiểu biết, cũng đặt nền tảng ý dân cho sự thống nhất trong tương lai.

So với 40 năm trước, điều kiện trong và ngoài nước cho thực hiện thống nhất hòa bình hai bờ đã chín muồi hơn, đòi hỏi trí tuệ chính trị mới để dẫn dắt thúc đẩy tiến trình này. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình xuất phát từ xu thế lớn lịch sử, đại nghĩa dân tộc và mong muốn của người dân, đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan “một nước hai chế độ”, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình. Những chủ trương chính sách này vừa kế thừa tư tưởng phát triển quan hệ hai bờ và thúc đẩy thống nhất hòa bình mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần lượt đề ra, lại kết hợp tình hình mới để làm phong phú và phát triển thêm, là phương châm chính sách lớn thực hiện phục hưng dân tộc và thúc đẩy thống nhất hòa bình đất nước của Trung Quốc trong thời đại mới. Đáng chú ý, trong 5 điều của bài phát biểu, ông Tập Cận Bình đề xuất rõ ràng các giới hai bờ phải tìm tòi phương án Đài Loan theo “Một quốc gia, hai chế độ”. “Một quốc gia, hai chế độ” được cộng đồng quốc tế cho rằng là mô hình tốt nhất thể hiện trí tuệ của Trung Quốc giải quyết công việc nội bộ quốc gia. Phương án Đài Loan theo “Một quốc gia, hai chế độ” sẽ khác với mô hình Hồng Công và Ma Cao, sẽ chiếu cố đầy đủ đến phúc lợi của nhân dân hai bờ, trong tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, vị thế, chế độ xã hội, phương thức sống, lợi ích của Đài Loan đều sẽ được tôn trọng và đảm bảo đầy đủ, và sẽ ban hành chế độ liên quan. Cụ thể mà nói, 5 điều trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không những cho biết mục tiêu thống nhất hòa bình của Trung Quốc là thúc đẩy phục hưng dân tộc Trung Hoa, mà còn bày tỏ nguyện cùng các giới Đài Loan hiệp thương bình đẳng, cùng thảo luận phương án Đài Loan theo “Một quốc gia, hai chế độ” để thực hiện thống nhất đất nước, nguyện sâu sắc hội nhập phát triển giữa hai bờ trong các mặt kinh tế, văn hóa, y tế, an sinh xã hội… nhằm tạo không gian rộng mở cho thống nhất hòa bình, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm túc, tuyệt đối không dành bất cứ không gian nào cho các hoạt động chia rẽ “Đài Loan độc lập”.

Sau 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên mới, càng tiếp cận mục tiêu phục hưng dân tộc Trung Hoa hơn bao giờ hết, càng có nền tảng và điều kiện thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình hai bờ. Về điều này, truyền thông Đài Loan cũng phải công nhận: Trung Quốc đại lục đã nắm chắc quyền chủ đạo và chủ động trong phát triển quan hệ hai bờ. Người Trung Quốc hiện đang nỗ lực xốc tới trên con đường thực hiện ước mơ, là một phần trong đó, người dân Đài Loan không thể, cũng sẽ không vắng mặt, cũng cần nỗ lực phấn đấu vì cuộc sống sung túc và tốt đẹp. Đúng như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu rõ: Tiền đồ của Đài Loan là ở thống nhất đất nước, phúc lợi của đồng bào Đài Loan gắn liền với phục hưng dân tộc; vấn đề Đài Loan phát sinh bởi dân tộc yếu và chiến tranh loạn lạc, tất sẽ kết thúc cùng với sự phục hưng dân tộc. Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc đánh giá sự ảnh hưởng của quan hệ hai bờ đối với Đài Loan trong 40 năm qua, nhất là trong vài năm qua, cho rằng mọi người sẽ “rất dễ hiểu lời khuyến cáo trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình”, đó là “Kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, thì quan hệ hai bờ được cải thiện và phát triển, đồng bào Đài Loan được hưởng lợi ích. Đi ngược với nguyên tắc một nước Trung Quốc, thì dẫn đến quan hệ hai bờ căng thẳng và bấp bênh, làm phương hại tới lợi ích thiết thân của đồng bào Đài Loan”.

Phản ứng trái ngược của Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (5/1) cho biết bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan; nhấn mạnh mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của hai bên và Đài Loan không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải “đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với Đài Bắc”.

Trước đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng bác bỏ ý tưởng này của ông Tập Cận Bình khi tuyên bố: “Là nhà lãnh đạo của Đài Loan, tôi chính thức tuyên bố rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận “Đồng thuận 1992” vì lo ngại rằng văn bản được gọi là đồng thuận do chính quyền Bắc Kinh quy định này chỉ mang ý nghĩa “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”. Những gì ông Tập Cận Bình nói hôm nay đã xác nhận những lo ngại của chúng tôi và tôi phải khẳng định rằng Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Phần lớn dư luận Đài Loan cũng phản đối điều này”. Bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc đại lục, nhưng chỉ với tư cách là chính quyền dân chủ. Ngoài ra, bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào giữa hai bờ eo biển phải được trao quyền cũng như giám sát bởi cơ quan lập pháp và tiến hành dưới hình thức hai chính quyền với nhau. “Không cá nhân hay tổ chức nào có thể đại diện cho công chúng Đài Loan trong các cuộc đối thoại chính trị” với Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn nói. Đây được xem là sự quay lưng rõ ràng của nhà lãnh đạo Đài Loan đối với đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) do bà Thái Anh Văn làm đại diện đã kiểm soát cơ quan lập pháp và kịch liệt phản đối các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn cũng chỉ trích mạnh mẽ việc ông Tập mời các đảng, nhóm và cá nhân chính trị từ Đài Loan tham gia đàm phán về các vấn đề chính trị xuyên eo biển. Bà nói rằng trong một nền dân chủ, tất cả các cuộc đàm phán chính trị liên quan đến quan hệ qua eo biển đều cần có sự ủy nhiệm của người dân và phải được giám sát công khai. Bà Thái cũng một lần nữa nhắc lại đề nghị về 4 vấn đề trong mối quan hệ xuyên eo biển: Trung Quốc phải công nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi tự xưng của Đài Loan), tôn trọng nền dân chủ và tự do của 23 triệu người Đài Loan, giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và công bằng, tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ Đài Loan hoặc một tổ chức có sự ủy nhiệm từ chính phủ Đài Loan.

Trong bài diễn văn năm mới, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn (1/1) cho biết bà hiểu “rất rõ” lập trường của chính quyền Đài Loan và “Trung Quốc phải tích cực thừa nhận thực tế rằng có sự tồn tại của Đài Loan, đồng thời ngừng phủ nhận chế độ dân chủ do người dân Đài Loan thiết lập”. Bất chấp sức ép từ Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn cho biết chính quyền của bà không có bất kỳ động thái nào khiêu khích đại lục và cũng không có ý định làm như vậy trong tương lai. Ngược lại, theo bà Thái, Bắc Kinh đã lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, tổ chức tập trận để hăm dọa hòn đảo này, thậm chí từ chối hợp tác với Đài Loan trong việc dập tắt dịch cúm lợn châu Phi khiến hàng triệu con lợn tại Trung Quốc đại lục bị chết và đe dọa Đài Loan.

Hội đồng các vấn đề Đại lục cũng ra tuyên bố bác bỏ đề xuất của ông Tập về đàm phán dân chủ và chính trị trên cơ sở sự “đồng thuận 1992” và nhấn mạnh rằng việc đưa “Một Trung Quốc” trở thành điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán như vậy là cố chia rẽ Đài Loan và xóa bỏ chủ quyền của Đài Bắc.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cáo buộc ông Tập đang ép buộc nguyên tắc “Một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Đài Loan. Người phát ngôn đảng Dân Tiến (DPP) Hà Mạnh Hoa phản đối việc Chủ tịch Tập dựa nguyên tắc “một Trung Quốc” để diễn giải hai bờ cùng thuộc một nước, cáo buộc nguyên tắc này nhằm mục đích xóa sổ Đài Loan rồi đưa hòn đảo này đặt dưới sự cai trị của Bắc Kinh theo kiểu “một quốc gia, hai chế độ”.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu, người từng giữ vị trí Chủ tịch Quốc dân Đảng, đánh giá điều kiện cho thống nhất chưa chín muồi. Ông cũng lưu ý “Đồng thuận 1992” nêu rõ mỗi bên có quyền tự do giải thích nguyên tắc “một Trung Quốc” theo ý mình chứ không như những gì Chủ tịch Tập phát biểu. Cũng theo cựu lãnh đạo Mã, thống nhất phải đạt được bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với ý chí của người dân Đài Loan.

Dư luận không hề như mong muốn của ông Tập Cận Bình

Trang tin Đài Loan Taiwan News (3/1) dẫn lại khảo sát năm 2018 của Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan. Theo đó, chỉ có 3% dân Đài Loan muốn thống nhất ngay, và chỉ có 12,5% muốn sau này thống nhất. Đáng chú ý, Taiwan News (4/1) cũng dẫn lại khảo sát qua phone của Hiệp hội Chính sách Lưỡng ngạn, thực hiện cho biết 84,1% người Đài Loan được hỏi đã không chấp nhận cái gọi là “đồng thuận 1992” về “nguyên tắc một Trung Quốc”.

Trong khi đó, Quốc Dân đảng (KMT) lại cho rằng điều quan trọng là hai bên phải tiếp tục hợp tác với nhau theo hệ thống chính trị của từng bên, vì hầu hết người dân Đài Loan muốn duy trì hiện trạng như bây giờ. Theo Washington Post, các đảng phái chính trị vốn đối đầu gay gắt tại Đài Loan đã cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi sau đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình. Ngay cả KMT, một đảng thân Bắc Kinh, cũng cho rằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là điều không thể chấp nhận được đối với Đài Loan vì mô hình này không được công chúng ủng hộ. Sự phản đối của KMT, đảng chính trị vốn ủng hộ mạnh mẽ nhất việc cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, càng cho thấy khó khăn của ông Tập trong việc giải quyết mối bất hòa kéo dài suốt 70 năm giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình. Một số nhà phân tích cũng đưa ra nhận định tiêu cực với bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình và cho rằng người dân hòn đảo khó mà chấp nhận phương án thống nhất bằng vũ lực. Không những vậy, phía Đài Loan có thể dựa vào tấm gương Hồng Kông để từ chối “một quốc gia, hai chế độ”.

Giới phân tích nhận định trong bài phát biểu mới đây của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ đặt ra những nguyên tắc chỉ đạo cho viễn cảnh thống nhất Đài Loan thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng với Hồng Công và Macau, mà còn định hình lại Đồng thuận 1992 dựa trên nhận thức rằng hai bờ eo biển Đài Loan nên hợp tác với nhau để thống nhất thành một Trung Quốc. Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Chengchi Đài Loan Wang Hsin-hsien cho biết, bằng cách nhấn mạnh rằng hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về một Trung Quốc và cả hai đều phải tìm cách để thống nhất, đồng thời dập tắt thẳng thừng ý tưởng “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan” và sự độc lập của Đài Loan, ông Tập Cận Bình đã bác bỏ lập trường kiên quyết của bà Thái Anh Văn về chủ quyền của Đài Loan cũng như phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan. Chuyên gia Bonnie Glaser ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định hai nhà lãnh đạo Tập – Thái cùng đưa ra phát biểu quan trọng là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bờ khó cải thiện, nhưng chưa đến nỗi đem lại nguy cơ bùng nổ xung đột.

Trang Focus Taiwan dẫn lời một nguồn tin nội bộ Quốc dân đảng đánh giá: “Phía Bắc Kinh nên hiểu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” không đủ sức hút với Đài Loan”.

Tuy nhiên, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc Wang Kung-yi nhận định bài phát biểu của ông Tập Cận Bình và bà Thái Anh Văn cho thấy lập trường của hai nhà lãnh đạo vẫn còn cách rất xa trước khi đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên theo giáo sư Wang, lập trường của Bắc Kinh tương đối hòa giải so với những tuyên bố từ phe “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc. Ông Wang Kung-yi nhấn mạnh, một điều dễ hiểu là Đài Loan, đặc biệt dưới thời chính quyền Thái Anh Văn, đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình do lập trường ủng hộ độc lập của đảng DPP. Tuy nhiên bài phát biểu của ông Tập vẫn là kim chỉ nam cho việc giải quyết các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan trong tương lai và chính quyền Đài Loan không thể phớt lờ điều này. Vì bất kể chính quyền Thái Anh Văn có chấp nhận đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không, Bắc Kinh sẽ vẫn thúc đẩy kế hoạch của mình nhằm buộc Đài Loan phải lựa chọn người đại diện đàm phán, từ đó “thể chế hóa việc dàn xếp” bất kỳ cấu trúc khả thi nào cho kế hoạch thống nhất trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới