Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới'Vấn đề lớn nhất' của Mỹ-Trung là Biển Đông?

‘Vấn đề lớn nhất’ của Mỹ-Trung là Biển Đông?

Nhà kinh tế học Panos Mourdoukoutas vừa có bài viết trên Forbes cho rằng “vấn đề lớn nhất” giữa Bắc Kinh và Washington không phải là thương mại, mà chính là mâu thuẫn gia tăng giữa hai nước và về Biển Đông và Châu Phi.

Trong khi đó, Tiến sĩ Carl Thayer nói ông đồng tình với chuyên gia kinh tế Mourdoukoutas rằng Trung Quốc là “địch thủ” của Hoa Kỳ, tuy nhiên ông Thayer không cho rằng chính sách thương mại mà ông Trump đang theo đuổi liên kết với chiến lược an ninh quốc tế của Hoa Kỳ.

Trong một bài đăng trên Forbes hôm 19/1, ông Mourdoukoutas viết: “Vấn đề này [tranh chấp Biển Đông] có thể kéo dài nhiều năm, nếu không phải là thập kỷ, và nó có thể dẫn đến đối đầu quân sự giữa hai nước.”

Biển Đông hiện là mục tiêu hàng đầu cho chương trình nghị sự kinh tế và chính trị của Bắc Kinh – một dự án sẽ đưa Trung Quốc thành nhà lãnh đạo kinh tế lớn tiếp theo của thế giới.

Để làm điều đó, Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố cho rằng nó có những quyền “lịch sử” đối với vùng biển.

“Bắc Kinh bảo vệ các quyền đó bằng cách đe dọa, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, giúp tuyên truyền hơn nữa hiện trạng chính trị Trung Quốc,” Mourdoukoutas viết.

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc ra, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Việt Nam đều đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển có khối lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua mỗi năm.

Úc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ cũng vẫn mong muốn duy trì sự tự do hàng hải trong vùng biển khu vực.

“Đây chính là nguy cơ đối đầu quân sự tiềm tàng: một tình huống mà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lên thị trường tài chính và sự hội nhập kinh tế của nước khu vực,” Mourdoukoutas lập luận.

Nhà kinh tế học đang giảng dạy tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ còn phân tích rằng Châu Phi cũng là một trọng điểm khác cho sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quốc kỳ Trung Quốc và Hoa Kỳ treo trên cột buồm của Tàu Bệnh viện ‘Hòa bình’ khi con tàu bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Mỹ vào 2015 tại San Diego, California của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh cử các phái đoàn đến các thủ đô Châu Phi mỗi năm, giúp thiết lập các dự án cơ sở hạ tầng và châu Phi cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên kinh tế ở mức rẻ mạt.

Bắc Kinh đang biến châu Phi thành “một lục địa thứ hai” cho Trung Quốc, Mourdoukoutas nhận định.

Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là nhà “tài trợ” lớn nhất cho châu Phi theo Viện Nghiên cứu Trung-Phi John Hopkins.

Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ, cũng có nhiều khoản đầu tư vào Châu Phi.

Điều này khiến Trung Quốc tố Nhật Bản “ích kỷ” và áp đặt lên các quốc gia Châu Phi và gây chia rẽ các nước Phi với Trung Quốc.

“Trung Quốc nói Nhật Bản ích kỷ thì thật mỉa mai vì bản chất ích kỷ trong các dự án đầu tư của họ ở Châu Phi. Hầu hết các quốc gia đầu tư ở Châu Phi đều làm vì [lợi ích của chính nước họ]. Thay vì chia rẽ Trung Quốc với các nước châu Phi, điều này chỉ làm chia rẽ thêm Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Thêm vào đó là những tác động đáng lo ngại từ việc Trung Quốc đang siết chặt Biển Đông, nó đặt nền tảng cho một ngòi thuốc nổ có thể gây nguy hại hơn bất kỳ cuộc chiến thương mại nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” Mourdoukoutas viết.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Giáo sư Carl Thayer, từ Đại học New South Wales của Úc

Tiến sĩ Carl Thayer nói gì?

Tiến sĩ Carl Thayer nói ông đồng tình với chuyên gia kinh tế Mourdoukoutas rằng Trung Quốc là “địch thủ” của Hoa Kỳ.

Ông Thayer nói qua bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence (hồi tháng 10/2018) và việc Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành Luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á (ARIA) cho thấy có một sự cạnh tranh đối đầu với Trung Quốc đang gia tăng.

Tuy nhiên, chính sách thương mại mà ông Trump đang theo đuổi không liên kết với chiến lược an ninh quốc tế của Hoa Kỳ.

“Hoa Kỳ không sử dụng vấn đề thương mại để đạt lợi thế trong vấn đề Biển Đông và ngược lại,” ông Thayer nói.

Ông Thayer cũng cho rằng khả năng xảy ra đối đầu quân sự ở khu vực Biển Đông cũng rất thấp.

Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động tuần tra vào năm ngoái với hai hình thức: một là tuần tra tự do hàng hải và hai là tiếp tục sự hiện diện của các tàu tuần tra dưới thời Obama từ Guam, Diego Garcia, Nebraska…

“Điều này cho thấy Mỹ cũng có thể phản ứng và làm Trung Quốc e ngại”.

“Nhưng tại thời điểm này, Trung Quốc không cho thấy họ có hứng thú tỏ ra hung hãn. Chúng ta đang nói rất nhiều về thương mại và kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Trung Quốc đang có một vấn đề khác phải quan tâm hơn.”

“Và Mỹ cũng không liên kết giữa các hoạt động ở Biển Đông với một chiến lược rộng lớn hơn để gây áp lực với Trung Quốc. Bởi vì thực sự là không có chiến lược gì cả.”

“Cuối cùng thì chiến lược đó có thể là gì? Trung Quốc rút quân khỏi Biển Đông ư? Phi quân sự hóa ư? Ngừng tuyên bố chủ quyền ư? Chẳng có tác dụng gì.”

“Hoa Kỳ đã áp lực lên Trung Quốc buộc phải có các hành vi tuân thủ luật lệ và tôn trọng tự do hàng hải nhưng nó chẳng đi đến đâu cả. Trung Quốc chẳng làm bất cứ điều gì.”

“Tôi hi vọng trong năm 2019 này, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hoàn tất việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người sẽ tiếp tục chương trình này.”

Ông Thayer cũng cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang trong thời kỳ “tốt đẹp nhất” kể từ sự kiện Giàn khoan HD981 vào 2014.

Năm ngoái, Trung Quốc gây áp lực lên các hoạt động khai thác dầu mỏ trên Biển Đông của Việt Nam, một phải ngừng, một bị bỏ hoang.

“Không một quan chức Việt Nam nào muốn nói về điều này,” ông Thayer nói. “Đó là thực trạng hiện tại.”

“Việt Nam, nói cách khác, bị cô lập và trơ trọi trong khu vực, là nước duy nhất có xích mích với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.”

Dư luận ở Việt Nam thực sự “rất độc hại” với thái độ chống Trung Quốc, ông Thayer nói.

“Thế hệ trước, vốn đã hi sinh trong các cuộc chiến, sắp trở thành lịch sử, cho nên cần phải tôn vinh những sự hi sinh của họ,” ông Thayer bình luận về các bài báo gần đây của báo chí Việt Nam nhân 45 kỷ niệm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.

“Tôi nghĩ, thử thách nghiêm trọng nhất với chính quyền [Việt Nam] là bảo vệ chủ quyền đất nước. Nên việc cho phép các tờ báo nội địa viết bài về Trung Quốc là biện pháp an toàn thôi.”

RELATED ARTICLES

Tin mới