Người phát ngôn Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (8/1) ra tuyên bố, nhận lời mời của Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 7/1-10/1.
Trước đó, theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc, ông Kim Jong-un sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 8/1. Chuyến thăm này được cho là sẽ củng cố vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán với Mỹ trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 có thể sẽ diễn ra trong thời gian không xa. Chuyến thăm cũng được đánh giá là “một diễn biến tích cực” và đang được dư luận quốc tế, đặc biệt những nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản hết sức quan tâm.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông Kim Jong-un
Đây là chuyến thăm lần thứ 4 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ những nội dung chi tiết gì sẽ được hai nhà lãnh đạo Trung – Triều thảo luận trong cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 4 này. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un đang làm dấy lên đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rất có thể muốn tận dụng cơ hội tham vấn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cũng có ý kiến lại cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ như đang muốn tăng cường mối quan hệ với ông Tập Cận Bình để tạo đòn bẩy buộc Mỹ phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân.
Giống bất cứ chuyến công du Trung Quốc trước đó của ông Kim Jong-un, chuyến thăm lần thứ 4 này cũng không được thông báo trước và truyền thông quốc gia mỗi bên chỉ xác nhận sau khi ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc. Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần này, ngoài phu nhân Ri Sol-ju còn có các quan chức cấp cao của Triều Tiên như ông Kim Yong-chol, Ri Su-yong, Pak Thae-song, Ri Yong-ho, No Kwang-chol. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm được coi là khá đặc biệt, trùng dịp sinh nhật của ông Kim Jong-un và cũng trùng thời điểm diễn ra cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như triển vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai trong thời gian tới.
Quan hệ Trung – Triều gần đây
Trung Quốc là đồng minh thân cận và duy nhất của Triều Tiên. Các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từng khiến Trung Quốc không hài lòng nhưng đột phá trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và phương Tây khiến Bắc Kinh phải có điều chỉnh trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bên cạnh vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược khi đảm bảo Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi hiện nay có đến 28.500 đơn vị quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng từng có quan hệ mật thiết trong lịch sử. Trung Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần gọi nhau là “đồng minh xương máu” từng kề vai sát cánh trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953. Sau Chiến tranh Triều Tiên, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận trong vài thập kỷ, trước khi ông Kim Jong-un kế nhiệm người cha quá cố.
Việc Triều Tiên ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường thử nghiệm tên lửa hạt nhân năm qua đã khiến quan hệ song phương đi xuống nhanh chóng. Khi Trung Quốc ủng hộ những nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, các cơ quan truyền thông trung ương Triều Tiên liền chỉ trích công khai và thậm chí đe dọa Trung Quốc. Gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục có những dấu hiệu “làm lành” trong Thế vận hội mùa đông và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc đã “bắt” được những tín hiệu này và muốn nối lại quan hệ với Triều Tiên. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với ông Kim Jong-un rằng các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau “như những người họ hàng” và đề nghị lãnh đạo hai bên thiết lập các kênh liên lạc mới. Tân Hoa Xã cũng khẳng định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un đánh dấu một bước đột phá cho mối quan hệ từng lạnh nhạt giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), phát biểu tại bữa yến tiệc chiêu đãi, ông Kim Jong-un đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính quyền Bắc Kinh vì đã chấp thuận đề xuất viếng thăm Trung Quốc của ông, cùng sự tiếp đón nồng hậu và những nỗ lực giúp chuyến thăm diễn ra thành công. Trung Quốc vẫn ủng hộ cách tiếp cận kép đối với Triều Tiên: đó là gây áp lực song song với tăng cường đối thoại. Cách tiếp cận này trái ngược với đề xuất gây áp lực tối đa của chính quyền ông Trump.
Ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định chuyến thăm cho thấy ông Kim Jong-un vẫn xem Trung Quốc là đồng minh.Trong khi đó, Bắc Kinh chấp nhận đề xuất của Bình Nhưỡng vì muốn tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ, được Trung Quốc xem là giúp ích cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, ông Zhou thừa nhận Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên và động cơ đằng sau chuyến thăm là lợi ích của chính Bình Nhưỡng. Còn ông Jia Qingguo, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh, phân tích: Triều Tiên cũng có thể lợi dụng tình hình Mỹ-Trung căng thẳng vì nguy cơ chiến tranh thương mại để kéo Bắc Kinh về phía mình. Trung Quốc muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa, những không muốn xa lánh Triều Tiên trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi nhanh chóng.
Thế giới đang dõi theo chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un
Hiện chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan. Phát biểu với báo giới ngày hôm nay (8/1), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga khẳng định, chính phủ nước này đang rất quan tâm tới chuyến thăm, tuy nhiên từ chối bình luận về ý định của Triều Tiên cũng như Trung Quốc và những tác động của chuyến thăm vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Trong khi, giới chức Hàn Quốc cũng đã lên tiếng hoan nghênh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm có thể góp phần vào nỗ lực phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom hôm nay cho biết Hàn Quốc đã được cả Triều Tiên và Trung Quốc thông báo trước về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên, bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Trung cũng sẽ dẫn tới cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Triều Tiên và Mỹ: “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc sẽ góp phần đóng góp vào nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Các cuộc trao đổi đang diễn ra giữa hai miền Triều Tiên, giữa Triều Tiên và Trung Quốc và giữa Triều Tiên với Mỹ, chúng tôi hy vọng mỗi cuộc trao đổi như thế này sẽ đều có tiến triển và kéo theo những diễn biến tích cực cho các cuộc trao đổi khác. Chúng tôi cũng đặc biệt hy vọng chuyến thăm lần thứ 4 tới Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Triều Tiên và Mỹ”. Cùng quan điểm trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết, Chính phủ Hàn Quốc hi vọng rằng các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc đàm phán cấp cao giữa Triều Tiên và Trung Quốc, bao gồm cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ có thể góp phần thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên; đồng thời cam kết Hàn Quốc sẽ tiếp tục cố gắng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các hoạt động ngoại giao tương tự mà hai miền Triều Tiên cũng như các cường quốc khu vực đang thực hiện.
Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng ông Kim cần lời khuyên từ ông Tập về cách thức đương đầu với ông chủ Nhà Trắng vì nhà lãnh đạo Triều Tiên thiếu kinh nghiệm về ngoại giao thượng đỉnh. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ tìm cách thu về càng nhiều lợi thế càng tốt trước các cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc rõ ràng là quân bài tốt nhất giấu trong tay áo. Cuộc gặp ông Tập Cận Bình có thể giúp ích khi ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã nhắc ông ta về lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề hạt nhân.
Thông điệp của ông Kim Jong-un khi tới thăm Trung Quốc
Các chuyên gia nhận định việc ông Kim Jong-un đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc hội đàm cấp cao với người láng giềng Triều Tiên sẽ đảm bảo Bắc Kinh không bị cho “ra rìa” khỏi bất kì thỏa thuận nào giữa hai bên Mỹ-Triều. Ông Wang Peng, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viên Charhar, Bắc Kinh, nhận định: Cuộc hội đàm của ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình đã giúp Triều Tiên nâng cao vị thế trước thềm hội nghị thượng đỉnh cấp cao Mỹ-Triều. Triều Tiên muốn nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc để có thêm tiếng nói và sự tự tin để đạt được kết quả tốt trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Mỹ.
Rõ ràng chưa thể ngay lập tức khẳng định mục đích chính trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, song nhìn chung các bên đều đánh giá tích cực bước đi mới này của Bình Nhưỡng. Có vẻ như việc lựa chọn thời điểm đầu năm để thực hiện chuyến thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn ngầm khẳng định lại cam kết mạnh mẽ mà chính ông đưa ra trong thông điệp Năm mới 2019, đó là theo đuổi đến cùng nỗ lực phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng mục đích chuyến thăm này của ông Kim Jong-un là tìm kiếm sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc về triển khai đường hướng chính sách mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phác thảo trong thông điệp đầu năm mới, mặt khác nhằm củng cố vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Sean King, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là Phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies, nhận định Triều Tiên có xu hướng dựa vào sự bảo lãnh an ninh của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo ông Sean King, nếu ông Kim Jong-un thực sự sẽ gặp ông Donald Trump lần hai, ông ấy chắc chắn sẽ muốn tham vấn ông Tập Cận Bình trước khi một lần nữa bước ra trường quốc tế. Ông Kim Jong-un dường như muốn có được cam kết bảo lãnh từ Bắc Kinh.
Nhận định về chương trình nghị sự chuyến thăm, ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejon ở Seoul (Hàn Quốc), cho rằng cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Tập có thể sẽ tập trung vào vấn đề giải trừ hạt nhân, thiết lập cơ chế hòa bình thay thế cho hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên. Cũng theo chuyên gia này, không loại trừ khả năng, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un sẽ thảo luận việc đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên để tiến hành dỡ bỏ – một vấn đề mà Mỹ muốn giải quyết.
Harry J. Kazianis, một chuyên gia nghiên cứu tại Washington, cho rằng: “Ông Kim Jong-un muốn nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Trump rằng ông ấy vẫn có những phương án ngoại giao và kinh tế ngoài những phương án mà Washington và Seoul đưa ra. Trung Quốc cũng có thể dễ dàng khiến chiến lược của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép tối đa với Triều Tiên rơi vào quên lãng”. Với Trung Quốc, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm “không thể thuận lợi hơn” khi đang diễn ra đàm phán thương mại Mỹ-Trung và rõ ràng Trung Quốc có trong tay quân bài Triều Tiên và có thể tung ra bất cứ khi nào cần. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (7/1) nhấn mạnh, hai vấn đề này hoàn toàn không liên quan. “Phía Trung Quốc đã thể hiện rõ với chúng tôi rằng đây là hai vấn đề không liên quan. Hành động của họ đã cho thấy như vậy và chúng tôi đánh giá cao điều đó”, ông Pompeo nói. Về phần mình, ông Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định rằng đây là một chiến lược của ông Kim Jong-un nhằm tận dụng sự cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc. “Điều này giúp ông Kim Jong-un có cơ hội tốt nhất để đạt được mục tiêu có thể đồng thời phát triển hạt nhân và phát triển kinh tế”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á của Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) Phương Hạo Phạm nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un có ít nhất 3 điểm lớn đáng xem xét. Thứ nhất, chuyến thăm được ông Kim thực hiện để cho thế giới thấy Trung Quốc và Triều Tiên là các nước láng giềng hữu hảo. Diễn ra vào đúng sinh nhật của ông Kim Jong Un, chuyến thăm này rõ ràng có ý nghĩa lớn. Thứ hai, diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai, chuyến thăm này sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho ông Kim. Theo ông Phương, ông Kim có thể sẽ tham khảo các ý kiến của Bắc Kinh về cuộc gặp Mỹ – Triều lần hai cũng như bước đầu nói về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp. Thứ ba, trong chuyến thăm bốn ngày tại Trung Quốc, ông Kim có thể sẽ tham gia các chuyến khảo sát kinh tế bên ngoài Bắc Kinh và thảo luận hợp tác kinh tế Trung – Triều.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị quốc tế Vương Sinh tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un cũng là nền tảng quan trọng để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai diễn ra thuận lợi, trong bối cảnh Bình Nhưỡng muốn thoát khỏi vòng vây trừng phạt của quốc tế. Với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần một cũng như cuộc gặp sắp tới, Bình Nhưỡng luôn muốn bước lên vũ đài chính trị “mặt đối mặt” bằng một hậu phương vững chắc. Bình Nhưỡng xem Bắc Kinh là một yếu tố không thể thiếu trong các chuyển động của bán đảo Triều Tiên.
Ông Han Suk-hee, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Yonsei, lại cho rằng quyết định thay đổi bộ máy nhân sự Nhà Trắng gần đây của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của ông Kim Jong-un. Ví dụ, việc bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton – người đặc biệt cứng rắn trong các chính sách đối ngoại – rất có thể đã khiến Triều Tiên gia tăng lo ngại trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, và có vẻ Triều Tiên chỉ sẵn sàng đối phó với Mỹ nếu nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc.