Các tàu hải quân Mỹ và Anh đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm của hai nước đối với hòa bình và ổn định khu vực, giữa bối cảnh căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell lớp Arleigh-Burke và tàu khu trục GMS Argyll loại 23 của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành các hoạt động ở Biển Đông từ ngày 11-16/1, theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài tháng sau khi tàu HMS Albion thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Anh gần quần đảo Hoàng Sa, thu hút phản ứng gay gắt từ Trung Quốc.
Tàu chiến HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: UK Navy)
Luân Đôn đã nhiều lần tuyên bố rằng Vương quốc Anh sẽ tăng cường hoạt động tại các vùng biển châu Á, với mục đích là phản ứng lại mối đe dọa từ tình trạng bành trướng sức mạnh và quân sự hóa của Trung Quốc tại các hòn đảo nhân tạo trong khu vực, theo The Spectator.
Năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Anh khi đó, ông Vladimir Johnson tuyên bố tàu sân bay mới nhất của Vương quốc Anh, HMS Queen Elizabeth, sẽ tới Biển Đông trong chuyến đi đầu tiên vào năm 2021 để thực hiện các cuộc tập trận với hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vào tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch đặt một căn cứ quân sự của nước này tại Đông Á, có thể ở Singapore hoặc Brunei, nhằm đảm bảo sự hiện diện lâu dài của Anh ở phía tây Thái Bình Dương.
Những động thái trên, về tổng thể đã tạo ra một sự đảo ngược đối với chính sách East of Suez, bắt đầu từ năm 1968, trong đó Anh Quốc rút lực lượng khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đỉnh điểm là việc chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, theo The Spectator.
Một số người có thể tự hỏi tại sao Luân Đôn lại mạo hiểm thu hút sự tức giận của Bắc Kinh khi tham gia vào vùng biển cách xa lợi ích quốc gia cốt lõi của Anh, tác giả Michael Auslin của The Spectator đặt vấn đề.