Với trạm vũ khí điều khiển từ xa kết hợp giữa súng máy hạng nặng và súng phóng lựu, xe tăng hạng nhẹ VT5 của Trung Quốc có thể tấn công đa dạng các đối tượng khác nhau.
Xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nhẹ Type 15 (phiên bản xuất khẩu VT5) của Trung Quốc được đánh giá là sản phẩm hàng đầu phân khúc trên thế giới vào thời điểm hiện tại, thực chất nó chính là phiên bản giản lược từ Type 96B khi giảm cỡ nòng pháo chính từ 125 mm xuống 105 mm cũng như loại bỏ bớt giáp bảo vệ.
Dòng chiến xa thế hệ mới này đang được biên chế cho các sư đoàn sơn cước hoạt động trên vùng núi cao địa hình hiểm trở mà loại Type 96 hay Type 99 nặng nề khó phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, nó còn được trang bị cho cả Lính thủy đánh bộ Trung Quốc để phối hợp cùng xe tăng bơi ZTD-05.
Mặc dù bị xem là biến thể “hạ cấp” của Type 96B nhưng chiếc Type 15 vẫn có những nét độc đáo riêng, thậm chí có thể gọi là “độc nhất vô nhị” và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn để thu hút sự quan tâm của khách hàng quốc tế.
Hiện nay, việc trang bị trạm vũ khí điều khiển từ xa cho xe tăng chiến đấu chủ lực nhằm nâng cao sức chiến đấu của MBT, cũng như giảm thiểu rủi ro đối với xạ thủ khi không còn phải bộc lộ hoàn toàn ra ngoài lớp giáp bảo vệ đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Tuy nhiên trong khi đại đa số xe tăng chỉ được tích hợp module tác chiến gắn súng máy hạng nặng 12,7 mm để làm chức năng phòng không và chống bộ binh thì Trung Quốc lại đi xa hơn khi bổ sung cả khẩu súng phóng lựu 35 mm Type 04 (QLZ-04).
Súng phóng lựu liên thanh QLZ-04 được Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Phương Bắc (NORINCO) sản xuất từ năm 2004 để thay thế cho loại QLZ-87, nó tương thích cỡ đạn 35 x 32 mm, tốc độ tác xạ 400 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 190 m/s, tầm bắn hiệu quả 600 m và tối đa lên tới 1.750 m.
Đi kèm với khẩu QLZ-04 vẫn là súng máy hạng nặng W85 cỡ 12,7 x 108 mm, đây là vũ khí thứ cấp tiêu chuẩn của mọi xe tăng hiện đại do Trung Quốc chế tạo, súng có tốc độ bắn 550 – 600 phát/phút, sơ tốc 850 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới trên 1.000 m.
Nhờ được tích hợp trạm vũ khí điều khiển từ xa thế hệ mới mà xe tăng hạng nhẹ Type 15/VT5 đã có khả năng tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu bao gồm cả lô cốt, ụ súng… của đối phương mà không yêu cầu phải sử dụng đến khẩu pháo chính.
Bên cạnh đó, nhờ module tác chiến này mà chiếc chiến xa của Trung Quốc thậm chí còn phần nào đảm nhiệm được vai trò của xe hỗ trợ tăng kiểu BMPT của Nga, đặc biệt là khi được triển khai hoạt động tại khu vực đô thị.
Giải pháp trên của Bắc Kinh cũng được cho là hiệu quả và đơn giản hơn so với phương án tích hợp pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm lên xe tăng T-90M Proryv-3 mà Nga từng có tham vọng chế tạo.