Đài Loan là một nước có chủ quyền, có biên cương lãnh thổ, có đơn vị tiền tệ, có quân đội và một nền ngoại giao. Tuy nhiên, quốc đảo này chỉ được hơn 15 nước thừa nhận bởi vì Bắc Kinh gây sức ép với các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016 khi chính quyền bà phản đối nguyên tắc “Đồng thuận 1992” trong khi một số đảng còn lại như Quốc dân đảng hay Tân đảng lại ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Trung Quốc liên tục đe dọa sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) tuyên bố không từ bỏ biện pháp dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Chỉ vài ngày sau, ông Tập tiếp tục yêu cầu quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ phát động một chiến dịch quân sự để thu hồi Đài Loan trong thời gian tới.
Phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Hà Lôi (10/1) cho rằng cần phải coi những người ủng hộ Đài Loan độc lập là “tội phạm chiến tranh”, nhấn mạnh “những người ủng hộ Đài Loan ly khai phải dừng lại đúng lúc để tránh thảm họa, từ bỏ và trở lại với con đường đúng đắn. Nếu không thì họ sẽ trở thành những kẻ cặn bã của dân tộc Trung Quốc và sẽ bị lịch sử lên án”. Ông Hà Lôi cung cho rằng nếu Trung Quốc phải dùng vũ lực để dàn xếp vấn đề Đài Loan, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm. Nói một cách khác, họ sẽ không thể tránh khỏi việc bị coi là tội phạm chiến tranh.
Nguyên Phó tư lệnh viên Quân khu Nam Kinh, Trung tướng Vương Hồng Quang cho rằng “quân đội Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan chỉ trong 100 giờ, tuyệt đối không cho Mỹ, Nhật Bản cơ hội điều động quân đội đến cứu viện. Ông Vương Hồng Văn còn chỉ ra, nếu không có điều kiện đánh úp, quân đội Trung Quốc có thể chuyển sang “phong tỏa”, lợi dụng chính sách vây chặt để gây khó, khiến Đài Loan trở thành “đảo chết”.
Trung Quốc đang được trang bị đầy đủ khả năng để tấn công Đài Loan
Chuyên gia Ian Easton tại Viện Nghiên cứu dự án 2049 (Mỹ) vừa công bố cuốn sách mới The Chinese Invasion Threat (Mối đe dọa xâm lược từ Trung Quốc), trong đó khẳng định Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa hoàn tất việc lập kế hoạch bí mật tấn công Đài Loan vào năm 2020. Kế hoạch có tên gọi “Chiến dịch tấn công đảo hỗn hợp” này được bàn luận nhiều trong các tài liệu nội bộ bị rò rỉ của PLA. Theo kế hoạch, PLA sẽ tấn công bất thần vào những hệ thống phòng thủ bờ biển nhằm gây ra thiệt hại lớn trong giai đoạn đầu để Đài Loan sẽ phải đầu hàng trước khi quân đội Mỹ triển khai lực lượng đến khu vực. Quá trình tấn công Đài Loan gồm có 3 giai đoạn: phong tỏa – dội bom, đổ bộ và tác chiến trên đảo. Trong giai đoạn đầu, PLA sẽ phong tỏa biển và không phận, phóng tên lửa ồ ạt vào 1.000 mục tiêu ở Đài Loan. Kế đến, tàu chiến sẽ được triển khai tấn công 14 vị trí ở bờ biển Đài Loan.
Trung Quốc được cho là đã bố trí 1.000 tên lửa đạn đạo và hành trình với tầm bắn đủ sức vươn tới Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ dùng lực lượng biệt kích để bắt cóc hoặc sát hại những chính trị gia, sĩ quan, chuyên gia vũ khí và nhà khoa học chủ chốt của Đài Loan. Chuyên gia Easton cho rằng nỗ lực tấn công Đài Loan sẽ gây nhiều trở ngại và tốn kém cho PLA. Một cẩm nang do PLA ban hành nội bộ cũng cảnh báo địa hình và khả năng phòng thủ của Đài Loan sẽ đòi hỏi họ có những chiến lược quân sự tốt và chấp nhận hy sinh lớn. Để đối phó tốt hơn, ông Easton nhận định Đài Loan cần mở rộng kho tên lửa tầm xa, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, pháo và triển khai vũ khí ở những khu vực gần Trung Quốc nhất.
Trong khi đó, theo báo The Washington Free Beacon, một cuộc tấn công Đài Loan tiềm tàng của Trung Quốc khiến không quân Mỹ lo ngại rằng PLA có thể tấn công những căn cứ Mỹ gần đó. Giới sĩ quan hải quân Mỹ cũng lo sợ tàu ngầm Trung Quốc sẽ đánh chìm tàu sân bay nước này hoặc soái hạm USS Blue Ridge, tàu chỉ huy duy nhất của Mỹ ở khu vực. Một số quan chức Mỹ khác còn lưu ý một cuộc xung đột giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân Mỹ – Trung.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và khách quan, năng lực quốc phòng của Trung Quốc đã được cải thiện và đang sở hữu nhiều loại khí tài hiện đại, có đủ khẳ năng đáp trả các cuộc tấn công quy mô lớn. Năng lực hải vận chủ lực của quân đội Trung Quốc đã được tăng cường, với khả năng vận chuyển 4 sư đoàn gồm 40.000 binh lính và 800 xe tăng – phụ thuộc vào cấu hình và yêu cầu nhiệm vụ. Hải quân Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các tàu tấn công đổ bộ, bao gồm 7 tàu dock đổ bộ 70.000 tấn và 6 tàu đổ bộ chở trực thăng có lượng giãn nước từ 20.000 – 40.000 tấn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện từ các nguồn bên ngoài để vận chuyển thêm 8-12 sư đoàn, tương đương 80.000 – 120.000 lính. Bắc Kinh hiện có 104.000 sà lan tự hành do các công ty thương mại vận hành, nhiều chiếc trong số chúng là kiểu ro-ro. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện này đòi hỏi phải đảm bảo được một bến cảng an toàn trong bối cảnh xung đột.
Về khả năng không vận, quân đội Trung Quốc có kế hoạch chế tạo 400 máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Về trực thăng, lực lượng lục quân Trung Quốc hiện có hơn 1.000 chiếc. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc giành được sân bay Taoyuan của Đài Loan thì nước này có thể triển khai tới 3.000 máy bay dân dụng Boeing và Airbus để vận chuyển binh lính và trang thiết bị. Trung Quốc sẽ có 1.500-2.000 máy bay chiến đấu, sẵn sàng cho nhiệm vụ tấn công, vào năm 2020, với các loại chủ lực là Thành Đô J-10, Thẩm Dương J-11 (bản sao của Su-27) và J-16.
Đáng chú ý, Trung Quốc hiện đang sở hữu một số loại vũ khí hiện đại, giúp nước này áp đảo trong cuộc chiến với Đài Loan:
Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo là máy bay chiếm ưu thế trên không hàng đầu trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc mua hơn hai chục máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 trong hai năm qua, giúp không quân nước này tăng khả năng thực hiện các hoạt động không quân tầm xa chống lại Đài Loan hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác. Ngoài cấu hình không đối không đáng gờm, Su-35 còn có khả năng tấn công tinh vi và tầm bắn hiệu quả cho phép nó đe dọa mục tiêu dưới mặt đất. Không quân Trung Quốc cũng có nhiều máy bay khác có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên bầu trời Đài Loan, ví dụ như tiêm kích J-20. Nhưng tính ở thời điểm hiện tại, Su-35 đã đủ gây vấn đề với lực lượng không quân Đài Loan.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không nguy hiểm nhất thế giới, S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, nghĩa là vượt qua cả Đài Loan. Như một số nhà phân tích từng nói, hiệu quả của S-400 ở tầm xa bị hạn chế. Tuy nhiên, nó vẫn làm phức tạp thêm việc sử dụng không phận của quân đội Đài Loan và có khả năng ngăn chặn toàn bộ việc sử dụng không phận Đài Loan cho mục đích thương mại. Chưa kết, S-400 cũng có thể ngăn vận chuyển thiết bị và hàng hóa qua đường hàng không và đường biển đến hòn đảo trong điều kiện chiến tranh. Nếu muốn hạ S-400, Đài Loan phải thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào đất liền Trung Quốc. Chuyên gia nói rằng đây sẽ là một thử thách lớn với quân đội Đài Loan.
Một trong những sức mạnh quân sự của Trung Quốc là tên lửa đạn đạo. Kho vũ khí lớn của Trung Quốc chứa nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể gây ra thiệt hại thảm khốc cho cơ sở hạ tầng quân sự của Đài Loan. Các căn cứ không quân và cảng Đài Loan có khả năng bị tấn công từ tên lửa Trung Quốc. Tên lửa chết chóc nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc, theo quan điểm của Đài Loan, là DF-16. Nó có tầm bắn 1.000 km và có thể mang đầu đạn nặng 1500 kg. DF-16 cũng được đánh giá là tên lửa khó có thể bị đánh chặn. Đài Loan có các hệ thống chống tên lửa đạn đạo nội địa và nước ngoài, nhưng không ai biết chúng có thể chống đỡ tên lửa liên tiếp hay không. Mạng lưới phòng không Đài Loan cũng sẽ phải đối đầu với cả tên lửa hành trình và máy bay có người lái. Đài Loan có thể củng cố thêm các căn cứ không quân và phân tán cơ sở hạ tầng nhưng có lẽ đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn.
Tàu đổ bộ lớp 075 LHD. Trung Quốc đang chế tạo lớp tàu đổ bộ tấn công lớn nhất đất nước. Những con tàu lớp 075 này cho phép quân đội thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ tinh vi chống lại mục tiêu được bảo vệ. Với trọng lượng 40.000 tấn, Type 075 có kích thước tương tự các tàu đổ bộ lớn nhất của Mỹ nhưng không có nhiệm vụ phòng không và tấn công như các tàu Mỹ. Mặc dù tàu lớp 075 vẫn chưa chính thức hoạt động, các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chế tạo ba chiếc lớp 075. Cấu hình chính xác của loại tàu này vẫn chưa được biết chắc, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó có khả năng chở hơn hai chục máy bay trực thăng tấn công và vận tải. Như vậy là đủ để dùng trong một cuộc tấn công chống lại hệ thống phòng thủ Đài Loan, theo chuyên gia.
Tàu đổ bộ lớp 071 LPD: Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc quyết định tăng cường mạnh khả năng tấn công đổ bộ bằng việc mua một lớp tàu vận tải đổ bộ. Có kích thước tương đương tàu San Antonio lớp LPDs của Hải quân Hoa Kỳ, tàu lớp 071 có thể chở 800 binh sĩ, 4 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện tấn công đổ bộ nhỏ. Mặc dù tàu lớp 071 chỉ có khả năng phòng thủ tối thiểu, chúng có thể di chuyển với tốc độ 46 km/h. Kết hợp với tàu lớp 075 LHD, tàu lớp 071 là mối đe dọa đáng gờm đối với lực lượng trên biển của Đài Loan. Tính đến tháng 1/2019, Trung Quốc đã sở hữu 6 tàu này và sắp có thêm 2 chiếc.
Đài Loan cũng có những bước chuẩn bị đề phòng Trung Quốc
Chủ tịch Tân đảng Đài Loan Úc Mộ Minh cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền bà Thái Anh Văn có khuynh hướng ngả sang phía Mỹ khiến Đài Loan trở thành “con tốt” của Mỹ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh, hơn nữa mục tiêu sản xuất công nghiệp được chú trọng hiện nay tại Cao Hùng cũng là phát triển lĩnh vực công nghiệp quân sự, nhấn mạnh tất cả những biểu hiện này cho thấy Đài Loan đang hướng tới chiến tranh; đồng thời cảnh báo theo Luật chống ly khai của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ ra tay nếu Đài Loan xuất hiện bất ổn.
Về phần mình, Đài Loan rõ ràng cũng tìm cách để “nắn gân” Trung Quốc rằng hòn đảo này không phải là một mục tiêu dễ bị tấn công. Đài Bắc có kế hoạch chi 11 tỷ USD cho hoạt động phòng vệ trong năm nay, tăng 6% so với năm 2018. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như các vũ khí do Đài Loan tự sản xuất. Ngày 2/1, Đài Loan đã “trình làng” tên lửa chống hạm mới nhất do hòn đảo này tự chế tạo, có khả năng gây ra thương vong lớn nếu được sử dụng trong các cuộc xung đột.
Quân đoàn 10 thuộc lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày 17/1 tại khu vực Fanzailiao ở miền trung để mô phỏng tình huống thành phố Đài Trung bị tấn công. Đây là hoạt động đầu tiên trong loạt cuộc tập trận với chiến thuật mới nhằm đề phòng một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục sẽ được Đài Loan tổ chức trong năm nay. Theo một nguồn tin quân sự, cuộc tập trận sẽ được tiến hành trong một tiếng rưỡi, với sự tham gia của pháo phản lực Thunderbolt-2000, trực thăng tấn công AH-64E Apache, tên lửa Hellfire và một số loại pháo khác. Trước đó, thiếu tướng Yeh Kuo-hui thuộc cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố hòn đảo này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận năm 2019 dựa trên các chiến thuật mới được xây dựng nhằm chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng IIE của Đài Loan được đặt tại một căn cứ ở Taoyuan, cách thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chưa đầy 200 dặm (khoảng 320km). Tính đến tầm bắn lên tới từ 620 dặm đến 930 dặm (tương đương từ gần 1.000km đến 1500km) của các tên lửa hành trình, VLT Đài Loan có khả năng nhằm mục tiêu vào các tỉnh, thành phố và khu vực của Trung Quốc gồm Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Đông và Chiết Giang nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và hòn đảo Đài Loan leo thang thêm nữa, tờ Kanwa bình luận. Dựa vào tầm bắn, tất cả các lò phản ứng của nhà máy hạt nhân, các cơ sở dầu mỏ chiến lược gần Chu San (thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc) và Đường sắt Bắc Kinh-Kowloon cùng với các hệ thống đường sắt tốc độ cao và hầm ngầm khác sẽ trở thành mục tiêu của Đài Loan.
Kịch bản nào cho cuộc tấn công đổ bộ vào Đài Loan
Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc.
Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển.
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân.
Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc.
Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro lớn về con người và vũ khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận quân sự Denny Roy, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo. Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan. Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo.
Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan.
Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến.
Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.
Yếu tố Mỹ trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan
Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, cho rằng Washington sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Đài Loan tái gia nhập một số tổ chức quốc tế, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan và là quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho hòn đảo tự trị này.
Trung Quốc và Mỹ thủ thế giành đảo Đài Loan làm cho tình hình căng thẳng trở lại, nhưng đó là mặt ngoài. Bên trong thật ra không có gì thay đổi: thái độ Đài Loan không đổi. Mỹ vẫn tiếp tục lập trường mập mờ, sẽ bảo vệ Đài Loan chống Trung Quốc nếu Đài Loan đừng động vọng. Khác biệt duy nhất là Tập Cận Bình đang chuẩn bị các quân bài để tấn công khi tình hình địa chính trị cho phép. Nhưng còn lâu lắm Bắc Kinh mới hội đủ điều kiện thuận lợi .
Năm 2018, Hải quân Mỹ đã đưa một số tàu qua eo biển Đài Loan. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ mô tả động thái này là nhằm thể hiện cam kết của Washington với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Năm 1996, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đưa 2 tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan vào thời điểm xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc. Một số ý kiến tại Washington đang kêu gọi chính quyền Mỹ cân nhắc thực hiện lại động thái trên. Điều này được cho là sẽ “chọc giận” Bắc Kinh vì chưa có bất kỳ tàu sân bay nào của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong hơn một thập niên qua. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan trong một động thái nhằm phô diễn sức mạnh quân sự với hòn đảo này.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây dường như không chỉ tập trung vào việc duy trì vai trò lãnh đạo chiến lược ở vành đai tây Thái Bình Dương, mà còn ngày càng thể hiện lập trường thách thức sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ thay vì đối tác. Đa số nghị sĩ Mỹ ủng hộ phương án điều lực lượng tới hỗ trợ Đài Loan một khi hòn đảo bị tấn công, bởi họ nhận ra rằng vị thế của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là tiêu tan, nếu Washington khoanh tay đứng nhìn Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm Đài Loan.
Theo các chuyên gia, Đài Loan được ví như tàu sân bay không thể chìm án ngữ chuỗi đảo thứ nhất và có vai trò ngăn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và thống trị Đông Á. Bởi vậy, Roy tin rằng lập trường hiện nay của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là “phản tác dụng”, có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển quan trọng hơn của Bắc Kinh.
Dư luận cho rằng Trung Quốc không dễ tấn công Đài Loan
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực trong việc thống nhất Đài Loan, song đây được xem là mục tiêu khó khăn với Bắc Kinh vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo Reuters, mặc dù không có chi tiết nào trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực với Đài Loan, song nếu Bắc Kinh thực sự muốn giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này, xung đột quân sự có lẽ là biện pháp duy nhất. Việc sử dụng vũ lực quân sự với Đài Loan sẽ là bước đi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với chính quyền Trung Quốc. Kịch bản này có thể đặt Bắc Kinh vào thế đối đầu với Mỹ. Mặc dù không tuyên bố ủng hộ Đài Loan độc lập, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn mô tả mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này là “mạnh mẽ”.
Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.
Giới chuyên gia cũng nhận định nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc, vì: (i) Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. (ii) Về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc. Về chính trị,Tổng thống Thái Anh Văn, tuy cương quyết khước từ đề xuất “một quốc gia hai chế độ”, cố gắng “duy trì nguyên trạng” tại eo biển Đài Loan trong khi mục tiêu của Tập Cận Bình là làm “thay đổi nguyên trạng”. Đảng Dân Tiến cũng có một chiến thuật khôn ngoan sau thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2018, khiến tổng thống Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng. Ngày 06/01/2019, ông Trác Vinh Thái, một nhân vật ôn hoà, nguyên là tổng thư ký phủ tổng thống, được gần 25.000 đảng viên, hơn 72%, bầu làm tân chủ tịch. Ý nghĩa chính trị quan trọng trong chiến thắng này của vị giáo sư hải dương học 59 tuổi là ông đánh bại đối thủ là một người trong đảng kịch liệt chống đối tổng thống Thái Anh Văn. Việc ông Trác Vinh Thái thay thế bà Thái Anh Văn cho thấy Đảng Dân Tiến chọn con đường tiếp nối và sẽ làm cho các nước khác yên tâm.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng Đài Loan và Trung Quốc sẽ giữ nguyên trạng. Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai trung hạn nhưng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực. Áp lực này tùy thuộc vào tình hình chính trị tại Đài Loan, tùy theo kết quả bầu cử tổng thống vào tháng giêng 2020. Bà Thái Anh Văn sẽ tái đắc cử hay một nhân vật khác hữu hảo với Bắc Kinh. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hồ sơ Đài Loan trở thành một vấn đề trong nội bộ chế độ Trung Quốc: một bộ phận quân đội và dân chúng có tư tưởng Hán tộc cực đoan sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc để động binh đánh Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó mà dự đoán một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều chắc chắn là vấn đề Đài Loan sẽ tồn tại lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển.