Các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Thụy Điển cảnh báo một trạm vệ tinh do Trung Quốc xây tại phía bắc nước này sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng để do thám nếu hệ thống vệ tinh quân sự Trung Quốc bị tê liệt trong thời chiến.
“Thụy Điển đang bắt đầu tỉnh mộng trước các thách thức an ninh từ Trung Quốc” – Viking Bohman, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thụy Điển nói với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 14-1.
Cùng ngày hôm đó, truyền thông Thụy Điển tiết lộ một thông tin chấn động: các công ty sản xuất vật liệu bán dẫn tiên tiến của Thụy Điển đã bị bán đứt cho Trung Quốc. Hợp đồng bao gồm việc mua luôn cả những công nghệ lưỡng dụng có thể được sử dụng cho cả dân sự lẫn quân sự.
Hồi cuối tuần trước, như một xu hướng được bắt đầu từ Mỹ, Thụy Điển và Na Uy đã tuyên bố sẽ cân nhắc liệu có nên để tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của các nước này hay không.
Động thái này xuất phát từ cáo buộc của Washington nói rằng Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, thực chất đang tiến hành các hoạt động gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh.
Theo ông Bohman, truyền thông nước này đã dùng thẳng từ “ngây thơ” để nói về suy nghĩ và cách tiếp cận của Thụy Điển trong cuộc chơi với Trung Quốc.
Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (FOI) trực thuộc Bộ Quốc phòng Thụy Điển ngày 13-1 tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa cho các tranh cãi ngày càng tăng về sự hiện diện của Trung Quốc tại nước này.
Ông John Rydqvist, một nhà nghiên cứu thuộc FOI, tỏ ra lo ngại về ranh giới mơ hồ giữa dân sự và quân sự của các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc.
Điều này đặt ra nguy cơ an ninh không chỉ đối với Cơ quan không gian Thụy Điển (SSC) mà còn nhiều hợp tác mang mác dân sự khác giữa Trung Quốc với quốc gia Bắc Âu này.
Trạm vệ tinh mặt đất đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc đặt tại miền bắc Thụy Điển – Ảnh chụp màn hình
Theo các nhà nghiên cứu FOI, trạm vệ tinh do Trung Quốc xây tại Kiruna và hoạt động từ năm 2016 vốn là một phần trong dự án quan sát Trái đất có tên Cao Phân của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong trường hợp hệ thống vệ tinh quân sự của Trung Quốc bị tê liệt trong thời chiến, trạm vệ tinh đặt tại miền bắc Thụy Điển này có thể sẽ được trưng dụng bởi quân đội Trung Quốc để cung cấp các hình ảnh do thám tại vùng Bắc cực.
Được biết đến với tên gọi chính thức “Trạm tiếp nhận dữ liệu vệ tinh mặt đất vùng Bắc cực”, trạm vệ tinh ở Kiruna thuộc quản lý của Viện khoa học Trung Quốc và là một phần trong thỏa thuận giữa Bắc Kinh với SSC.
Phản ứng trước các lo ngại của Bộ Quốc phòng Thụy Điển, SSC đã khẳng định trạm vệ tinh ở Kiruna là hoàn toàn vì mục đích dân sự và bác bỏ các nguy cơ an ninh.
Song theo ông Rydqvist, nguy cơ là có thật và những hợp tác như vậy có thể trở thành trở ngại cho các hợp tác an ninh quan trọng của Thụy Điển với Mỹ, châu Âu.
“Cho dù chỉ có chút xíu nghi ngờ hay lo ngại, tốt nhất là thôi đừng làm nữa” – ông Rydqvist cảnh báo.