Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei...

Những thủ đoạn “tin tặc Trung Quốc” và vai trò của Huawei và ZTE (Kỳ IV)

Theo chuyên gia an ninh mạng tại Hongkong Michael Gazaley, phần lớn băng thông Internet của thế giới nằm tại Mỹ và Trung Quốc, nên chẳng có gì bất ngờ khi các vụ tấn công mạng chủ yếu bắt nguồn từ 2 quốc gia này. Và một trong những điều đáng báo động nhất trong cuộc chiến với tin tặc Trung Quốc là các phần mềm tống tiền và gián điệp.

Kỳ IV: “Vòi bạch tuộc” của Lenovo

Giới chuyên môn có thể điểm danh nhiều loại thiết bị Trung Quốc từng được cài phần mềm gián điệp như máy tính Lenovo, smartphone Xiaomi Redmi Note. Máy tính Lenovo đặt sẵn phần mềm thu thập dữ liệu, điều khiển máy tính từ xa, smartphone Xiaomi Redmi Note đánh cắp dữ liệu người dùng… Lenovo từng bị kiện vì đã gắn phần mềm quảng cáo (adware) Superfish vào máy tính, kinh doanh gian lận khi để máy tính của mình dễ trở thành đối tượng bị tin tặc tấn công bởi phần mềm kể trên được cài đặt sẵn trong máy. Adware Superfish được cài sẵn trên các laptop mà Lenovo bán ra thị trường từ trung tuần tháng 9-2014 đến tháng 1-2015. Đầu năm 2015, Lenovo bị phát hiện cài mã độc Superfish trong máy tính của hãng này bởi Superfish có thể thu thập thông tin từ việc truy cập của người sử dụng. Lenovo không phải là hãng máy tính đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc cài phần mềm gián điệp vào sản phẩm của mình.

Theo giới truyền thông, từ năm 2009, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà sản xuất máy tính hoạt động tại nước này phải cài đặt phần mềm Lục Bá (đập xanh) để kiểm duyệt tin tức và theo dõi người sử dụng Internet. Và Lenovo có cài phần mềm Lục Bá trong các máy vi tính ThinkPad. Và theo Luật chống khủng bố được Quốc hội Trung Quốc thông qua (27-12-2015), các công ty công nghệ hoạt động tại nước này phải chia sẻ mã nguồn và cài đặt “cổng sau” cho các sản phẩm điện tử để Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận thông tin.

Theo thông báo của cơ quan chức năng Hải Phòng và Quảng Ninh, từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2015, một số dòng máy tính của hãng Lenovo đã cài phần mềm có tên “Lenovo Service Engine” (viết tắt là LSE) vào BIOS của máy trước khi xuất xưởng. Do đó, khi lần đầu tiên kết nối Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm có tên “Onkey Optimizer”. Theo thống kê, các máy tính xách tay Lenovo bị nhiễm mã độc gồm Flex 2 Pro 15 (Broadwell); Flex 2 Pro 15 (Haswell); Flex 3 1120; Flex 3 1470/1570; G40-80/G50-80/G50-80 Touch; S41-70/U41-70; S435/M40-35; V3000; Y40-80; Yoga 3 11; Yoga 3 14; Z41-70/Z51-70; Z70-80/G70-80. Còn máy tính để bàn Lenovo gồm A540/A740; B4030; B5030; B5035; B750; H3000; H3050; H5000; H5050; H5055; Horizon 2 2; Horizon 2e(Yoga Home 500); Horizon 2S; C260; C2005; C2030; C4005; C4030; C5030; X310(A78); X315(B85)…

Gần 32 năm trước (17-10-1984), Liễu Truyền Chí cùng 10 nhân viên kỹ thuật người Trung Quốc, với số vốn chỉ 200.000 NDT (khoảng 25.000 USD tại thời điểm đó) đã thành lập Legend, tên gọi ban đầu của Lenovo. Ngày 1-4-2003, ông Dương Nguyên Khánh, Chủ tịch và CEO Legend chính thức đổi tên tập đoàn này thành Lenovo. Và kể từ đó, số nhân viên cũng như doanh thu của Lenovo luôn tăng – lợi nhận kinh doanh năm 2015 đạt 1,108 tỉ USD, tăng so với mức 1,05 tỉ USD năm 2014. Theo thống kê, từ năm 2014 Lenovo đã là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc. Lenovo hoạt động tại hơn 60 quốc gia, và sản phẩm của họ đang có mặt ở khoảng 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. 11 năm trước (2005-2016), Lenovo đã mua lại mảng kinh doanh máy tính của IBM, để bước vào thị trường điện thoại thông minh. Lenovo hiện là tập đoàn đa quốc gia về công nghệ máy tính với mức doanh thu năm 2015 đạt 46,296 tỉ USD, tăng so với mức 38,7 tỉ USD năm 2014.

Nhiều khách hàng tại Mỹ từng gửi đơn kiện Lenovo ở tòa án bang North California. Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng cảnh cáo và yêu cầu Lenovo phải gỡ bỏ phần mềm Superfish và hãng này đã phải xin lỗi, cùng cam kết gỡ bỏ phần mềm độc hại này. Mặc dù đã mua 16.000 máy tính ThinkPad của Lenovo, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn phải quyết định không sử dụng vì lo ngại phần mềm gián điệp được cài đặt bên trong có thể xâm nhập các kênh thông tin mật của chính phủ Mỹ. Trang Popular Science từng cho biết, tình báo 1 số nước như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia, đã cấm sử dụng máy tính của Lenovo vì chứa phần mềm gián điệp.

Giới chức tình báo, quốc phòng Mỹ và Australia cho biết, phần mềm gián điệp của Lenovo cho phép tin tặc xâm nhập thiết bị từ xa mà người sử dụng không biết. Lenovo không phải là hãng máy tính đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc cài phần mềm gián điệp vào sản phẩm của mình để phục vụ mưu đồ do thám bởi hơn 1 năm trước (đầu năm 2015), Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ từng ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng sản phẩm của 2 hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE.

( Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới