Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế TQ sẽ vượt Mỹ năm 2030?

Kinh tế TQ sẽ vượt Mỹ năm 2030?

Trung Quốc sẽ bỏ xa mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 và đạt mức 8% trong 10 năm tới?

Theo CNN, trong bài phát biểu tại Davos (Thụy Sĩ) Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho rằng, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đáng kể, và điều quan trọng với nước này là tập trung vào kế hoạch lâu dài.

“Sẽ có nhiều sự không chắc chắn trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng bền vững” – ông Vương tuyên bố.

Đề cập đến con số tăng trưởng kinh tế 6,6% trong năm 2018, con số thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua, ông Vương nói: “Tôi nghĩ đó là một con số khá đáng kể. Không thấp. Không hề thấp”.

Ông Vương cho rằng đảng và chính phủ Trung Quốc đang “cố gắng nhắc nhở mọi người rằng tốc độ rất quan trọng, nhưng điều thật sự quan trọng vào lúc này là chất lượng và hiệu quả” của sự phát triển.

Củng cố lại tính ổn định của nền kinh tế Trung Quốc được cho là chính sách ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2018. Sự giảm tốc này được cho là đã được dự liệu trước dù Trung Quốc đã đặt mục tiêu cải cách kinh tế vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Justine Yifu Lin, cựu Phó Chủ tịch cấp cao và là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025 và sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Phát biểu tại sự kiện “Kinh tế học trong kỷ nguyên mới của Trung Quốc” do cơ quan Kiến trúc bền vững về tài chính ở châu Âu tổ chức, ông Lin nói rằng “ngay cả sau 40 năm tăng trưởng phi thường, Trung Quốc vẫn có tiềm năng lớn cho tăng trưởng kinh tế năng động”.

Sự lạc quan của ông Justine Yifu Lin bắt nguồn từ con số GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2008.

Khi đó, con số của Trung Quốc ở mức 21% so với GDP bình quân đầu người của Mỹ, bằng tỷ lệ Nhật Bản đạt được năm 1951, Singapore năm 1967, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) năm 1975 và Hàn Quốc năm 1977.

Tất cả các nền kinh tế được đề cập ở trên đều tăng 8-9% mỗi năm trong 20 năm tiếp theo. Trong khi đó, theo ông Lin, Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng 8% trong 10 năm tới.

Ông nói thêm rằng, những thách thức bên ngoài như chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại chắc chắn sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng. Tuy nhiên, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và là một quốc gia có thu nhập trung bình, nhu cầu xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng của Trung Quốc giúp nước này trở thành một địa bàn mở cho đầu tư.

Khó có thể phủ nhận sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng từ giọt nước làm tràn ly là cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Với rủi ro từ cuộc chiến thương mại hiện tại, dòng vốn đầu tư gián tiếp không những bị rút ròng, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc này liên tiếp bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tập đoàn đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại quốc tháo chạy, dòng vốn của các công ty, giới nhà giàu Trung Quốc cũng lẳng lặng tìm đến những quốc gia khác để tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Những cơn sốt chứng khoán, bất động sản tại một số quốc gia như Úc, Canada hay những nước láng giềng thời gian qua có sự góp sức từ dòng tiền của các chủ đầu tư người Hoa.

Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, Mỹ đang ra sức đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính và tìm mọi cách để cô lập Trung Quốc.

Trước tình hình trên, nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro “hạ cánh cứng” gần hơn bao giờ hết.  Vừa qua, Ngân hàng JPMorgan phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 từ 6,2% xuống 6,1%, trong khi báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có cái nhìn không mấy lạc quan về kinh tế Trung Quốc, khi tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng của nước này.

Trong dự báo gần đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và cũng là người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – Nouriel Roubini cũng cho rằng việc Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách tài khóa và tín dụng lỏng lẻo là mối nguy hiểm thật sự. Theo đó, nếu Bắc Kinh không chủ động làm chậm tăng trưởng nền kinh tế để đối phó với hàng hóa dư thừa thì một điểm “hạ cánh cứng” cũng sẽ được kích hoạt.

RELATED ARTICLES

Tin mới